Vậy thị trường BĐS Đà Nẵng đang ở đâu? Và đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
VietTimes đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Kim Hoa - Giám đốc quản lý văn phòng Savills Việt Nam tại Đà Nẵng về thị trường địa ốc đô thị lớn nhất miền Trung 6 tháng đầu năm, cũng như triển vọng cuối năm 2019.
Trầm lắng ở hầu hết các phân khúc
- Đã khá lâu rồi Savills chưa có các báo cáo nghiên cứu đối với thị trường BĐS Đà Nẵng, bà có thể chia sẻ những nhận định về thị trường này trong nửa đầu 2019?
Bà Lê Thị Kim Hoa: Trong 6 tháng qua, thị trường BĐS Đà Nẵng diễn ra khá yên ắng do nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân do nguồn cung mới không nhiều là một ví dụ.
Cụ thể như mảng biệt thự mở bán, trong 6 tháng qua, thị trường Đà Nẵng chỉ ghi nhận một dự án mở bán với số lượng khá ít, nhưng cũng khá thành công vì trong thời gian dài thị trường không có nguồn cung mới.
Còn lại tất cả các dự án văn phòng, bán lẻ,… tất cả đều không có nguồn cung mới nên thị trường gần như yên ắng. Chỉ có ghi nhận vào tháng tới có một dự án bán lẻ mở cửa ở đây.
Một nguyên nhân yên ắng nữa là do đặc tính thị trường BĐS Đà Nẵng có quy mô khá nhỏ, tập trung chủ yếu ở một vài phân khúc nhất định như căn hộ, BĐS nghỉ dưỡng, khách sạn,….
Nói chung là bức tranh BĐS Đà Nẵng gần như chỉ một màu, nên khi thị trường du lịch bị tác động thì thị trường cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.
Tuy vậy, ghi nhận vẫn có giao dịch với dòng sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng cao cấp đến từ các khách mua Hà Nội và Hồ Chí Minh, đây là nguồn khách chủ yếu cho dòng BĐS nghỉ dưỡng cao cấp.
Bà Lê Thị Kim Hoa - Giám đốc quản lý văn phòng Savills Việt Nam tại Đà Nẵng.
|
Theo dự báo của Savills, từ nay đến cuối năm 2019 sẽ có từ 3-4 dự án mới ra đời sẽ làm cho thị trường sôi động hơn. Tuy nhiên, số lượng khoảng hơn 200 sản phẩm, chủ yếu vẫn là BĐS nghỉ dưỡng. Số lượng ít, nhưng giá trị khá cao và chủ yếu là phân khúc cao cấp, hạng sang, cùng đối tượng khách hàng giới hạn.
Đà Nẵng siết chặt quản lý là đúng!
- Chúng ta đang nhìn từ phía diễn biến cũng như quy luật của thị trường, nhưng liệu còn có nguyên nhân gì khác khiến thị trưởng ảm đạm hay không? Động thái siết chặt quản lý của cơ quan chức năng địa phương chẳng hạn?
Chắc chắn rồi, việc siết chặt quản lý là một trong những yếu tố khiến thị trường chững lại. Những động thái này tác động đến tâm lý của người mua và sự hiểu biết của người mua. Không chỉ vậy, các chính sách từ phía cơ quan quản lý nhà nước không chỉ tác động đến sản phẩm đất nền mà còn ảnh hưởng liên quan đến các sản phẩm khác, nhất là sản phẩm condotel. Đặc biệt là tính pháp lý của các dự án này.
Sự siết chặt quy trình mở bán sản phẩm, yêu cầu phải có phê duyệt quy hoạch 1/500, có giấy phép xây dựng, có giấy phép mở bán,… và kéo theo đó là tiến trình ký kết hợp đồng từ đặt cọc, mua bán.
Với tất cả các động thái quản lý đó, theo tôi là rất tốt, nhằm bảo vệ người mua và đảm bảo tính ổn định, tính pháp lý của các giao dịch trên thị trường. Và quan trọng hơn là để đảm bảo hình thành những sản phẩm BĐS có chất lượng cũng khiến thị trường yên ắng hơn trước.
