Bộ trưởng Thăng: “Lợi nhuận Vietnam Airlines cao thế, phải giảm giá cho bà con được nhờ”

Trước mức lợi nhuận công ty mẹ của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) năm 2015 tăng tới 44% so với kế hoạch, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng hãng hàng không này cần giảm giá vé cho người dân.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết ngành Giao thông Vận tải do Bộ Giao thông vận tải tổ chức chiều ngày 4/1 tại Hà Nội.

Theo ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch VietnamAirlines cho biết hai nhiệm vụ chính của Tổng công ty trong năm 2015 là cổ phần hóa công ty mẹ và thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Báo cáo kết quả lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong tháng 1/2016

Trong đó, đối với hoạt động cổ phần hóa công ty mẹ, Vietnam Airlines đã triển khai đồng bộ và sau 18 tháng đã đưa cổ phiếu của doanh nghiệp lên sàn giao dịch và bán ra công chúng lần đầu. Ngày 1/4/2014, Vietnam Airlines cũng chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Ông Thanh cũng cho biết, đến nay Vietnam Airlines đang trong giai đoạn cuối cùng của việc chọn nhà đầu tư chiến lược. Dự kiến trong tháng 1 tới đây, Vietnam Airlines sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ kết quả lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

Liên quan đến hoạt động thoái vốn đầu tư ngoài ngành, ông Thanh cho rằng đây là vấn đề hết sức khó khăn. Bởi không chỉ liên quan đến sự chủ động nội bộ của doanh nghiệp, mà còn có những vấn đề vướng mắc khó khăn từ các văn bản chỉ đạo của Nhà nước về thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Theo đó, trong ba năm qua Tổng công ty đã hoàn thành 10 mục thoái vốn theo đề án Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, những danh mục kinh doanh đầu tư ngoài ngành không hiệu quả cũng được đưa vào, nâng tổng số danh mục thoái vốn của Vietnam Airlines lên tới 13 danh mục, thu được 819 tỷ đồng, cao hơn 2 lần so với vốn đầu tư ban đầu.

Chủ tịch Vietnam Airlines cho rằng, thông qua hoạt động cổ phần hóa và tái cơ cấu đầu tư ngoài ngành, bài học được doanh nghiêp này rút ra là trong nội bộ phải thống nhất từ nhận thức đến hành động; sự chỉ đạo sát sao và tháo gỡ kịp thời của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải.

“Mục tiêu cổ phần hóa là sử dụng nguồn lực hiệu quả, nên việc tổ chức lại công ty nhằm cho hệ thống gọn, hiệu lực và hiệu quả. Quan điểm xuyên suốt là không để người lao động mất việc mà tái đào tạo, mở rộng quy mô tăng năng suất lao động” – Chủ tịch Vietnam Airlines nói.

Theo đó, từ năm 2012 đến nay sau 3 năm bình quân sản lượng tăng 8 – 10%, doanh thu tăng gần 10%, nhưng lao động không tăng theo mà chủ yếu là cơ cấu lại lao động, nhằm sử dụng lao động hiệu quả nhất.

Trong năm 2015 sản lượng vận chuyển đạt 17,4 triệu khách, tổng doanh thu hợp nhất 70.000 tỷ đồng, tăng 129% so với kế hoạch. Lợi nhuận công ty mẹ tăng 44% so với kế hoạch đầu năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt trên 1400 tỷ đồng, năng suất lao động bình quân tăng cao, đạt 5,3 tỷ đồng/lao động, thu nhập tiền lương tăng 28%.

Giảm 35% lao động, tiền lương tăng bình quân 17%

Trong bối cảnh năm 2016 ngành hàng không còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến động tỷ giá… cũng ảnh hưởng trực tiếp đến ngành hàng không. Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng với điều kiện kinh tế trong nước thuận lợi, với GDP tăng trưởng tốt ở mức 6,7%, sẽ là nền tảng cơ bản để ngành hàng không tăng trưởng tốt.

Theo đó, Vietnam Airlines đặt ra kế hoạch sản lượng vận chuyển là 19,2 triệu hành khách, tăng 10,7%, doanh thu hợp nhất đạt 77.800 tỷ đồng, tăng 12,2% so với 2015. Tái cơ cấu lại số lao động từ 10.900 người, còn lại là 6900 người, giảm 35% so với 2015, đưa năng suất lao động từ mức 5,3 tỷ đồng/lao động lên 8,8 tỷ đồng/lao động/năm, tiền lương bình quân tăng 17% so với 2015.

Lợi nhuận trước thuế 1568 tỷ đồng, tăng 5 lần so với 2015 và lợi nhuận hợp nhất tổng công ty – công ty mẹ trước thuế đạt 2321 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2015, trên cơ sở chủ động đưa chỉ số trượt giá là 4%.

Cũng theo đại diện Vietnam Airlines, hãng hàng không này đã chính thức trở thành hãng truyền thống theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, hoạt động cổ phần hóa năm 2016 sẽ tập trung tái cơ cấu có trọng tâm và trọng điểm, với mục tiêu tái cơ cấu hệ thống thương mại, hệ thống bán và mạng đường bay, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tái cơ cấu đội bay.

Theo Trí thức trẻ