Người nghèo sẽ được hỗ trợ điện thoại thông minh
Sáng 12/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng "ngồi ghế nóng" trả lời chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn đại biểu Đắk Lắk chất vấn chỉ số hạ tầng viễn thông tăng mạnh nhưng việc tiếp cận băng thông rộng của người dân chưa nhiều và có sự chênh lệch vùng miền. Bộ có giải pháp gì thu hẹp khoảng cách này?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây phủ sóng viễn thông và hiện nay là phủ sóng Internet nên có độ vênh giữa thành phố và vùng sâu, vùng xa; với hộ gia đình nghèo, cận nghèo hay các hộ đặc biệt khó khăn.
Ông Hùng đưa ra giải pháp với các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và nhấn mạnh “lõm đâu phủ đấy” để đảm bảo mọi người đều có sóng.
“Chúng ta có đủ tiền, thậm chí thừa một tí, để có thể phủ sóng, giờ chỉ cần cơ chế thông thoáng thôi”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, mục tiêu thứ hai ông nhấn mạnh là phấn đấu để bà con thuộc diện nghèo, cận nghèo có điện thoại thông minh và sử dụng miễn phí. Quỹ Viễn thông công ích có một khoản ngân sách khoảng 400.000 máy điện thoại.
Bộ trưởng cho hay sẽ xin phép điều chỉnh quỹ này tăng lên để những gia đình nghèo, cận nghèo sẽ đều có điện thoại thông minh, với khoảng 1-1,2 triệu máy. Chương trình này có thể “phủ trắng” để người nghèo đều có điện thoại thông minh. Người dân được dùng miễn phí - một chính sách mà có lẽ chỉ riêng Việt Nam có, vì các nước chỉ phủ sóng rồi để đó, ai có tiền thì dùng. Còn ở Việt Nam, với người nghèo, Nhà nước hỗ trợ cả điện thoại và phí dùng với 65.000 đồng/máy/người.
Dưới 2% người dùng sẽ dừng mạng 2G
Trong khi đó, đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn đại biểu Đắk Nông đặt ra câu hỏi về việc triển khai xóa mạng 2G trong bối cảnh hạ tầng viễn thông ở các vùng đồng bào dân tộc còn nhiều hạn chế. Bà cho rằng, việc khuyến khích người dân sử dụng điện thoại thông minh là xu hướng tất yếu, tuy nhiên cần có những giải pháp cụ thể để đảm bảo việc cung cấp dịch vụ viễn thông ổn định, đặc biệt là sau các sự cố thiên tai bão, lũ, điển hình như cơn bão số 3.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Việt Nam có 24 năm sử dụng công nghệ 2G, khi dưới 2% người dùng sẽ dừng công nghệ này và nhà mạng phải hỗ trợ cho người dân.
Theo ông Hùng, nhờ truyền thông tốt nên khi dừng công nghệ 2G chỉ còn khoảng 0,2% người dùng (hơn 200.000 máy) nên việc bù cho dân đối với các nhà mạng khá nhẹ nhàng. Về vùng phủ sóng, công nghệ 3G, 4G phủ sóng tương đương với 2G.
Bộ trưởng nhấn mạnh, dù trong các tình huống khẩn cấp như bão lũ, các trung tâm huyện vẫn sẽ được đảm bảo kết nối thông tin, phủ sóng, phục vụ công tác cứu hộ, cứu trợ. Bộ đã áp dụng mô hình này ở miền Trung và sẽ nhân rộng ra toàn quốc.
Còn đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn đại biểu Bắc Kạn chất vấn trong tổng số 761 thôn chưa có sóng di động, số liệu tính đến tháng 9/2024 thì có đến 637 thôn có điện nhưng vẫn chưa có sóng. Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này và đến bao giờ các thôn mới có sóng di động để người dân giảm bớt khó khăn?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết với những trạm không có điện mà sắp tới không triển khai nhanh được, khó khăn trong triển khai điện thì sẽ Bộ sẽ dùng giải pháp vệ tinh.
Theo ông Hùng, với những trạm không thuộc trách nhiệm của viễn thông công ích mà thuộc trách nhiệm của nhà mạng, Bộ sẽ đôn đốc các nhà mạng phủ sóng ở những vùng này, chậm thì đầu quý I/2025, nhưng mục tiêu là triển khai trong năm 2024.
Đối với các trạm thuộc trách nhiệm của Quỹ viễn thông công ích, phải thực hiện theo luật mới, Nghị định mới. Việc chậm Nghị định là thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng.
Ông Hùng cam kết Bộ sẽ bằng cách nhanh nhất, yêu cầu tháng 6/2025 phủ sóng tất cả những vùng không có sóng.
Theo Bộ trưởng, khi không có sóng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, bởi giờ đây gần như toàn bộ cuộc sống đã xoay quanh môi trường số.