Bước ngoặt Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc đấu tranh địa chính trị ở Syria

Tháng cuối cùng năm 2015, chiến trường Syria đã có một bước ngoặt lớn, làm thay đổi cục diện chiến trường trong cuộc chiến chống khủng bố. Sau gần hai tháng không kích với tần suất ở mức trung bình, Nga đột ngột gia tăng cường độ không kích, quyết liệt hỗ trợ quân đội Syria tấn công trên chiến trường.  

Từ những diễn biến trong những tháng cuối năm 2015 chuyển sang năm 2016, báo Newsli.ru có bài viết nhận định, sự cố bị thảm Su -24 đã trở thành một bước ngoặt mới trong cuộc chiến ở Syria, gia tăng căng thẳng địa chính trị Trung Đông lên một cấp độ mới.

Từ 30.09.2015, lực lượng không quân viễn chinh Nga triển khai chiến dịch không kích Caliphate với cường độ tấn công ở mức trung bình, với mục đích kiềm chế khả năng tấn công của các tổ chức khủng bố IS và Al-Nusra (Al Qaeda Syria). Trước đó, liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu và Israel cũng thực hiện những cuộc không kích, nhưng chưa hề có được kết quả rõ rệt.

Trên bộ, Quân đội Syria, phối kết hợp với các lực lượng vũ trang ủng hộ chính quyền Damascus, quân tình nguyện người Shiite  Iraq, Hezbollah, ở một số khu vực đặc biệt khác có lực lượng đặc nhiệm liên minh (nhưng mục đích của các lực lượng này thực sự cũng không thể hiện rõ ràng ngoài vài vụ bắn tỉa và cứu con tin của đặc nhiệm Anh, Mỹ).

Trong cuộc chiến chống khủng bố còn có lực lượng dân quân người Kurd và lực lượng đặc nhiệm, cố vấn quân sự Iran nhưng một điều đặc biệt hơn nữa, người Kurd lại phải chiến đấu cả với lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Trên chiến trường Syria ngoài hàng chục các lực lượng vũ trang thân chính phủ còn có hàng trăm tổ chức nổi dậy khác, vừa sử dụng bạo lực chống chính quyền Damascus, vừa chống IS nhưng lại chọn đồng minh là Al – Nusra Front (Al Qaeda Syria).

24.11.2015, theo những nguyên nhân không rõ ràng, máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ bắn rơi chiếc máy bay ném bom Su-24 Nga trên bầu trời biên giới Syria, tình hình đột ngột trở lên vô cùng căng thẳng.

Ankara dưới áp lực nào đó kiên quyết không giải quyết vấn đề theo hình thức ngoại giao hoặc đối thoại mà ngược lại, kết tội nước Nga xâm lược và ủng hộ khủng bố, tổng thống Erdogan tuyên bố sẽ tiếp tục bắn hạ máy bay của Nga.

Tất nhiên là Nga buộc phải phản ứng. Ngoài những biện pháp trừng phạt kinh tế và bóc trần sự thật về đường ống dẫn dầu trên xe tải, Không quân Nga tăng cường lực lượng gấp đôi không kích ở Syria, triển khai hệ thống tên lửa S-400, gia tăng lực lượng bộ binh bảo vệ sân bay và tất nhiên là các cố vấn quân sự cùng vũ khí trang bị hiện đại.

Kết quả là, sự cố bi thảm Su-24 bị bắn rơi không rõ nguyên nhân ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ đã làm thay đổi tình hình chiến sự ở Syria. Lực lượng không quân Nga gia tăng cường độ không kích đến mức gây bất ngờ lớn cho cả phương Tây.

Xuất hiện các hoạt động yểm trợ đường không cho quân đội Syria, đưa các loại vũ khí thông thường có trang bị hệ thống thông tin liên lạc và tác chiến công nghệ cao vào khai thác sử dụng. Trên mạng xã hội xuất hiện thông tin Nga sử dụng thử nghiệm robot chiến trường.

Như vậy từ cấp độ chỉ tấn công hỏa lực đường không vào hạ tầng quân sự của IS và Al Nusra, Nga chuyển hướng sang nâng cao khả năng tác chiến và từng bước củng cố lại cơ cấu tổ chức, hệ thống hóa vũ khí trang bị và bước đầu đưa công nghệ hiện đại vào trong biên chế trang bị của quân đội Syria.

