Phúc thẩm vụ án chạy thận Hòa Bình:

Bộ Y tế đưa ra 6 luận điểm cho rằng kết luận của cơ quan điều tra chưa đảm bảo khoa học

VietTimes -- Ngày 13/6, đại diện Bộ Y tế và Viện Khoa học hình sự (Bộ Công An) có mặt tại phiên phúc thẩm xét kháng cáo của Hoàng Công Lương và 4 bị cáo khác theo lời mời của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hòa Bình.

Đại diện Bộ Y tế tham dự phiên phúc thẩm gồm có các ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế; ông Nguyễn Minh Tuấn - Cục trưởng Cục Trang thiết bị và Công trình y tế, cùng một số lãnh đạo Cục, Vụ chuyên môn; các chuyên gia đến từ Bệnh viện Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội.

Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế đại diện cho Bộ Y tế trình bày tại tòa.
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế đại diện cho Bộ Y tế trình bày tại tòa.

Về phía Viện Khoa học hình sự, có 4 cán bộ có mặt tại phiên tòa. Sau khi kế thúc phần trình bày quan điểm về việc kháng cáo yêu cầu tăng mức bồi thường, chủ yếu xoay quanh số tiền mai táng phí của các bị hại, Bộ Y tế và Viện Khoa học hình sự được mời lên để trao đổi.

Theo Chủ tọa Nguyễn Văn Vận, việc mời Bộ Y tế và Viện Khoa học hình sự đến phiên tòa là để Bộ Y tế trình bày quan điểm được nêu tại Công văn số 41 được đóng dấu Mật và Công văn số 2569 do Bộ Y tế gửi TAND tỉnh Hòa Bình và các cơ quan Trung ương trước khi phiên tòa diễn ra và Viện Khoa học hình sự lý giải, trao đổi, từ đó giúp HĐXX xem xét, đánh giá toàn diện vụ án.

HĐXX yêu cầu các bên không hỏi và không tranh luận về nội dung Bộ Y tế và Viện Khoa học hình sự trao đổi.


Nghi vấn của Bộ Y tế

Theo Vụ trưởng Nguyễn Huy Quang, vụ án chạy thận Hòa Bình là một sự cố y khoa rất nghiêm trọng, quá trình điều tra truy tố và xét xử được dư luận hết sức quan tâm.

Trước đó, Bộ Y tế đã ra 7 công văn trả lời cơ quan chức năng trong quá trình phối hợp điều tra. Quan điểm của Bộ là phải xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không gây oan sai; phiên xét xử phúc thẩm sẽ tạo ra được sự an tâm, an toàn cho ngành y khoa, tạo sự yên tâm cho cán bộ công chức trong ngành y tế.

Để có được Công văn số 41, Bộ Y tế tổng hợp ý kiến của các nhà khoa học, trên cơ sở đó ngày 6/3/2019 gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình.

Ngày 26/3/2019, Bộ Y tế nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ký yêu cầu Bộ Y tế phối hợp.

Vụ trưởng Nguyễn Huy Quang cho biết, Bộ Y tế có 6 luận điểm căn cứ cho rằng kết luận của cơ quan điều tra chưa đảm bảo khoa học.

Thứ nhất, có phải nguyên nhân 8 nạn nhân tử vong đều do ngộ độc Florua? Trên thế giới, hiện tượng ngộ độc Florua là vô cùng hiếm gặp, trong khi có thể thấy các nạn nhân trong vụ chạy thận ở Hòa Bình đều sốc phản vệ, có diễn biến lâm sàng phù hợp với sốc phản vệ. Kết luận điều tra cũng không phù hợp với diễn biến lâm sàng này.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cho rằng nếu nồng độ florua cao thì không chỉ 8 nạn nhân tử vong mà chắc chắn cả 18 bệnh nhân sẽ tử vong.

Vấn đề thứ hai, Bộ Y tế luận giải, nguồn nước ô nhiễm bẩn từ vòng tuần hoàn xâm nhập vào hệ thống và gây chết người. Vì vậy, nguyên nhân tử vong có thể là do bệnh nhân nhiễm và ngộ độc đa chất.

Vụ trưởng Nguyễn Huy Quang trả lời phỏng vấn sau phiên tòa
Vụ trưởng Nguyễn Huy Quang trả lời phỏng vấn sau phiên tòa

Vấn đề thứ ba, vì sao trước đó bị cáo Bùi Mạnh Quốc bảo trì hệ thống RO 2 nhưng không gây ra hậu quả gì? Vì sao những lần trước khi bảo trì hệ thống RO 2 bị cáo Quốc không làm xét nghiệm AMI mà bệnh nhân không chết? Vì sao Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình không bảo dưỡng cả hai hệ thống trong khi RO 1 và RO 2 thông nhau?

Vấn đề thứ tư được đại diện Bộ Y tế đặt ra là vì sao kết luận điều tra chỉ có chất HF gây tử vong cho bệnh nhân? Vì sao Bùi Mạnh Quốc sử dụng axit flohydric (HF) và axit Clohydric (HCL) mà chỉ có HF trong nước RO.

