BSC: Cổ phiếu ngân hàng xứng đáng có mức định giá cao hơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định như vậy trong “Báo cáo triển vọng ngành quý 4/2022” vừa công bố.

Theo đó, tính đến cuối tháng 10/2022, ngành ngân hàng đang được định giá ở mức 1.0x P/B FW 2022 - mức chiết khấu tương đối sâu so với giai đoạn trước. Do đó, BSC cho rằng, cổ phiếu ngân hàng xứng đáng có mức định giá cao hơn.

Theo BSC, một số “cơn gió ngược chiều” có thể ảnh hưởng lên ngành ngân hàng trong năm 2023 như suy thoái kinh tế thế giới, xu hướng tăng tỷ lệ chi phí tín dụng và tỷ lệ trích lập phòng sẽ hạn chế phần nào triển vọng định giá và tăng trưởng lợi nhuận ngành trong quý 4/2022 và năm 2023.

Tuy nhiên, BSC vẫn giữ quan điểm khả quan về triển vọng ngành ngân hàng khi cho rằng các cổ phiếu trong ngành đang được định giá ở mức chiết khấu tương đối sâu, trong khi sức khỏe tài chính của các ngân hàng hiện nay vẫn tương đối tốt.

Chuyên gia của BSC cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 sẽ tiệm cận mức 14%. Trong quý 3/2022, một số ngân hàng đã cho vay hết hạn mức tín dụng đã được cấp thêm trong tháng 9.

“Với mục tiêu đặt kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, chúng tôi cho rằng dư địa cấp thêm “room” tín dụng mới trong các tháng cuối năm sẽ không còn nhiều”, BSC nhận định.

Tính đến hết quý 3/2022, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ trong danh mục đầu tư của một số ngân hàng niêm yết lớn là 218.221 tỉ đồng, tương đương 2,2% tổng dư nợ tín dụng các doanh nghiệp thống kê, giảm 6% so với quý 2/2022 về quy mô.

Một số ngân hàng có định hướng về việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp lớn do lãi suất cao hơn các khoản vay thông thường và danh mục trải dài các ngành giúp giảm thiểu rủi ro.

“Với danh mục đầu tư trải dài nhiều ngành cùng việc chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu cho vay, tác động rủi ro đến an toàn hệ thống ngành ngân hàng là không lớn.

Tuy nhiên, rủi ro về việc trích lập dự phòng các khoản đầu tư này sẽ tạo áp lực lên tăng trưởng lợi nhuận một số ngân hàng quý 4/2022 và năm 2023”, BSC nhận định.

Trong quý 3/2022, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của các ngân hàng tiếp tục ghi nhận đà giảm nhẹ, chủ yếu do hết hạn mức tăng trưởng tín dụng và bối cảnh lãi suất huy động có xu hướng tăng.

BSC cho rằng, xu hướng CASA giảm có thể tiếp diễn trong quý 4/2022 và các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao (trên 30%) sẽ có lợi thế và khả năng chống chịu tốt hơn trong thời gian tới.

Chất lượng tài sản trong tầm kiểm soát

BSC dự báo biên lãi ròng (NIM) của hệ thống ngân hàng sẽ duy trì ở mức 3,7% trong năm 2022 do đà phục hồi của nền kinh tế giúp tăng trưởng tín dụng cao, lãi suất cho vay phục hồi sau thời gian hỗ trợ và CASA tăng trong năm 2022 giúp giảm chi phí vốn.

Tuy nhiên, với việc tăng lãi suất điều hành trong tháng 9/2022, BSC cho rằng NIM sẽ chịu áp lực giảm trong ngắn hạn khi lãi suất huy động đang có xu hướng tăng, trong khi đó dư địa tăng trưởng tín dụng sẽ bị hạn chế.

Dù vậy, mức giảm NIM cũng sẽ tương đối phân hóa giữa các ngân hàng, phụ thuộc vào tỷ lệ CASA, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung hạn và dài hạn.

Mặc dù có lo ngại về rủi ro nợ xấu từ trái phiếu doanh nghiệp, BSC cho rằng chất lượng tài sản của các ngân hàng vẫn trong tầm kiểm soát.

Một số ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng, và cải thiện mạnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu. Điều này giúp các ngân hàng có bộ đệm dự phòng lớn, phòng trừ rủi ro do biến động thị trường trong thời gian tới./.