Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng được giao cho vay vốn ưu đã hỗ trợ nhà ở thực hiện việc thanh tra, kiểm tra dấu hiệu trục lợi của các tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai cho vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở để xử lý theo quy định của pháp luật.
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại địa phương để chỉ đạo các tổ chức tín dụng được giao cho vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở trên phạm vi địa bàn, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cho vay, giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở theo quy định.
Đồng thời,chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc và chính quyền địa phương các cấp cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong việc xác nhận cho các đối tượng đáp ứng đủ điều kiện để được vay vốn ưu đãi hỗ trợ nhà ở từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.
Chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và môi trường và các Sở, ban, ngành liên quan đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý, trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất theo quy định của pháp luật cho người mua nhà ở.
Đồng thời tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm theo thẩm quyền những hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng, trái quy định của pháp luật về nhà ở.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong quá trình thực hiện thủ tục xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội.
Đối với dự án nhà ở thương mại đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển sang nhà ở xã hội, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện ngay việc triển khai đầu tư xây dựng để phát huy hiệu quả, khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực về đất đai, tài chính, kiên quyết thu hồi các dự án đã cho phép chuyển sang nhà ở xã hội nhưng chậm triển khai.
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, tính đến đầu tháng 7/2015,các ngân hàng đã giải ngân được hơn 16.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 22.000 căn hộ, trong đó, số tiền vay mua nhà ở thương mại chiếm hơn 50% tổng số tiền giải ngân.
Các chuyên gia nhận định, sau hơn 2 năm triển khai gói tín dụng, tỷ lệ giải ngân như vậy là thấp và nguyên nhân chính vẫn là do vướng mắc trong thủ tục chứng minh thu nhập của người vay vốn.
Theo Dân trí