|
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các ĐBQH tại phiên làm việc chiều 7/11. |
Đại biểu Tao Văn Giót (Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu) chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về hiện tượng sử dụng các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok, Youtube hoặc các website có máy chủ ở nước ngoài để quảng cáo các thực phẩm bảo vệ sức khỏe chưa được thẩm định, nội dung quảng cáo không đúng nội dung đã được xác nhận; quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh, sử dụng danh nghĩa của các cơ quan như y tế; cắt ghép hình ảnh của VTV, bệnh viện, Bộ Y tế; ý kiến phản hồi của người bệnh, người nổi tiếng.
Cũng theo đại biểu Giót, quảng cáo thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh như thuốc chữa bệnh vẫn diễn ra khá phổ biến và phức tạp, gây nhầm lẫn và thiệt hại cho người tiêu dùng, nhất là người dân ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ít thông tin.
Ông Giót đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để xử lý vấn đề này một cách căn cơ, lâu dài.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Tao Văn Giót về vấn đề quảng cáo thực phẩm chức năng và thuốc sai sự thật trên không gian mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cơ bản những quảng cáo này thực hiện trên các mạng xã hội, đặc biệt là các mạng xã hội xuyên biên giới.
Hiện, Việt Nam đã đạt được cơ chế làm việc với các mạng xã hội xuyên biên giới về tháo gỡ các thông tin sai sự thật, quảng cáo sai sự thật, đưa thông tin xấu độc. Cơ quan quản lý cũng đã thể chế hóa việc này trong các văn bản pháp luật, cả về trách nhiệm của mạng xã hội, thời gian tháo gỡ, v.v..
“Tỷ lệ thực thi các yêu cầu của quản lý nhà nước về tháo gỡ thông tin sai sự thật trên các mạng xã hội, trong đó có cả các mạng xã hội xuyên biên giới là rất nghiêm, nhưng vấn đề là chúng ta phải phát hiện và phải báo cáo để tháo gỡ” – Bộ trưởng Hùng nói.
Về vấn đề quản lý thông tin trên mạng, người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng, bộ, ngành, địa phương quản lý lĩnh vực nào trong thế giới thực thì khi di chuyển lên không gian mạng cũng sẽ thực hiện việc quản lý lĩnh vực đó. Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an là hai bộ nòng cốt hỗ trợ xử lý khó khăn trong quá trình thực thi “nhưng việc chính thì vẫn phải là các bộ chuyên ngành” – ông Hùng nêu quan điểm.
Dẫn ngay vấn đề về quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, việc quản lý các hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế.
Hiện nay, các bộ, ngành, các địa phương lên không gian mạng chưa nhiều và “cứ nghĩ đây là trách nhiệm riêng của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc của Bộ Công an. Tôi nghĩ cần thay đổi nhận thức này” – Bộ trưởng Hùng giải thích và nêu rõ, thế giới thực và thế giới ảo là ánh xạ 1-1, ai làm gì ở trong đời thực thì làm điều đó ở trên không gian mạng.
Ông bày tỏ mong muốn các bộ ngành, địa phương xác định rằng, trách nhiệm của mình trong thế giới thực như thế nào thì lên mạng cũng như thế. “Trong quá trình thực thi gặp bất kỳ khó khăn gì về việc tháo gỡ thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật thì gửi công văn đến Bộ Thông tin và Truyền thông chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói thêm.
Xây dựng văn hóa số
Cũng trong phiên chất vấn chiều nay, trả lời câu hỏi của đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh) về bảo vệ bảo vệ sự xâm hại nói chung trên không gian mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, việc quản lý mạng xã hội sẽ được sửa đổi trong Nghị định 72 mà Chính phủ sẽ phê duyệt trong tháng 11-12/2023. Đây là nghị định căn bản để quản lý các mạng xã hội, trong đó có việc xâm hại đời tư thì xử lý như thế nào.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Trung tâm xử lý tin giả Quốc gia - như khá nhiều quốc gia khác, nhưng cần thiết phải thành lập các trung tâm xử lý ở mức sâu hơn, ở cấp độ tỉnh "vì hiện nay chúng ta 'di chuyển' lên không gian mạng hầu hết các hoạt động của cuộc sống" - ông Hùng lý giải.
Lãnh đạo Thông tin và Truyền thông cho biết đang cân nhắc ban hành yêu cầu thành lập trung tâm xử lý tin giả, hỗ trợ người dân trên không gian mạng ở mức cấp tỉnh.
Cùng với đó, theo Bộ trưởng Hùng, cần có biện pháp xử lý căn cơ hơn - xây dựng văn hóa số. Không gian mạng là một môi trường hoàn toàn mới. Vì thế, việc xây dựng văn hóa ứng xử, kể cả việc đưa vào trong các chương trình đào tạo phổ thông, hay lồng ghép vào chương trình công nghệ thông tin.
"Tôi nghĩ rằng câu chuyện không gian mạng hiện nay còn mới mẻ với khá nhiều người và cũng nhiều tệ nạn. Ở cuộc sống thực có bao nhiêu tệ nạn thì lượng tệ nạn trên mạng ảo cũng tương đương bấy nhiêu. Cho nên truyền thông để nhận thức xã hội, để cho người dân biết được những hiện tượng xấu, những bạo hành hoặc những xâm hại trên đấy để chúng ta biết cách xử lý và tránh" - Bộ trưởng Hùng nói.
Được biết, Bộ TT&TT đã hình thành nền tảng đào tạo kỹ năng số cơ bản cho người dân để tự bảo vệ mình, để tăng sức đề kháng, cũng biết cách ứng xử. Nền tảng này triển khai gần một năm nay, là nền tảng toàn dân, đã thu hút khoảng hơn 20 triệu người vào tìm hiểu. Đây được coi là một hình thức tốt, đặc biệt là hiệu quả truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng.