BV Đại học Y Dược TP.HCM: Người bệnh hưởng lợi từ bệnh viện thông minh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Là một trong những bệnh viện tiên phong triển khai ứng dụng CNTT từ khám, chữa bệnh tới quản trị hệ thống, BV Đại học Y Dược TP.HCM hướng tới bệnh viện thông minh.
Bệnh viện thông minh và hệ thống liên thông các nhà thuốc giúp người bệnh hưởng lợi nhiều nhất là chủ trương lớn của Bộ Y tế triển khai về các địa phương (Ảnh: BVCC)
Bệnh viện thông minh và hệ thống liên thông các nhà thuốc giúp người bệnh hưởng lợi nhiều nhất là chủ trương lớn của Bộ Y tế triển khai về các địa phương (Ảnh: BVCC)

Hội nhập vào xã hội 4.0, công cuộc chuyển đổi số trong bệnh viện đã mang lại nhiều thành tựu khiến người bệnh được hưởng lợi trực tiếp. VietTimes có cuộc trò chuyện với kỹ sư Trần Văn Đức – Trưởng phòng Công nghệ thông tin (CNTT), Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM về đề tài này.

Thuận lợi hơn trong nền tảng số

Phóng viên: - CNTT có phải là giải pháp phát triển toàn diện thưa ông?

Kỹ sư Trần Văn Đức: - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khởi đầu từ phòng khám mỗi ngày tiếp nhận và khám vài chục bệnh nhân, sau hơn 25 năm trở thành bệnh viện hàng đầu về chất lượng khám chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM và được người dân tin tưởng với số lượt khám trung bình mỗi ngày đã lên đến con số 8.000.

Để có thể phục vụ được số lượng bệnh nhân lớn như vậy, thực sự có vai trò lớn của chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh. Hiện tại, bệnh viện đã thực hiện xong liên kết nhà thuốc trong hệ thống của Bộ Y tế, chúng tôi áp dụng CNTT trong cả công tác quản trị và ứng dụng khám chữa bệnh cho người dân.

Quản lý hồ sơ, bệnh án điện tử khiến người dân nhận được thông tin y khoa nhanh hơn (Ảnh: Hoà Bình)

Quản lý hồ sơ, bệnh án điện tử khiến người dân nhận được thông tin y khoa nhanh hơn (Ảnh: Hoà Bình)

Công tác chuyển đổi số đã ăn sâu vào mọi hoạt động của bệnh viện. Ngay từ những năm đầu, lãnh đạo bệnh viện đã quyết tâm chỉ đạo đội ngũ nhân viên thực hiện chuyển đổi số, đầu tư đầy đủ các nền tảng cần thiết như phòng Data centre, hệ thống server, thiết bị lưu trữ, máy móc, thiết bị đầu cuối, nhân sự quản trị phần mềm quản lý bệnh viện… Thời gian qua, chúng tôi đã liên tục viết và chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện nhiều phần mềm để có thể triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám chữa bệnh, như phần mềm quản lý người bệnh khám chữa bệnh nội trú, ngoại trú, cận lâm sàng, bệnh án điện tử, quản lý nhân sự, quản lý tài sản, quản lý vật tư tiêu hao…

Hoạt động quản lý bệnh viện được số hoá hoàn toàn trên những biểu đồ. Ban giám đốc chỉ cần nhìn vào sơ đồ tổng thể đó có thể quản lý được khoa nào phòng nào đang quá tải, đông bệnh nhân, khu vực nào vắng, hoặc có thể điều phối bác sĩ và số lượng bệnh nhân từ khu vực nào sang khu vực nào.

Từ khi quyết liệt chuyển đổi số, chúng tôi nhận thấy bệnh viện đã tạo ra những giá trị tăng thêm khi người dân sử dụng các dịch vụ của bệnh viện, thu nhận được phản hồi về mức độ hài lòng của người bệnh khá cao sau khi đến khám chữa bệnh.

*Cụ thể, bệnh viện đã đưa những ứng dụng nào vào quá trình khám, chữa bệnh khiến người bệnh cảm thấy hài lòng?

Kỹ sư Trần Văn Đức: - Tâm lý chung của người bệnh đến viện thăm khám ở bất cứ đâu họ cũng đều lo lắng và ám ảnh nhất đó là xếp hàng. Xếp hàng từ khâu đăng ký, thanh toán tới chờ đợi khám lâm sàng. Nhưng hiện tại Bệnh viện số đã hoá giải được hết nỗi lo lắng này của người bệnh.

Trước kia, bệnh nhân thường phải đến bệnh viện xếp hàng từ sáng sớm. Thương nhất là những người bệnh chuyển tuyến, từ các tỉnh thành khác về TP.HCM. Đã ốm, bệnh, mệt mỏi, mà còn phải đến từ trước 5 giờ sáng, xếp hàng dài dằng dặc chờ tới lượt. Nhưng bây giờ, bệnh nhân có thể ở bất cứ đâu vẫn đăng ký được lịch khám và đến hẹn thì người bệnh tới khám.

BV Đại học Y Dược cũng đã ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Người bệnh có thể quẹt thẻ thanh toán cho toàn bộ quy trình khám chữa bệnh, nhận hoá đơn điện tử, không còn phải xếp hàng chờ đợi nhau trong khâu thanh toán gây nhiều bức xúc và chậm trễ cho quá trình khám chữa bệnh.

Bệnh viện còn có bệnh án điện tử, quản lý tin nhắn thông báo cho người bệnh như đã có kết quả xét nghiệm, tin nhắn báo nhắc nhở lịch khám đúng hẹn. Khi một em bé vừa sinh ra bệnh viện cũng nhắn tin cho gia đình biết em bé sinh ra giờ nào, cân nặng, giới tính, sức khoẻ của bé. Hay một bệnh nhân được phẫu thuật thì bệnh viện cũng thông báo giờ phẫu thuật xong, tình trạng bệnh nhân… cho người nhà của họ qua tin nhắn.

BV Đại học Y Dược đã phát triển 1 app cho bệnh nhân. Khi người bệnh đến khám chỉ cần mở app. Người bệnh đăng ký khám, quản lý hồ sơ khám chữa bệnh, mọi thắc mắc được hỏi qua app và các bác sĩ sẽ tư vấn online kịp thời.

Nhanh hơn, tiện ích nhiều hơn

*Sự bùng nổ của làn sóng CNTT là tất yếu, trong bất cứ ngành nghề nào, chắc chắn là không thể không chuyển đổi số. Và cũng có thể thấy bệnh viện thông minh mang lại nhiều lợi ích cho cả bác sĩ lẫn người bệnh?

Công nghệ nhận diện khuôn mặt và chứng minh thư nhân dân (thẻ căn cước) trong quản lý hồ sơ bệnh án điện tử giúp chính xác tới từng người bệnh (Ảnh: Hoà Bình)

Công nghệ nhận diện khuôn mặt và chứng minh thư nhân dân (thẻ căn cước) trong quản lý hồ sơ bệnh án điện tử giúp chính xác tới từng người bệnh (Ảnh: Hoà Bình)

Kỹ sư Trần Văn Đức: - Bộ Y tế, Cục CNTT đã chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt về chủ trương chuyển đổi số trong các bệnh viện, có các hướng dẫn đầy đủ cho đơn vị thực hiện. Tin mừng là đến năm 2020, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã được đạt được mức 6/7 trong bộ tiêu chí đánh giá theo thông tư 54 của Bộ Y tế.

Qua quá trình chuyển đổi số, chúng tôi nhận thấy CNTT đã mang lại nhiều thuận lợi hơn cho bác sĩ, nhân viên y tế, còn người bệnh thì được rút gọn quy trình thủ tục hành chính, thanh toán viện phí nhanh hơn, khám chữa bệnh cũng nhanh hơn nhờ tiết kiệm thời gian xếp hàng, được cập nhật thông tin nhanh hơn trong quá trình khám chữa bệnh, có những nhắc nhở kịp thời sau khi đã xuất viện, nếu cần tái khám hoặc có những yếu tố cần lưu ý khác sau khi đã rời khỏi bệnh viện.

*Để chuẩn bị tốt nhất cho bệnh viện thông minh, phía BV đã gặp phải những khó khăn gì thưa ông?

Kỹ sư Trần Văn Đức: - Chuyển đổi số không thể chỉ làm trong một thời gian ngắn mà có thể đạt được thành tựu. Ngược lại, cần đầu tư rất nhiều nguồn lực, cả về tài chính, con người, và quan trọng nhất là tầm nhìn.

Tất cả dữ liệu của người bệnh phải được nhập vào hệ thống phần mềm, được lưu trữ. Dữ liệu có thể do người dùng nhập liệu vào hoặc do kết nối IOT tự động chuyển dữ liệu vào. Sau đó, phải chuẩn hóa dữ liệu, thông qua công cụ, biến dữ liệu thành dữ liệu có cấu trúc, phát triển Bigdata.

Xây dựng Hệ hỗ trợ ra quyết định (DSS), tự động hóa (Automation), Hệ thống trả lời tự động (Chatbot), trí tuệ nhân tạo (AI) … là những yếu tố quan trọng để phát triển bệnh viện thông minh.

Nói ngắn gọn nhất thì phải chuẩn bị kho dữ liệu lâm sàng, Big Data phải có cấu trúc, để y bác sĩ có thể tra cứu thông tin chẩn đoán, từ đó có phương hướng điều trị chính xác, kịp thời và hiệu quả.

Hồ sơ bệnh án điện tử phải rất đơn giản, dễ sử dụng, chính xác, thuận tiện, giúp người bệnh và y bác sĩ tiết kiệm thời gian trong việc nhận bệnh, chuyển bệnh, tập trung các nguồn lực vào công tác chăm sóc và điều trị. Từ ứng dụng CNTT, bệnh nhân phải được thừa hưởng dịch vụ đó, được điều trị tốt hơn, thanh toán viện phí nhanh hơn, nhận được thông tin y khoa nhanh hơn, quy trình rút gọn hơn.