Trong tháng 3/2015, hơn 1 triệu người dân Brazil đã xuống đường biểu tình phản đối tình trạng tham nhũng và điều hành yếu kém của chính phủ. Quốc gia này đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế, lạm phát cao kỷ lục trong 1 thập kỷ qua, khủng hoảng tài chính và việc kiểm soát phân phối nước cho người dân.
Tại Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế đang chậm lại do giá bất động sản đang giảm, hơn 1.000 mỏ quặng sắt của nước này rơi dần vào phá sản.
Những người dân Nga thì đang chối bỏ ngành ngân hàng của nước mình bằng cách chuyển sang tích trữ đồng USD.
Đó là một vài bằng chứng cho thấy tình hình khó khăn đang ngày càng gia tăng tại các thị trường mới nổi trên thế giới. Một số quốc gia nhỏ hơn tại vùng Sahara Châu Phi đang bị suy giảm ngân sách và gia tăng vay nợ. Ngay cả những cường quốc xuất khẩu dầu mỏ vùng Vịnh cũng đã bị ảnh hưởng khi giá dầu giảm một nửa xuống 55 USD/thùng và đang tăng trưởng chậm hơn.
Mặc dù những tác động tiêu cực này đến từ những nguyên nhân khác nhau, nhưng một xu thế ngầm mạnh mẽ đang diễn ra khiến các nền kinh tế mới nổi lâm vào cùng một tình trạng.
Xu thế tăng cường đầu tư tài chính của dòng vốn quốc tế vào các thị trường mới nổi từ sau đợt khủng hoảng 2008-2009 đã suy yếu hoặc chuyển sang rút vốn. Nguyên nhân là những dòng vốn này đang tìm kiếm một nơi trú ẩn an toàn hơn tại các quốc gia phát triển.
Rút vốn mạnh nhất kể từ năm 2009
Theo số liệu tổng hợp, 15 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới đang đối mặt với tình trạng rút vốn mạnh nhất kể từ sau sự biến động vào nửa cuối năm 2014. Nguyên nhân là đồng USD mạnh khiến đồng tiền các nước mới nổi giảm giá và các nhà đầu tư ngày càng lo lắng về khả năng Mỹ thực hiện chính sách thắt chặt kinh tế. Bên cạnh đó, giá hàng hóa thấp cũng làm giảm mức tăng trưởng GDP của các nước đang phát triển trên thế giới.
Theo các chuyên gia phân tích, những dấu hiệu trên cho thấy một “sự đổ vỡ to lớn” của những khoản nợ tại các thị trường mới nổi, hiện đang "phình lên" với kích thước chưa từng có. Quan trọng hơn, tình trạng thoái vốn sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính của cả những nền kinh tế dễ bị tổn thương lẫn những quốc gia đang gia tăng số doanh nghiệp sẽ vỡ nợ.
Chuyên gia chiến lược Maarten-Jan Bakkum của ING Investment Management cho biết một số nền kinh tế thế giới rất dễ bị tổn thương. Những quốc gia như Brazil, Nga, Colombia và Malaysia phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu các hàng hóa chính. Vì vậy, những quốc gia này sẽ bị tổn thương nặng hơn. Bên cạnh đó, một số quốc gia có tỷ lệ vay nợ lớn như Thái lan, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang gặp nguy hiểm.
Thay đổi chỉ số tại các thị trường mới nổi (đường đỏ) và tình trạng thoái vốn (cột hồng)
Các chuyên gia phân tích nhận định rằng những thị trường mới nổi đã vượt qua một vài biến động tài chính nhưng tình trạng rút vốn hiện nay có thể là dấu hiệu cho những thay đổi cơ bản. Mặc dù việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) báo hiệu việc thay đổi chính sách tiền tệ từ giữa năm 2013 đã tạo ra bất ổn trên thị trường tài chính nhưng cũng chỉ ảnh hưởng tạm thời đến thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, tình hình lần này lại có vẻ nghiêm trọng hơn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết tỷ lệ dự trữ ngoại hối tại thị trường mới nổi năm 2014 đã suy giảm lần đầu tiên kể từ năm 1995.
