Bộ Tài chính từ chối cả 6/6 kiến nghị giảm thuế từ Hiệp hội Titan

VietTimes – Phúc đáp văn bản “kêu cứu” của Hiệp hội Titan Việt Nam, Bộ Tài chính đã từ chối thẳng thừng tất cả các kiến nghị đòi giảm thuế cũng như thay đổi mã hàng.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại văn bản số 2711/BTC-CST về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động khoáng sản vừa được ban hành ngày 29/02/2016, Bộ Tài chính đã cho ý kiến về hàng loạt kiến nghị mà Hiệp hội Titan Việt Nam (VTA) đã nêu trong Tờ trình số 18/2015/TTr-VP-VTA ngày 24/8/2015, mà hội này đã gửi lên Chính phủ trước đó.

Theo đó, Bộ Tài chính đã từ chối thẳng thừng cả 6/6 kiến nghị giảm thuế xuất khẩu từ phía VTA.

Cụ thể, về kiến nghị giảm thuế xuất khẩu mặt hàng ilmenit hoàn nguyên từ 15% xuống 7%:

Theo quy định tại Biểu thuế xuất khẩu ban hành theo Thông tư số 182/2015/TT-BTC ngày 16/11/2015 ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục hàng chịu thuế, mặt hàng ilmenit hoàn nguyên có mã hàng 282.00.00.40 có mức thuế xuất khẩu là 10%, là mức cao nhất trong khung thuế suất do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.

Về kiến nghị giảm thuế xuất khẩu tinh quặng ilmenit (mã hàng 2614.00.10) và tinh quặng Rutile (mã hàng 2614.00.90) từ 30% xuống 10%:

Khung thuế suất do UBTVQH quy định đối với nhóm 2614 là 10-40%. Mức thuế suất thuế xuất khẩu áp dụng đối với mặt hàng tinh quặng ilmenit 30% là nhằm thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 9/1/2012 của TTCP: “Cho phép xuất khẩu khối lượng tinh quặng ilmenit hiện đang tồn kho đến hết tháng 6 năm 2012. Từ 01 tháng 7 năm 2012, không xuất khẩu quặng ti tan chưa qua chế biến sâu và việc xuất khẩu phải được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ”.

Do vậy đề nghị thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Về kiến nghị giảm thuế mặt hàng tinh quặng monazit từ 20% xuống 10%:

Theo thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 1/7/2015 của Bộ Tài Chính ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và Chú giải HS thì mặt hàng tinh quặng monazit được phân loại vào mã hàng 2612.20.00 (nhóm 26.12 – Quặng urani hoặc thori và tinh quặng urani hoặc tinh quặng thori).

Ban thường vụ Hiệp hội Titan Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2018.

Khung thuế suất quy định đối với nhóm 26.12 là 10-40%. Tinh quặng monazit hiện đang được quy định mức 20% là phù hợp với mức thuế suất thuế xuất khẩu của mặt hàng quặng thô cùng nhóm 26.12 (mức 30%) và mức thuế xuất khẩu của các mặt hàng tinh quặng khác ( tinh quặng niken, tinh quặng molipden, tinh quặng niobi… có mức thuế suất 20%).

Do vậy, thực hiện định hướng nêu tại chỉ thị số 02/CT-TTg, Bộ Tài Chính đề nghị thực hiện theo quy định hiện hành.

Về kiến nghị giảm thuế mặt hàng tinh quặng zircon, mã hàng 2615.10.00 từ 30% xuống 10%:

Tinh quặng zircon, mã hàng 2615.10.00 không thuộc danh mục khoáng sản xuất khẩu ban hành theo Thông tư số 41/2012/TT-BTC ngà 21 tháng 12 năm 2012 của Bộ Công Thương. Mặt khác mức thuế suất thuế xuất khẩu của tinh quặng zircon 20% là tương đồng với mức thuế xuất khẩu chung của các mặt hàng tinh quặng khác (tinh quặng niken, tinh quặng thiếc, tinh quặng molopden, tinh quặng niobi… có mức thuế suất 20%).

Do vậy đề nghị thực hiện theo quy định hiện hành.

Về kiến nghị giảm thuế xuất khẩu mặt hàng Rutile (TiO2> 87%), mã hàng 2823.00.00 từ 10% xuống 8%, Xi titan mã hàng 2823.00.00 từ 10% xuống 7% và 5% (tùy theo hàm lượng TiO2, FeO):

Ngày 07/01/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán NSNN. Trong đó đã giao Bộ Tài Chính “… không đề xuất, ban hành chính sách mới làm giảm thu NSNN, trừ trường hợp cần giảm thuế để thực hiện cam kết quốc tế”.

Theo đó, Bộ Tài Chính đề nghị thực hiện thuế suất thuế xuất khẩu các mặt hàng Rutile và Xi Titan theo quy định hiện hành tại Biểu thuế xuất khẩu ban hành theo Thông tư số 182/2015/TT-BTC ngày 26/11/2015 của Bộ Tài Chính.

Về kiến nghị giảm thuế mặt hàng Zircon mịn và Zircon siêu mịn (mã hàng hóa 2615.10.00) từ 10% xuống 7%:

Khung thuế suất do UBTVQH quy định đối với nhóm 2615 là 10-40%. Theo đó mặt hàng Zircon mịn và Zircon siêu mịn đã được quy định mức 10% là mức thấp nhất của khung thuế suất.

Do vậy kiến nghị giảm xuống mức 7% là không phù hợp với khung thuế suất do UBTVQH ban hành.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng cho ý kiến về kiến nghị liên quan đến mã hàng mà VTA đã nêu ra. Trong đó cho biết kiến nghị phân loại Zircon mịn và Zircon siêu mịn từ nhóm 26.15 về nhóm 28.23 “là không phù hợp”.

Trước đó, trong văn bản kiến nghị lên Chính phủ, Hiệp hội Titan Việt Nam đã “than” rằng, trong số 38 hội viên là các doanh nghiệp trực tiếp khai thác, chế biến titan của hiệp hội, hiện chỉ còn 14 đơn vị đang sở hữu 17 giấy phép khai thác còn hiệu lực với tổng trữ lượng được cấp phép khai thác là trên 18,3 triệu tấn.

VTA còn cho biết thêm rằng, hiện nay, nhiều doanh nghiệp hội viên đã dừng hoạt động, một số chỉ hoạt động cầm chừng để bảo vệ máy móc, thiết bị. Sản xuất của 14 đơn vị có hoạt động chỉ đạt 38,7 % công suất năm 2013, và chỉ còn 16,2% công suất khai thác năm 2014.

Theo VTA, nguyên nhân chính của tình trạng trên là do giá bán, trong đó phần lớn là xuất khẩu, của các sản phẩm chế biến từ titan đã giảm mạnh 40-60% từ cuối năm 2012 đến nay.

Hữu Vinh