Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Việt Nam đối mặt với nguy cơ xuất hiện đợt dịch thứ 4

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Dự báo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - Ủy viên TW Đảng - được đưa ra tại cuộc họp đảm bảo an toàn phòng, chống COVID-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh, diễn ra sáng nay, 26/3.
GS.TS. Nguyễn Thanh Long – Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế - chủ trì cuộc họp đảm bảo an toàn phòng, chống COVID-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
GS.TS. Nguyễn Thanh Long – Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế - chủ trì cuộc họp đảm bảo an toàn phòng, chống COVID-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện Hải Dương vẫn có những ca nhiễm rải rác và sáng nay, cả nước lại xuất hiện 2 ca nhiễm mới. Điều này cho thấy nguy cơ xuất hiện đợt dịch thứ 4 trong thời gian tới đây là rất cao, nhất là khi dịch ở các nước trong khu vực còn rất phức tạp. Ở Campuchia, Thủ tướng phải đưa ra những biện pháp cứng rắn để ngăn chặn dịch, mà chúng ta lại có đường biên trải dài với Campuchia.

Hội nghị tập huấn trực tuyến với hơn 700 điểm cầu về an toàn tiêm chủng, quản lý tiêm chủng và xử lý phản ứng không mong muốn sau tiêm vaccine COVID-19 do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì.

Người đứng đầu ngành y tế bày tỏ lo ngại trước tình hình đó và việc quản lý đường biên rất khó khăn. Mặc dù lực lượng bộ đội biên phòng đã trải dài ở gần 2.000 điểm chốt biên giới nhưng việc nhập cảnh trái phép vẫn rất phức tạp. Sáng nay, Bộ Y tế công bố 2 ca nhiễm mới đều là người nhập cảnh trái phép.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các địa phương có trường hợp nhập cảnh trái phép phải tổ chức cách ly, truy vết ngay. Tuy nhiên, Bộ trưởng lo ngại có những trường hợp nhập cảnh trái phép không phát hiện được, mà họ lại không có biểu hiện bên ngoài nên dịch sẽ âm ỉ trong cộng đồng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp đảm bảo an toàn phòng, chống COVID-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp đảm bảo an toàn phòng, chống COVID-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh


Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, vaccine COVID-19 đang là vấn đề nóng toàn cầu, đã có 250 loại được nghiên cứu và phát triển, nhưng chỉ có 13 loại được cấp phép với 486 triệu liều được sử dụng trên toàn cầu. Chính phủ Anh và Mỹ đã đầu tư 4-5 tỉ USD cho nghiên cứu và sản xuất vaccine. Hiện sự thiếu hụt nguồn cung vẫn diễn ra. Có nước mua tới 400% vaccine, đặt mua từ đầu dịch.

Vì thế, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường chuẩn bị cơ sở vật chất, xét nghiệm, truy vết, cách ly để khi xảy ra dịch có thể xử lý nhanh, hạn chế mức độ ảnh hưởng của COVID-19 đối với cộng đồng, đặc biệt coi trọng phương châm “truy vết thần tốc, xét nghiệm thần tốc, khoanh vùng diện rộng”. Do đó, việc tập huấn cho các địa phương về an toàn tiêm chủng, quản lý và xử lý sau tiêm là rất quan trọng.

Việt Nam cũng nỗ lực tìm mọi cách để tiếp cận các nguồn vaccine sớm nhất: Bộ Y tế đã nỗ lực đàm phán, trao đổi với các hãng sản xuất vaccine COVID-19 có đăng ký trên thế giới và đề nghị cung ứng cho thị trường Việt Nam như AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson, Sputnik V… ; nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước. Việt Nam hiện đã có 2 đơn vị thử nghiệm vaccine COVID-19, trong đó, một đơn vị đã thử nghiệm giai đoạn 2, một đơn vị giai đoạn 1. Trước hết có thể nói là vaccine thử nghiệm an toàn, còn hiệu quả phải chờ giai đoạn 3. Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các đối tác để có được nguồn vaccine dồi dào trong năm 2021. Tuy nhiên, khan hiếm vaccine đang là vấn đề lớn của thế giới, nhất là các nước đang phát triển như Việt Nam.

Một vấn đề nữa được đặt ra là những e ngại phản ứng sau tiêm. Theo người đứng đầu ngành y tế, các vaccine đều có phản ứng không mong muốn thông thường sau tiêm. Tỷ lệ này khá cao nên một số nước châu Âu đã dừng lại, nhưng sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) tuyên bố vaccine Astra Zeneca không liên quan đến các trường hợp đông máu thì các nước đã tiêm trở lại. Vaccine Astra Zeneca có những phản ứng không mong muốn sau tiêm trong tỉ lệ cho phép.

Được biết, tỷ lệ phản ứng sau tiêm của vaccine Astra Zeneca còn thấp hơn một số vaccine khác.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam đã có hơn 42.000 người được tiêm vaccine Astra Zeneca, nhưng không có trường hợp nào bị đông máu. Đặc biệt, việc xử lý sau tiêm rất tốt khi xử lý nhanh, cao hơn một mức và Bộ Y tế cho phép điều này để đảm bảo an toàn.

Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả địa phương phải mời các cơ sở y tế tham dự, bao gồm cả y tế công lập lẫn tư nhân, vì một người có phản ứng sau tiêm có thể đến bất cứ cơ sở y tế nào.

Tại hội nghị, các chuyên gia hàng đầu về tiêm chủng, về hồi sức cấp cứu đã thông tin về vaccine, về quy trình tiêm chủng an toàn và phương pháp theo dõi phát hiện kịp thời phản ứng sau tiêm chủng, để đảm bảo việc chẩn đoán, xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế là để phản ứng phụ không mong muốn không tiến triển nặng hơn.