Nếu không có một dòng vốn ổn định, các quốc gia mới nổi sẽ có ít tiền hơn để thanh toán những khoản nợ, bù đắp thâm hụt ngân sách và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng cũng như mở rộng doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia phân tích, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ bị tổn thương. Hãng Capital Economics dự đoán tăng trưởng GDP tại các thị trường mới nổi đã giảm từ 4,5% xuống 4% năm 2014. Kinh tế Nga sẽ rơi dần vào suy thoái, Brazil tiếp tục phải vật lộn với tình trạng khó khăn hiện nay, còn Trung Quốc tăng trưởng chậm lại do thị trường bất động sản ảm đạm.
Tình hình thoái vốn tại các thị trường (Nửa cuối 2013- nửa cuối 2014)
Do đà đi xuống của “vòng quay hàng hóa” (hàng hóa tăng giá rồi lại giảm giá) cùng với việc giá dầu thấp đã dẫn đến những dự đoán trên.
Chuyên gia Paul Hodges của Echem International đánh giá rằng những gì đang xảy ra hiện nay là một “sự đổ vỡ to lớn” của thị trường trong 15 năm qua.
Ông Bakkum cũng nhận thấy một sự đảo ngược đáng kể trong xu hướng dòng chảy tài chính thế giới. Việc thoái vốn khỏi các thị trường mới nổi cho thấy một sự đảo ngược xu thế so với việc đầu tư mạnh vào những thị trường này trước đây khi lãi suất của Mỹ gần bằng 0%.
Mặc dù vậy, tình trạng trên không đến mức quá xấu. Nhà đầu tư đang được thu hút đến Ấn Độ do chính sách cải cách của chính phủ nước này cũng như lợi ích từ giá năng lượng giảm khiến thâm hụt tài khoản vãng lai. Các nước như Indonesia và Mexico cũng đang thu hút đầu tư nhờ các lý do tương tự.
Suy giảm hối đoái
Số liệu tổng hợp của ING với 15 nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới cho thấy dòng vốn đã bị rút ra trong nửa cuối năm 2014 với con số ròng 392,4 tỷ USD.
Trong khi đó, mức rút vốn trong 3 quý của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 là 545,9 tỷ USD. Nếu quý 1/2015 diễn ra tình trạng tương tự thì tổng số tiền rút ra khỏi thị trường mới nổi trong 3 quý tính từ năm ngoái sẽ gần bằng với mức trong cuộc khủng hoảng trên.
Các chuyên gia phân tích dự đoán rằng tình trạng rút vốn sẽ không chỉ dừng tại quý 1/2015 mà sẽ còn tiếp tục tăng vượt mức 250,2 tỷ USD của quý 4/2014.
Tình hình tín dụng của các nước năm 2013 và chênh lệch 2007-2013 (%GDP)
Năm 2008-2009, Mỹ là nguyên nhân chính gây ra khó khăn cho các thị trường mới nổi thì hiện Trung Quốc được coi là thủ phạm. Tăng trưởng GDP chậm lại cùng với sự suy giảm trong ngành xây dựng đã khiến dòng vốn rút khỏi thị trường này. Lý do là nhà đầu tư cho rằng họ có thể kiếm nhiều lợi nhuận hơn khi đầu tư vào nơi khác.
Trước đó, các nhà đầu tư Trung Quốc đã vay với lãi suất thấp tại nước ngoài rồi đầu tư vào thị trường bất động sản trong nước, qua đó gia tăng tình trạng tài chính ngầm. Hiện nay, việc đầu tư như vậy đã trở nên rủi ro hơn và đã có 91 tỷ USD rút ra khỏi Trung Quốc trong quý 4/2014, một con số kỷ lục.
