Bệnh viêm gan cấp “bí ẩn” không rõ nguyên nhân xảy ra ở trẻ từ 1 tháng tuổi - 16 tuổi, hầu hết hồi phục hoàn toàn, một số trường hợp chuyển nặng, có khoảng gần 10% bệnh nhi đã phải ghép gan.
Theo Bộ Y tế, thông tin cập nhật từ Tổ chức Y tế thế giới cho biết, đến đầu tháng 5/2022, đã có hơn 300 trẻ bị mắc căn bệnh viêm gan cấp tính “bí ẩn” tại 23 quốc gia thuộc khu vực châu Âu, châu Mỹ, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, trong đó đã có 09 trường hợp tử vong. Điều quan trọng là hiện chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Cũng theo Tổ chức Y tế Thế giới, ca bệnh có thể (ca bệnh giám sát) là những trẻ dưới 16 tuổi có biểu hiện viêm gan cấp tính (không do vi rút viêm gan A, B, C, D, E) với men gan tăng trên 500 IU/l (SGOT hoặc SGPT) và thời gian xuất hiện triệu chứng bắt đầu từ 01/10/2021 đến nay.
Hiện tại nguyên nhân chính xác gây ra viêm gan cấp tính ở trẻ em nêu trên vẫn chưa được xác định, các cuộc điều tra và nghiên cứu về bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân đang được tiến hành.
Để chủ động giám sát các ca bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân tại Việt Nam và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống, hạn chế tối đa số mắc và tử vong; Bộ Y tế đã có các công văn đề nghị các Sở Y tế tập trung chỉ đạo các nội dung, cụ thể:
Các cơ sở y tế trên địa bàn phụ trách khi phát hiện các trường hợp viêm gan cấp tính, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 16 tuổi phải khám, xác định để phát hiện các trường hợp không rõ nguyên nhân (theo định nghĩa ca bệnh của Tổ chức Y tế Thế giới);
Đối với các tỉnh có cửa khẩu biên giới, tăng cường công tác giám sát tại các cửa khẩu nhằm phát hiện sớm những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ để có hướng dẫn, quản lý phù hợp. Trong trường hợp phát hiện các ca nghi ngờ, đề nghị Sở Y tế báo cáo ngay cho các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur trên địa bàn phụ trách để thống nhất việc lấy mẫu xét nghiệm, xác định tác nhân khi cần thiết.
Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương theo dõi, giám sát, xử lý các trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân; tổng hợp, đánh giá tình hình, đề xuất các biện pháp phòng chống và báo cáo về Cục Y tế dự phòng để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ theo quy định.
Trước đó, Bộ Y tế, Cục Y tế Dự phòng cũng đã có các văn bản chỉ đạo ngành y tế các địa phương, các Viện Pasteur, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus viêm gan cấp tính 'bí ẩn', điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ca bệnh có thể (ca bệnh giám sát) là những trẻ dưới 16 tuổi có biểu hiện viêm gan cấp tính |
Quan chức y tế Anh quốc đang tìm hiểu về khả năng có mối liên hệ giữa chó cảnh nuôi trong nhà với bùng phát hàng loạt ca viêm gan cấp “bí ẩn” ở trẻ em trên thế giới. Cơ quan An ninh Y tế Anh đã phát hiện ra rằng trong số hàng loạt trẻ dưới 10 tuổi bị mắc căn bệnh này, nhiều gia đình có nuôi chó hoặc các em này bị phơi nhiễm với virus Canine Adenovirus-1 (CAV-1), vốn là loại virus gây ra viêm gan cấp tính ở loài chó.
Cơ quan An ninh Y tế Anh đang tiếp tục điều tra 163 trường hợp viêm gan cấp tính trẻ em phát hiện ở Anh quốc kể từ tháng 1/2022, trong đó có 11 trẻ cần phải thực hiện ghép gan.
Chó thường được biết tới có thể bị nhiễm 2 chủng adenovirus, trong đó có 1 chủng gây ra bệnh viêm gan truyền nhiễm. Chủng khác nằm trong số mầm bệnh gây ra bệnh ho cũi chó (kennel cough). Bệnh viêm gan truyền nhiễm là bệnh chỉ xảy ra ở loài chó với những biểu hiện gây sốt 2 pha, giảm mạnh lượng bạch cầu, viêm kết mạc và đục giác mạc, gan sưng to. Tử số cao trên chó non. Virus thuộc họ Adenoviridae, ADN virus 1 sợi, không vỏ bọc, kích thước 70-90nm.
Theo bà Siti Nadia Tamizi, người phát ngôn Bộ Y Tế Indonesia, tổng cộng đã có 7 trẻ em Indonesia ở độ tuổi từ 1-10 tuổi tử vong trên toàn quốc. Hai trong số 7 trường hợp này đã có kết quả xét nghiệm mắc viêm gan A và B trong khi các trường hợp khác có các triệu chứng của căn bệnh viêm gan như tiêu chảy, nôn mửa, vàng da.
Các nhà dịch tễ học Indonesia kêu gọi chính phủ các những phản ứng nhanh chóng trước căn bệnh này. Bà Masdalina Pane, Trưởng bộ phận nghiên cứu, Hiệp hội các nhà dịch tễ học Indonesia cho biết, căn bệnh này có nguy cơ bùng phát thành dịch giống như Covid-19, do đó chính phủ và tất cả các bên liên quan phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa trong khi xác định nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan cấp tính. Bởi tỷ lệ tử vong tại Indonesia đang là 30%, cao hơn so với các quốc gia khác. Hiệp hội các nhà dịch tễ học Indonesia nghi ngờ tỷ lệ tử vong cao là do căn bệnh được phát hiện muộn. Các nhà dịch tễ học kêu gọi chính phủ phải cải tiến ngay lập tức hệ thống ứng phó cảnh báo sớm.