Vì sao Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình cho phép bệnh viện phá bỏ hệ thống RO 2 khi chưa xử án xong, trong khi đây là vật chứng rất quan trọng của vụ án?

Vấn đề thứ năm, dung tích chứa nước RO 2 là 2.000 lít, thực nghiệm trong môi trường pha loãng, bao nhiêu HF để có thể gây chết người?

Ông Nguyễn Huy Quang đặt ra vấn đề thứ sáu là việc xác định rõ quy cách lấy mẫu, quy trình lấy mẫu của cơ quan điều tra. CQĐT có giám định toàn bộ hệ thống RO 1 và RO 2 không?

Vụ trưởng Nguyễn Huy Quang cho rằng cần xem xét toàn diện việc điều tra các hư hại, để tìm ra nguyên nhân thực sự khiến 8 bệnh nhân tử vong. Trong trường hợp cần thiết, có thể trưng cầu giám định pháp ý, thậm chí tổ chức giám định pháp y quốc tế.

Viện khoa học hình sự nói gì?

Đáp lại những nghi vấn của đại diện Bộ Y tế, đại diện Viện Khoa học hình sự khẳng định cơ quan này đã làm đúng và chịu trách nhiệm pháp lý về kết luận của mình.

Về triệu chứng ngộ độc florua, đại diện của Viện cho rằng Bộ Y tế đã trích dẫn không đầy đủ tài liệu, mà chỉ trích dẫn từ tài liệu mà Bộ Y tế đã sử dụng là TCVN 98 năm 2013, tài liệu tham khảo số 5, 12/15 nạn nhân được điều trị lọc thận 5 lần liên tiếp nhưng chỉ có 3/12 nạn nhân tử vong.

Hoàng Công Lương trả lời câu hỏi của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình
Hoàng Công Lương trả lời câu hỏi của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình

Vị này cho biết, trong quá trình điều trị cấp cứu các nạn nhân, nếu bệnh viện không thực hiện xét nghiệm, điện tâm đồ và siêu âm tim, thì không thể có kết quả để thể hiện các biểu hiện mà Bộ Y tế đã nêu.

Về việc giám định nguồn nước RO, các hóa chất được Bùi Mạnh Quốc sử dụng để sửa chữa hệ thống RO số 2, các hóa chất được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân, đại diện Viện khẳng định nguyên nhân 8 nạn nhân tử vong là do ngộ độc florua, phù hợp với lời khai của Bùi Mạnh Quốc khi nhận rằng, có sử dụng hóa chất HF và HCL đựng trong can để sục rửa hệ thống RO số 2 làm nhiễm chất độc florua vào hệ thống RO số 2, làm cho 18 quả lọc thận bị nhiễm florua và dẫn vào máu bệnh nhân,

Về nguyên nhân tử vong, Viện Khoa học hình sự đã tổ chức hội thảo khoa học, đã mời các nhà khoa học, chuyên gia của Bộ Y tế, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội, Viện Pháp y Quân đội, Viện Pháp y quốc gia, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam để tham vấn về kết quả giám định và nguyên nhân chết của các bệnh nhân.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng khẳng định nguyên nhân tử vong của 8 bệnh nhân là do nhiễm độc florua và đánh giá của Viện Khoa học hình sự là hoàn toàn chính xác.

Hoàng Công Lương tại phiên phúc thẩm 12/6
Hoàng Công Lương tại phiên phúc thẩm 12/6

Vị này cũng cho biết, nhận định của Bộ Y tế là không có cơ sở, nồng độ florua tương đối đồng đều giữa các máy lọc thận được thể hiện ở nước cấp vào đầu 3 máy chạy thận lần lượt là 57,5 miligam/lít, 49 miligam/lit và 52 miligam/lit. Chỉ tiêu florua được tìm thấy trong nước RO do nước bị nhiễm Axit HF khi nước bị nhiễm Axit HCL sẽ làm nước bị nhiễm florua, không phải là chỉ tiêu chất lượng nước cần phải xét nghiệm theo tiêu chuẩn AMI nên việc xác định là không cần thiết chứ không phải là không tìm thấy Axit khác như Bộ Y tế nói. 

Vị này cũng cho rằng Bộ Y tế đề nghị thực nghiệm rửa quả lọc thận là không đúng đối tượng và không cần thiết; việc thực nghiệm trên máy chạy thận nhân tạo cũng là không cần thiết và không đúng với bản chất sự việc.

Về những gì Bộ Y tế đã nêu, đại diện Viện Khoa học hình sự cho rằng đây hoàn toàn không phải là những chứng cứ mới được phát hiện. Viện Khoa học hình sự chịu trách nhiệm pháp lý về các kết luận giám định của viện.

Cuối cùng, Viện Khoa học hình sự khẳng định lại việc Bùi Mạnh Quốc sử dụng axit HF và HCL trong can hóa chất đã dẫn đến hệ thống RO số 2 nhiễm florua là nguyên nhân dẫn đến cái chết của 8 nạn nhân.