“Tay chơi” mới ở Chứng khoán Sen Vàng
Bà Thái Kiều Hương, thành viên HĐQT Chứng khoán Sen Vàng vừa hoàn tất mua thêm gần 1,4 triệu cổ phiếu GLS có giá trị 13,75 tỷ đồng từ cổ đông Nguyễn Khoa Đức theo phương thức thoả thuận. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của bà Hương được nâng từ 4,95% lên 15,13%, chính thức trở thành cổ đông lớn.
Ngoài ra, bà Hương còn đơn vị liên quan khác là Công ty TNHH Thương mại Nông nghiệp Khang An (gọi tắt là Công ty Khang An), đơn vị đang nắm giữ 2,7 triệu cổ phiếu GLS, tương đương 20% vốn. Như vậy, sau giao dịch, tổng sở hữu của nhóm cổ đông này nâng lên 35,13% vốn điều lệ Chứng khoán Sen Vàng.
Trước đó, hôm 11/4, ông Cao Tấn Thành, cựu Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Sen Vàng, đã chuyển nhượng toàn bộ 8,25% triệu cổ phiếu, tương đương 61,16% vốn điều lệ cho bà Thái Kiều Hương (nhận 4,95%), Công ty Khang An (20%), ông Hồ Ngọc Bạch (19,88%) và ông Lê Huy Dũng (16,33%).
Cùng ngày, ông Lê Huy Dũng nhận thêm toàn bộ 500.000 cổ phiếu GLS (tương đương 3,7% vốn điều lệ) từ ông Chu Tuấn An. Sau giao dịch, nhóm cổ đông này sở hữu 64,86% vốn Chứng khoán Sen Vàng.
Ít ngày sau đó (15/4/2024), HĐQT Chứng khoán Sen Vàng thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Cao Tấn Thành và được thay thế bởi ông Lê Huy Dũng. Vị này từng đảm nhận các vị trí lãnh đạo cấp cao tại ngân hàng ACB, Đại Á và rời ghế Tổng giám đốc VietBank từ tháng 2/2024.
Nghiên cứu cho thấy bà Thái Kiều Hương và công ty liên quan có mối liên hệ mật thiết với Xuân Thiện Group. Bà Hương là một mắt xích quan trọng trong “hệ sinh thái” Xuân Thiện Group khi từng kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo tại các đơn vị thành viên của tập đoàn này.
Chẳng hạn, tại Công ty TNHH Xuân Thiện Đắk Lắk, công ty thuộc mảng năng lượng của Xuân Thiện Group, bà Hương từng đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Ở thời điểm thành lập, Xuân Thiện Đắk Lắk có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng được góp bởi 5 cổ đông gồm ông Nguyễn Văn Thiện sở hữu 85%, Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình và Công ty TNHH Xuân Thiện Hà Giang cùng sở hữu 5%, Công ty TNHH Xuân Thiện Hòa Bình sở hữu 5%, còn lại 2% thuộc về Công ty TNHH Xuân Thiện Yên Bái.
Còn về Công ty Khang An, tên cũ là Công ty TNHH Sữa dê Ninh Bình, được thành lập năm 2018 với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Thời điểm thành lập, đơn vị do Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình (tiền thân của Xuân Thiện Group) sở hữu 98%, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư DTH Quốc tế và Công ty Cổ phần Nam An Tú mỗi bên sở hữu 1%.
Tới tháng 7/2023, bà Thái Kiều Hương xuất hiện và nắm giữ 99% vốn điều lệ tại đơn vị này.
Xuân Thiện đứng sau đợt tăng vốn 5.000 tỷ đồng
Sự xuất hiện của nhóm cổ đông mới liên quan đến Xuân Thiện Group kỳ vọng đưa Chứng khoán Sen Vàng gia nhập các công ty chứng khoán mới nổi, quy mô vốn lớn.
