|
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị. Nguồn: xaydung.gov.vn |
Ông Hà đã nêu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực đầu tư xây dựng sáng 20/4.
Cụ thể, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã đưa đề nghị “cả gói” đối với nội dung này như sau: “Rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản liên quan đến nội dung mua bán, chuyển nhượng các loại hình bất động sản mới như căn hộ - du lịch (condotel), căn hộ - văn phòng (officetel), shop-house, biệt thự du lịch; rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng cho phép loại đất thương mại, dịch vụ, du lịch được sử dụng ổn định lâu dài, nộp tiền sử dụng đất tương tự như đất ở; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung, thành phần hồ sơ trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thực hiện dự án đầu tư phát triển khu đô thị, dự án kinh doanh bất động sản, dự án nhà ở trong Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng” – Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng dẫn lời ông Hà cho biết.
Về thời gian sửa luật, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đề nghị Thủ tướng giao các Bộ, ngành đề xuất, sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị định liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước được giao theo đề xuất của Bộ Xây dựng, giao Bộ Tư pháp tổng hợp, đề xuất chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ từng năm cho đến năm 2020, để các Bộ chủ động thực hiện theo phân công
Đáng chú ý, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đề nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng.
Loại hình sản phẩm bất động sản như condotel, officetel, shop-house, biệt thự du lịch… xuất hiện tại Việt Nam từ nhiều năm nay. Nhưng trong thời gian 3 năm qua, loại hình bất động này đặc biệt phát triển, trở thành sản phẩm có tốc độ tăng trưởng bán hàng nhanh nhất trong các phân khúc sản phẩm bất động sản.
Đây là loại hình sản phẩm bất động sản xây dựng tại các dự án du lịch, văn phòng (không phải dự án nhà ở, chung cư hay biệt thự). Do đó, có thời gian sửa dụng có thời hạn (thường là 50 năm nhưng không quá 70 năm) và đặc biệt không được cấp các giấy tờ chứng minh sở hữu lâu dài như sổ đỏ, sổ hồng.
Sau khi mua sản phẩm bất động sản này, người mua thường thỏa thuận với chủ dự án cùng khai thác căn hộ, biệt thự… vào mục đích thương mại và ăn chia lợi nhuận từ hoạt động này.
Theo Hiệp hội bất động sản Chỉ riêng năm 2017, có gần 24.000 căn condotel, officetel, shop-house, biệt thự du lịch… được bán, với trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Vấn đề quản lý, hay không quản lý loại hình bất động sản này đã được đặt ra nhiều năm, với nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, đa số ý kiến đề nghị cần sửa quy định để công nhận, cấp các giấy tờ chứng minh sở hữu tài sản như sổ đỏ, sổ hồng cho người mua loại hình bất động sản này.
Nhưng cũng có ý kiến từ doanh nghiệp cho rằng chỉ cần áp dụng quy định tại Bộ luật Dân sự là đủ.
Đáng lưu ý, chưa có ý kiến chính thức nào đề nghị cho phép công nhận sở hữu tài sản đối với người mua sản phẩm bất động sản như condotel, officetel, shop-house, biệt thự du lịch… từ các bộ quản lý chuyên ngành.
Tuy nhiên, dù có quy định công nhận sở hữu tài sản này, giữa người mua sản phẩm bất động sản như condotel, officetel, shop-house, biệt thự du lịch… với chủ đầu tư dự án và cơ quan quản lý vẫn còn khúc mắc khá lớn khó xử lý.
Theo quy định hiện hành, việc chuyển mục đích sử dụng từ các loại đất nông nghiệp, thương mại, du lịch sang đất ở cần phải nộp nhiều loại chi phí và thuế chuyển mục đích sử dụng đất… Trong khi đây lại là các loại chi phí và thuế mà các dự án có sản phẩm bất động sản này chưa phải nộp và do thế cũng chưa thể hiện rõ ràng tại hợp đồng bán sản phẩm giữa chủ đầu tư với người mua.