Vụ án chạy thận ở Hòa Bình:

Bộ Y tế tìm được nhiều vật chứng quan trọng và xác định nguyên nhân tử vong khác với tòa đã tuyên

VietTimes -- Trước những câu hỏi xung quanh vật chứng quan trọng nhất của vụ án chạy thận ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình năm 2017 đã đi đâu, TS. Lê Thanh Hải – Viện trưởng Viện Trang Thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) và các nhà khoa học đã thu gom toàn bộ mảnh vỡ và phục dựng lại nguyên trạng hệ thống lọc nước RO của Bệnh viện. 

Đây cũng chính là cơ sở để hôm nay, 5/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến ký công văn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm vụ án này.

TS. Lê Thanh Hải tại căn phòng thực nghiệm khoa học về hệ thống lọc nước RO của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
TS. Lê Thanh Hải tại căn phòng thực nghiệm khoa học về hệ thống lọc nước RO của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Trước đó, TS. Lê Thanh Hải từng đặt ra nghi vấn về nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân thiệt mạng có liên quan gì tới 3 chiếc van hỏng hay không? Ông Hải cũng từng lưu ý việc Viện Khoa học hình sự giám định và tìm ra 3 chiếc van bị hỏng, nhưng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã không điều tra và thực nghiệm về ảnh hưởng của 3 van hỏng này với toàn bộ hệ thống.

Trước mặt báo giới, sáng nay, 5/8, TS. Lê Thanh Hải cùng các nhà khoa học về thiết bị y tế tiếp tục chứng minh những nghi vấn đặt ra bằng việc thực nghiệm khoa học. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học chỉ rõ 3 chiếc van bị hỏng đã mở thông con đường làm cho các chất ô nhiễm trong các cột lọc của RO 1 bị bong trôi, đi theo dòng nước không đảm bảo chất lượng chạy thận, xâm nhập tự nhiên vào tank (bồn) RO 2, làm ô nhiễm nước dùng chạy thận cho bệnh nhân.

“Việc hỏng 3 van rất hi hữu, vì nếu không hỏng cả 3 van thì sự cố không xảy ra” – TS. Lê Thanh Hải nhấn mạnh.

TS. Lê Thanh Hải mở van xả đáy của bồn nước RO 2
TS. Lê Thanh Hải mở van xả đáy của bồn nước RO 2

Trong 3 chiếc van được mã hóa là K1, K2, K3, các nhà khoa học của Viện Trang thiết bị và Công trình y tế lý giải, van K2 và K3 hỏng do bị các hóa chất tẩy rửa nhiều lần trong thời gian dài đã làm hư hỏng, van K1 bị hỏng do đã sử dụng quá lâu.

Đáng chú ý, chiếc đồng hồ đo độ dẫn - một tang vật rất quan trọng trong vụ án từng được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình khẳng định là đã hỏng, nay vẫn hoạt động tốt và cho kết quả đúng sau 2 năm bị dỡ bỏ rồi được phục dựng lại.

Từ việc phục dựng và thực nghiệm khoa học lại hoạt động của hệ thống RO theo các hành động của Bùi Mạnh Quốc trong kết luận điều tra, TS. Lê Thanh Hải khẳng định nguyên nhân thực sự gây tử vong cho 8 bệnh nhân trong sự cố chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình do nhiễm đa chất, không phải do axit HF như kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an.

PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đại biểu Quốc hội trả lời phỏng vấn báo chí sáng nay, 5/8.
PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đại biểu Quốc hội trả lời phỏng vấn báo chí sáng nay, 5/8.

“Nguyên nhân nhiễm đa chất giải thích hợp lý việc các bệnh nhân có phản ứng sốc phản vệ sau khi chạy thận. Còn nếu theo cáo trạng, các nạn nhân chết vì axit HF thì phải có triệu chứng điển hình của ngộ độc florua cấp tính là rung thất, bệnh nhân mất tuần hoàn và tử vong rất nhanh” – TS. Lê Thanh Hải cho biết.

 “Quá trình tìm lại các vật chứng rất gian nan. Khi có ý tưởng phục dựng, tôi gọi điện cho một người chuyên thực thi hệ thống nước, đã có thâm niên hợp tác với Viện Trang thiết bị và Công trình y tế. Chính người đó cho biết hệ thống RO 2 đã bị bán đồng nát, đang ở trong một nhà dân ở Lương Sơn, Hòa Bình. Ngày 3/7, hệ thống nước đã về tới Viện và mất thêm 2 tuần để lắp ráp, phục dựng vì hệ thống đã bị dỡ tan tành” – TS. Lê Thanh Hải chia sẻ.

Việc tìm ra nguyên nhân thực sự gây tử vong trong vụ án sẽ giúp cho ngành y tế quản lý rủi ro về an toàn người bệnh và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Ông Hải cũng cho biết, hôm nay, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến ký công văn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm vụ án chạy thận Hòa Bình để gửi tới các cơ quan chức năng.

Một phần của hệ thống lọc nước RO tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Một phần của hệ thống lọc nước RO tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Có mặt trong thời gian Viện Trang thiết bị và Công trình y tế thực nghiệm khoa học, PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu – đại biểu Quốc hội cho biết, đây là tình tiết rất quan trọng của vụ án. “Tôi đánh giá cao các chuyên gia đã có phương án khoa học chứng minh sự cố chạy thận ở Hòa Bình. Ngoài yếu tố con người đã được tòa án phân tích mổ xẻ, thì có các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong các bệnh nhân. Đây là hướng đi mới và rất cần thiết để các nhà tư pháp và các nhà khoa học dựng lại hiện trường một cách chính thức” – PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu nói.

PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu cũng bày tỏ, ông và các cử tri đều mong muốn vụ án sẽ được giám đốc thẩm, cơ quan chức năng sẽ quan tâm đến lĩnh vực chuyên môn sâu hơn.

“Nếu kết thúc vụ án mà không khẳng định được nguyên nhân tử vong của bệnh nhân thì sẽ thành án lệ không tốt” – PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.