Theo báo cáo của Bộ TT&TT tại công văn số 337/BTTTT, ngày 8/2/2017 về Tổng kết 10 năm thi hành Luật Sở hữ trí tuệ: Về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ đã trình cấp có thẩm quyền ban hành, ban hành theo thẩm quyền và phối hợp ban hành 12 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có những văn bản quan trọng như Nghị định số 195/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản; Nghi định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản, Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả và liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông…
Về phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan thuộc Bộ TT&TT đã chủ động thường xuyên phối hợp các cơ quan chức năng trong công tác thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ để triển khai các giải pháp đồng bộ trong thực thi pháp luật về quyền tác giả đối với xuất bản phẩm, đặc biệt là trong công tác kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm.
Về kết quả thực hiện thực thi quy định pháp luật sở hữu trí tuệ, trong lĩnh vực xuất bản, Luật có tác dụng giúp các đơn vị xuất bản trong nước phát huy ý tưởng, tăng sức cạnh tranh với các nhà xuất bản nước ngoài; tạo cơ hội xuất khẩu và hội nhập với ngành xuất bản của các nước trên thế giới. Đây là những văn bản quy phạm pháp luật, hành lang pháp lý đảm bảo cho hoạt động xuất bản phát triển theo đúng định hướng của nhà nước.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tồn tại tình trạng nhiều hồ sơ xuất bản chưa có văn bản thỏa thuận với chủ sở hữu quyền tác giả trước khi quyết định xuất bản. Trước áp lực cạnh tranh của thị trường, các nhà xuất bản thường thực hiện xuất bản trước, sau đó mới liên hệ thỏa thuận với chủ sở hữu quyền tác giả để thực hiện nghĩa vụ theo quy định.
Trong lĩnh vực phát thanh truyền hình, nhiều đài phát thanh, truyền hình đã đầu tư khá lớn về trang bị công nghệ mới hiện đại phục vụ việc sản xuất chương trình truyền hình. Tuy nhiên một số đài chưa thực sự nghiêm túc quan tâm đến việc tuân thủ quy định của pháp luật về quyền tác giả.
Được biết, trong 10 năm có 15 đối tượng xâm phạm quyền sở hữu bị xử lý trí tuệ, trong đó có 10 đơn vị bị phạt tiền với 227, 5 triệu đồng, 02 hồ sơ chuyển xử lý hình sự, 5 đơn vị bị nhắc nhở.