Điều đó có nghĩa là, quân đội Syria sẽ trở thành một lực lượng tác chiến mạnh trên bộ và một ngày không xa, có thể hy vọng quân đội Syria đủ mạnh để tiếp nhận trang thiết bị hiện đại, thay thế quân đội Nga quản lý chiến trường không – bộ.

Bước ngoặt lớn trên chiến trường Syria không đủ để kết thúc nhanh chóng cuộc chiến đẫm máu ở đất nước đầy đau thương này. Lực lượng khủng bố và bạo loạn ở Syria vẫn sẽ bằng mọi cách kéo dài cuộc chiến đẫm máu ngay cả khi không còn nguồn tài trợ nước ngoài và tấn công khủng bố ngay khi đã hoàn toàn không còn một địa bàn nào để cát cứ.

Những diễn biến địa chính trị và tình hình chiến sự ở Syria cho thấy, vị thế của Damascus đang trở lên vững chắc hơn và Syria cũng sẽ sẵn sàng cho cuộc chiến lâu dài, trường kỳ chống khủng bố và bạo loạn. Tất nhiên với điều kiện ông Al Assad thắng cử.  

Nhưng bước ngoặt này đủ để cho các nhà tài trợ nước ngoài cho các tổ chức khủng bố, bạo loạn ở Syria hiểu một điều rất rõ. Những lợi ích mà họ mong muốn đạt được sẽ không bao giờ với tới nữa. Những thế lực này sẽ tìm mọi cách hoặc khiến cho ngọn lửa xung đột ở Syria cháy lớn lên để gây thiệt hại lớn nhất buộc nước Nga hoặc vĩnh viễn từ bỏ những ý đồ địa chính trị của mình.

Trong những sự kiện gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập Xê út đều hướng tới một mục đích thổi bùng ngọn lửa xung đột, đẩy tất cả những lực lượng liên quan như Nga, Mỹ, NATO, Iran, Palestine và các tổ chức khác vào một cuộc đấu tranh địa chính trị nhằm cứu vãn tình thế đang trở lên không còn hy vọng nữa. Nhưng Mỹ và NATO không sẵn sàng cho chuyện này, ví dụ điển hình là cuộc cách mạng màu ở Ukraine đã dẫn đến việc Donbass vĩnh viễn không bao giờ còn thuộc chính quyền Maidan Ukraine.

Tình hình Trung Đông trở lên nguy hiểm hơn, thay vì nhận thấy không thể sử dụng IS, Al-Nusra như một công cụ vũ trang chính trị và dập tắt ngọn lửa chiến tranh, các thế lực cường quyền tiếp tục đẩy căng thẳng gia tăng nhằm cứu vãn tình thế. Tình huống cho thấy nguy cơ bất ổn an ninh đang dần rõ nét ở một số nước.

Một điều chắc chắn, những nỗ lực cuối cùng của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm bảo đảm các hoạt động buôn lậu và tài trợ cho các lực lượng nổi dậy, thu lợi từ nguồn dầu bất hợp pháp của IS dần trở thành vô hiệu. Thổ Nhĩ Kỳ đòi hỏi có vùng đệm cấm bay 35 km nhưng điều đó hiện nay không thể do Mỹ không muốn xung đột với Nga. Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đang có nguy cơ phải đối đầu trực tiếp với người Kurd trong một cuộc nội chiến và khủng bố khó lòng tránh khỏi.

Sự kiện Ả rập Xê út xử quyết 47 người trong đó có nhà truyền giáo người Shiite  dẫn đến Ả rập Xê út cùng các đồng minh cắt quan hệ ngoại giao với Iran đã đẩy nguy cơ xung đột lên một vòng xoáy mới.

Với cuộc chiến ở Yemen, sự nổi dậy của người Shiite, một nguy cơ mới đang hình thành chính trong lòng đất nước này mà các đồng minh như Mỹ và châu Âu cũng không thể can thiệp.

 Điều đó có thể hiểu, chính sách đối ngoại cứng rắn và cực đoan cũng như cách đòi hỏi bất chấp mọi nguyên tắc về tôn trọng chủ quyền  theo kiểu “Assad phải ra đi” đang làm hình thành một hậu quả mà cả hai quốc gia này đều khó lòng tránh khỏi.  

Trịnh Thái Bằng