Bộ Y tế đề nghị các tỉnh thành tăng cường phòng, chống tác hại của rượu, bia trong dịp Tết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ngay trước thềm năm mới, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi UBND các tỉnh/thành về việc tăng cường công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Rượu bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông (TNGT) ở Việt Nam
Rượu bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông (TNGT) ở Việt Nam

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an, trong 5 ngày Tết Nguyên đán năm Quý Mão 2023, lực lượng CSGT các địa phương đã xử lý 5.171 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Mỗi ngày, trung bình lực lượng CSGT đã xử lý hơn 1.000 tài xế uống rượu, bia trong dịp Tết Nguyên đán.

Chính vì thế, nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và các dịp lễ hội năm 2024, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông đồng thời tổ chức các chương trình, chiến dịch truyền thông hiệu quả, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các ngày lễ, ngày hội trong năm 2024 nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng để phòng, chống tác hại của rượu, bia;

Tập trung tuyên truyền về phòng, chống tác hại của rượu bia đối với sức khỏe con người, gia đình và cộng đồng, để bảo đảm an toàn giao thông, trật tự và an toàn xã hội; tuyên truyền quy định về những hành vi bị nghiêm cấm; tác hại của rượu, bia đối với người chưa đủ 18 tuổi; không uống rượu, bia trước và trong khi lái xe; thời gian, địa điểm không được uống, không được bán rượu, bia và thực hiện các quy định khác trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia;

Quán triệt, phổ biến và tổ chức triển khai kịp thời, đầy đủ Luật và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại địa phương. Xây dựng kế hoạch và bố trí ngân sách địa phương hằng năm để triển khai thực hiện công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia;

Chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị và địa phương tăng cường công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia thuộc lĩnh vực phụ trách. Triển khai hiệu quả các biện pháp sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp giảm tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe; phòng, chống tác hại của rượu, bia cho người lao động, cho học sinh, sinh viên, đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; phòng, chống tác hại của rượu, bia trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, khuyến mại rượu, bia và các lĩnh vực liên quan khác;

Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đặc biệt vào các dịp cao điểm để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; đồng thời báo cáo kết quả thực hiện phòng, chống tác hại rượu, bia thuộc địa bàn quản lý hằng năm gửi Bộ Y tế để tổng hợp, báo cáo Chính phủ theo quy định.

Theo Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, rượu bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông (TNGT) ở Việt Nam. Ước tính có khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người chết do TNGT có liên quan đến rượu, bia. Trung bình mỗi ngày, cả nước có khoảng 700 người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe với các mức độ khác nhau.