Thực tế như anh cũng biết, có những dự án khu đô thị có vị trí rất đẹp, nhưng rất buồn và hiu hắt, hạ tầng không đảm bảo, thi công dang dở,… nhưng họ vẫn bán và thậm chí mua bán qua khá nhiều cấp, kèm theo là giá đã được thổi đội lên gấp nhiều lần. Điều này cũng khiến nhiều nhà đầu tư mới khó lòng tiếp cận, phát triển dự án bởi giá đất đã quá cao.
Không những vậy, sau khi được bán xong thì dự án vẫn vậy, vẫn hoang tàn như vậy. Điểm qua một loạt các dự án khu vực Tây Bắc Đà Nẵng, phía Nam,… khá hiu hắt và hoang tàn cho dù đã được mở bán từ khá lâu.
Quay lại vấn đề pháp lý, nếu dự án được quản lý chặt chẽ ngay từ đầu, được đầu tư phát triển bởi nhà đầu tư có năng lực thì dự án sẽ đem lại bộ mặt mới cho cả khu vực và cho địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển cho các sản phẩm khác. Nên việc chính quyền địa phương có những động thái siết chặt quản lý là đúng đắn và cần thiết.
Và với tất cả các vấn đề đang diễn ra đối với sản phẩm đất nền trong thời gian qua cũng là một trong những lý do khiến chúng tôi không quan tâm nhiều đến sản phẩm đất nền tại Đà Nẵng. Nó không mang lại giá trị bền vững, toàn cục mà chỉ mang lại cục bộ cho chủ đầu tư và các đối tượng đầu cơ như tôi đã nói.
Cần giữ chân nhà đầu tư
- Vậy sự phát triển của các thị trường đất nền lân cận như Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định,… có ảnh hưởng đến thị trường đất nền Đà Nẵng hay không?
Theo tôi là có ảnh hưởng và đó cũng là chuyện bình thường. Khi người mua thấy không có sản phẩm tốt ở thị trường này thì họ sẽ chuyển sang thị trường khác, tránh dòng tiền bị đóng băng. Chúng tôi hy vọng sau khi có những chính sách pháp lý rõ ràng đối với các sản phẩm BĐS thì các nhà đầu tư sẽ tiếp tục nhìn nhận tiềm năng của thị trường Đà Nẵng.
Cần phải nói thêm là nếu so với các nơi thì thị trường BĐS Đà Nẵng rất tiềm năng, chỉ là trong thời gian qua, Đà Nẵng không có thêm những nguồn cung mới nên thị trường mới trở nên yên ắng, cùng với đó là những chính sách pháp lý khiến các nhà đầu tư dịch chuyển để tìm kiếm những cơ hội đầu tư khác.
Nên theo tôi, TP Đà Nẵng nên sớm tháo gỡ và có những chính sách pháp lý rõ ràng đối với các dự án cũng như các sản phẩm BĐS đế giữ nhà đầu tư ở lại. Việc tháo gỡ cũng đừng để quá lâu, bởi nếu quá lâu, các nhà đầu tư sẽ dịch chuyển dòng tiền đi nơi khác, và một khi đã dịch chuyển đi nơi khác sẽ khó lòng kéo họ quay lại. Và muốn họ quay lại sẽ mất thời gian khá dài và như vậy thị trường lại phải chứng kiến sự ảm đạm không tốt.
Thị trường BĐS Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2019 trầm lắng ở hầu hết các phân khúc
|
- Dưới góc độ chuyên gia, nhận định thị trường của bà trong 6 tháng cuối năm 2019 thế nào?
Theo nhận định của chúng tôi, thị trường 6 tháng cuối năm 2019 sẽ sôi động hơn vì thị trường sẽ đón nhận thêm nhiều nguồn cung, khách hàng sẽ có nhiều lựa chọn để đầu tư. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, chúng tôi ghi nhận có nhiều yêu cầu tìm kiếm sản phẩm văn phòng cho thuê.
Nguồn cầu này tăng đột biến so với mọi năm đang cho thấy nhu cầu mở văn phòng tại Đà Nẵng đang rất cần. Và đây cũng là một thông tin cho việc đa dạng sản phẩm đầu tư đối với thị trường BĐS tại Đà Nẵng.
- Chân thành cảm ơn bà!