Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về ASEAN đã chính thức khép lại vào chiều hôm qua, 13/9. Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho biết đã có 9 lãnh đạo cấp cao nhất của các nước ASEAN tham dự hội nghị, cùng với đó là hơn 1.000 doanh nghiệp thành viên các nước của WEF.
Thông điệp xuyên suốt được truyền đi là các nước cần bắt kịp với cách mạng công nghiệp 4.0, để không bị tut lại phía sau. Nhưng cũng chính tại Diễn đàn này, Chủ tịch điều hành WEF nhận xét, ASEAN đang tư duy ngược với phần còn lại của thế giới. Ở đó, sự lạc quan đang lan tỏa với nhiều khát vọng.
Không phải thích ứng mà hãy làm khác đi
WEF ASEAN 2018 được khởi đầu bằng Diễn đàn mở: ASEAN 4.0 cho mọi người. Điều đặc biệt của phiên thảo luận này 1/3 hội trường được lấp đầy bằng màu áo trắng của học sinh, sinh viên.
Minh, sinh viên năm nhất của ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội, nói bản thân khá lo lắng cho tương lai. "Em đọc trên báo thấy mọi người bàn luận khá nhiều về thất nghiệp", Minh cho biết. Chàng trai 19 tuổi hy vọng các diễn giả sẽ có lời giải đáp cho mình.
Câu trả lời của Minh và nhiều bạn trẻ khác, có thể được tìm thấy trong câu chuyện về Bộ trưởng 25 tuổi của Malaysia, ông Syed Saddiq.
Syed Saddiq mang đến Hà Nội một hình ảnh của người trẻ không cần đến sự thích ứng, một cách làm việc bình thường, tuân thủ quy tắc.
Bộ trưởng Syed Saddiq
Thông điệp mà ông truyền tải là hãy sống đam mê, suy nghĩ khác biệt và chấp nhận rủi ro. Và chỉ như vậy, họ mới có chỗ đứng thay gì đuổi theo một sự thích ứng. Đó cũng là cách ông trở thành Bộ trưởng trẻ nhất trong một quốc gia có Thủ tướng già nhất.
Về sau, rất nhiều cánh tay đã giơ lên, đáp lại câu hỏi, bao nhiêu bạn trong khán phòng này muốn trở thành nhà chính trị trẻ như Syed Saddiq.
Tư duy về cơ hội hơn là rủi ro
"Trước đây khi nghĩ đến ASEAN, người ta nghĩ đến các nguồn tài nguyên phong phú, giàu tiềm năng hay là công xưởng của thế giới", Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhận định. Tuy nhiên nhờ vào sự tiến bộ của khoa học công nghệ, ASEAN giờ đây cũng có thể xem là một trong những nơi khởi nguồn cho những ý tưởng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Tiềm năng về công nghệ cao của khu vực được dự báo sẽ tăng gấp 4 lần, đạt quy mô 200 tỷ USD là cơ hội rất lớn. Theo đó, các quốc gia trong khu vực có khả năng thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, phát triển bền vững, phát huy DNNVV – vốn được xem là xương sống của nền kinh tế và kết nối những doanh nghiệp này với thị trường toàn cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab
Tương lai trong cách mạng 4.0 không phụ thuộc nhiều vào quá khứ, ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Điều này có nghĩ là những quốc gia như Việt Nam, dù lỡ bước trong 3 cuộc cách mạng trước, vẫn có khả năng nhảy vọt trong làn sóng công nghệ. Các mạng công nghiệp 4.0 được ông Hùng mô tả là bước ngoặt, một điểm gãy với quá khứ, giúp cho các quốc gia đang phát triển không phải chịu gánh nặng mà linh hoạt trong những bước đi.
Bên cạnh đó, trái ngược với những dự đoán tiêu cực cho rằng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ khiến khiến nhiều người ra đường, nhiều điều lạc quan hơn được nhắc tới.
Cụ thể, theo kết quả khảo sát do WEF phối hợp với Sea, tập doàn Internet có trụ sở tại Singapore, thu thập dữ liệu từ 64.000 công dân ASEAN về ảnh hưởng của công nghệ đối với việc làm cho thấy 52% người dưới 35 tuổi tin rằng công nghệ sẽ tạo thêm việc làm, trong khi 67% cho rằng công nghệ sẽ giúp họ có thu nhập cao hơn.
Như vậy, đúng là một số việc làm sẽ mất đi, nhưng khi một cánh cửa đóng lại, nhiều cánh cửa khác lại mở ra, mà công nghệ là chìa khóa.
Ông Klaus Schwab
GS.Klaus Schwab, nhà sáng lập của WEF, giải thích nhiều mô hình kinh tế mới sẽ xuất hiện, thay đổi những cái cũ và truyền thống. ASEAN có một lực lượng DNNVV tương đối lớn, chiếm 50% GDP và tạo ra 80% việc làm, do vậy, nếu được khai thác triệt để, hỗ trợ làm chủ công nghệ, ASEAN sẽ có bước tiến lớn.
Đừng tiết kiệm ước mơ, đặc biệt là những điều lớn lao
Nếu như khởi đầu của WEF ASEAN là gợi mở cho những người trẻ thì sự kiện bên lề cuối cùng, là cho doanh nghiệp. Khoảng 1.200 doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2018.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gọi Vietnam Business Summit là cơ hội tuyệt vời để các nhà đầu tư quốc tế cùng doanh nghiệp Việt Nam trao đổi, chia sể kinh nghiệm trong niềm hứng khởi lan tỏa của cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Phúc đặc biệt nhấn mạnh đến tự do hóa toàn cầu, của hợp tác và khát vọng thịnh vượng của Việt Nam.
Nữ tỷ phú đầu tiên đầu tiên của Việt Nam, CEO Viejet Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đã dành một phần thời gian để chia sẻ câu chuyện về giấc mơ.
CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo
"Theo suy nghĩ của tôi, không phải công nghệ làm thay đổi thế giới mà là ước mơ của con người", bà nói. Điều này đặc biệt quan trọng với doanh nghiệp, trong bối cảnh 4.0. Theo đó, những doanh nhân không nên tiết kiệm giấc mơ, thay vào đó, hãy mơ ước và hành động để hiện thực nó.
Thách thức như vậy không nằm ở ngoại cảnh, mà nằm ở chính bản thân những doanh nghiệp, những người lãnh đạo.
WEF ASEAN 2018 đã kết thúc với nhiều câu chuyện còn đọng lại. Cũng có thể như ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VCG bày tỏ: "Hãy đừng tin vào những gì chúng tôi chia sẻ vì đó là những thứ chúng tôi tin ngày hôm nay", vì tương lai là bất định. Tuy nhiên, những nhân vật, những phát biểu đó cũng sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho người trẻ, không chỉ Việt Nam.
Theo Trí thức trẻ
link gốc: http://cafef.vn/bo-truong-tre-nhat-malaysia-nu-ty-phu-dau-tien-cua-viet-nam-va-nhung-giac-mo-bo-ngo-cho-nguoi-tre-20180914110227504.chn