Chuyên gia kinh tế Frederic Neumann của HSBC nói rằng “Đó tất cả là do lỗi của Trung Quốc, theo cách trực tiếp hay gián tiếp.”
Mặc dù quốc gia này có thặng dư tài khoản vãng lai lớn nhưng tình trạng thoái vốn trong 6 tháng qua đã làm giảm bớt tỷ lệ dự trữ ngoại hối của nước này. Bên cạnh đó, đồng Nhân dân tệ tăng giá càng làm cho Trung quốc gặp khó khăn hơn trong việc duy trì thặng dư như trước.
Tại Brazil, nguyên nhân của khó khăn bắt nguồn từ giá cả hàng hóa giảm và đồng USD tăng. Mặc dù quốc gia này đã cố gắng thu hút các nguồn vốn đầu tư trong nửa cuối năm 2014 nhưng điều này lại khiến cho phí vay tăng lên mức 12,75%.
Trả nợ
Theo các chuyên gia, Brazil cũng giống như nhiều thị trường mới nổi khác khi không tận dụng thời gian “bùng nổ” trước đây để cố gắng thúc đẩy tăng trưởng sản xuất. Chuyên gia Sergio Trigo Paz của BlackRock nhận định việc tái cơ cấu trong khi nền kinh tế đối mặt với dự suy giảm là điều rất khó cho các nhà hoạch định chính sách. Các thị trường mới nổi sẽ khó giữ mức xếp hạng tín nhiệm của mình.
Tổng mức tăng trưởng tín dụng trên thị trường mới nổi trong 2007-2013 là 49 tỷ USD, chiếm 47% toàn thế giới. Con số này cao gấp đôi so với mức tăng trưởng vay nợ trong 2000-2007.
Những thị trường có sự thoái vốn đáng kể là những nước gia tăng tín dụng mạnh nhất trước đây. Hàn Quốc đã tăng 45 điểm phần trăm GDP vay nợ trong khoảng 2007-2013. Trong khi đó, con số này tại Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan và Đài Loan tương ứng là 83, 49, 43, 16 điểm phần trăm.
Đây chưa phải là mối lo ngại duy nhất của các chuyên gia. Một khu vực khác của thị trường mới nổi cũng nguy hiểm không kém là thị trường trái phiếu. Cách đây 10 năm, thị trường trái phiếu của các quốc gia mới nổi hầu như không đáng kể. Hiện tại, ước tính thị trường này đạt giá trị hơn 2 nghìn tỷ USD, cao hơn mức 1,6 nghìn tỷ USD của thị trường trái phiếu Mỹ.
Hiện tượng này đã được thúc đẩy bởi các chính sách nới lỏng tiền tệ trên thế giới. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng đang săn lùng trái phiếu có lãi suất cao, điều mà họ không còn có được tại thị trường phát triển.
Theo chuyên gia David Spegel của BNP Paribas, Mỹ đang dần thay đổi chính sách và điều này sẽ khiến tình hình tín dụng tại các nước mới nổi xấu đi. Chi phí đầu tư cao tại những thị trường này sẽ gia tăng rủi ro đối với nhà đầu tư.
Điều này làm ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm nếu tình trạng trên tiếp tục. Trong lịch sử, việc đổ vỡ của các thị trường thường “trùng hợp” đi kèm với xu thế thoái vốn. Do đó, ông Spegel cho rằng thị trường “con gấu” tại các quốc gia mới nổi sẽ xuất hiện. Mặc dù hiện tại tính thanh khoản thấp của những thị trường này đang làm trì hoãn nhu cầu “bán ra.”
Nếu những nguy cơ trên chỉ đơn thuần là sự điều tiết của thị trường thì tình hình không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu tình trạng rút vốn lây lan mạnh mẽ trên các thị trường thì rủi ro này sẽ cướp đi những cơ hội và hy vọng cho người dân của những quốc gia mới nổi.
Theo: BizLive