Chiều 28/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 1895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021-2030”.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, đứng trước những thay đổi nhanh chóng của xã hội, sự hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam đối với thế giới thì những kết quả đạt được về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Nói về vấn đề khát vọng và khơi dậy khát vọng cống hiến, Bộ trưởng Sơn cho rằng để khơi dậy khát vọng, từ phương diện chuyên môn của ngành GD-ĐT xác định phải triển khai thật tốt nhiệm vụ trung tâm, nhiệm vụ chuyên môn là triển khai thật tốt các môn học trong Chương trình.
"Chúng ta nói đến việc phải triển khai đồng bộ, toàn diện, nhưng việc rất quan trọng là trong chương trình giáo dục chính thức, chúng ta phải tận dụng các môn học, giờ học trong nhà trường để làm thật tốt, coi đó là phần phải làm cốt lõi; trong đó có các môn học Đạo đức, Giáo dục công dân, Lý luận chính trị....
Chúng ta cũng thấy rằng, để khơi dậy khát vọng, khí thế, ý chí, định hướng tinh thần; đó là sự gắn kết các phẩm chất cá nhân và lấy trách nhiệm xã hội làm thước đo cho phẩm chất của cá nhân. Điều đó, muốn tạo dựng được con người có khát vọng, chúng ta cần trường học đầy khát vọng; chúng ta phải thông qua việc tạo dựng lớp nhà giáo có năng lực phẩm chất và giàu khát vọng. Nếu không có đội ngũ nhà giáo giàu khát vọng thì chúng ta sẽ khó được lớp học sinh giàu khát vọng" - Bộ trưởng Sơn nói.
Theo Bộ trưởng, từ công việc mang tính chuyên môn, việc đầu tiên là cần đổi mới phương pháp dạy và học các môn Đạo đức, Giáo dục công dân,.... Đặc biệt, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đây cũng là một lần đổi mới cả nội dung và phương pháp; trong quá trình triển khai chúng tôi còn tiếp tục rà soát, để thấy cần đổi mới trong giảng dạy các môn học này thì sẽ có triển khai kịp thời.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TW và ông Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT - đồng chủ trì Hội nghị. |
Tham luận của các đại biểu tham dự hội nghị khẳng định giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đồng thời, vừa giải quyết những vấn đề trước mắt, mang tính chiến lược, có giá trị định hướng lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các tham luận nhấn mạnh định hướng giải pháp, tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định số 1895/QĐ-TTg, để đạt được mục tiêu đề ra. Trong những năm qua, nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đã được ban hành và triển khai hiệu quả.
Theo đánh giá bước đầu, các chương trình đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của mỗi thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, nhà trường, gia đình và toàn xã hội.
Quyết định số 1895/QĐ-TTg đề ra một số chỉ tiêu cụ thể về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, học sinh, sinh viên nhi đồng như:
- Đến năm 2025 đạt trên 80% thanh niên học sinh, sinh viên ở đô thị, trên 70% thanh niên, học sinh, sinh viên ở nông thôn, 60% thanh niên học sinh, sinh viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, hoạt động sinh hoạt cộng đồng tại nơi học tập, làm việc và cư trú; đến năm 2030 đạt trên 85%, trên 75% và 65% các chỉ tiêu tương ứng.
- Phấn đấu đến năm 2025 đạt 25% thanh niên học sinh, sinh viên được ứng dụng, triển khai ý tưởng sáng tạo, công trình nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và đời sống, 25% công trình khoa học và công nghệ do thanh niên chủ trì, 20% thanh niên làm việc trong các tổ chức khoa học, công nghệ; phấn đấu đến năm 2030 đạt 30%, 30% và 25% các chỉ tiêu tương ứng.