Nhóm cổ đông mới, với tiềm lực tài chính mạnh, chiếm đa số trong danh sách các nhà đầu tư sẽ rót vốn thêm 5.000 tỷ đồng vào Chứng khoán Sen Vàng tới đây. Cụ thể, bà Thái Kiều Hương và Công ty Khang An dự kiến được phân phối 216,2 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành 500 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số lượng còn lại được phân phối cho 13 nhà đầu tư khác.
Đợt phát hành dự kiến diễn ra trong năm nay, nâng vốn điều lệ của GLS tăng mạnh từ 135 tỷ đồng lên 5.135 tỷ đồng. Số tiền 5.000 tỷ thu được dự kiến sẽ được bổ sung nguồn vốn cho vay ký quỹ (3.000 tỷ đồng), nâng cao năng lực tài chính, hệ thống hạ tầng công nghệ (100 tỷ đồng), tự doanh (1.800 tỷ đồng) và thực hiện các dịch vụ khác theo quy định (100 tỷ đồng).
Việc huy động thêm vốn diễn ra trong bối cảnh Chứng khoán Sen Vàng đang có kế hoạch bổ sung nghiệp vụ tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán và kinh doanh chứng khoán phái sinh. Hiện tại, đơn vị chỉ còn nghiệp vụ môi giới và tư vấn đầu tư sau khi mất kết nối với hai sở giao dịch chứng khoán và đang trong diện kiểm soát.
Ngoài ra, Chứng khoán Sen Vàng còn muốn đổi tên thành Công ty Cổ phần Chứng khoán Xuân Thiện, viết tắt là XTSC. Bên cạnh đó, công ty cũng dời trụ sở chính về toà nhà D. Le Roi Soleil ở 59 Xuân Diệu, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Năm 2024, công ty có kế hoạch tập trung vào việc xin ra khỏi diện kiểm soát, khôi phục các nghiệp vụ và kết nối hai sở. Do đó, công ty đặt kế hoạch tăng trưởng thận trọng với mục tiêu doanh thu chỉ 5,1 tỷ đồng và lãi trước thuế hơn 90 triệu đồng, lần lượt giảm 32% và 90% so với năm trước.
Chứng khoán Sen Vàng được thành lập và hoạt động từ năm 2007, CTCP Xây dựng & Địa ốc Hòa Bình là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 42,5% vốn. Ông Lê Viết Hòa và ông Lê Viết Hiếu, con trai ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HBC lần lượt sở hữu 22,49% và 9,29%.
Tuy nhiên, đến tháng 11/2021, nhóm cổ đông lớn liên quan Hoà Bình đã chuyển nhượng toàn bộ 42,5% vốn, tương đương 5,74 triệu cổ phiếu GLS, cho 4 cổ đông cá nhân khác gồm: Nguyễn Khoa Đức (10,18%), Phùng Thị Cẩm Nhung (10,18%), Cao Tấn Thành (10,18%) và Chu Tuấn An (11,97%).
Cùng ngày, ông Lê Viết Hòa chuyển nhượng 3,04 triệu cổ phiếu GLS cho 3 cổ đông là Nguyễn Anh Dũng (10,18%), Lê Thị Mơ (7,31%) và Vũ Đình Hưng (5%); còn ông Lê Viết Hiếu chuyển nhượng 1.254 triệu cổ phiếu GLS cho cá nhân tên là Trần Phương (9,29%).
Thương vụ nhận chuyển nhượng từ Hoà Bình mang bóng dáng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Cùng với việc thay cổ đông lớn, Chứng khoán Sen Vàng cũng chứng kiến sự thay đổi về ban lãnh đạo cấp cao. Trong đó, ông Vũ Đình Hưng được bầu làm Chủ tịch HĐQT, ông Chu Tuấn An được bầu làm Tổng Giám đốc và ông Nguyễn Mạnh Hùng được bầu làm Trưởng ban Kiểm soát.
Ở thời điểm chuyển nhượng vốn, ông Chu Tuấn An là Phó Giám đốc Trung tâm Tài chính kế toán của Tân Hoàng Minh; ông Nguyễn Mạnh Hùng từng làm việc tại CTCP Đầu tư & Dịch vụ Khách sạn Soleil - một thành viên của Tân Hoàng Minh.