Trước mắt, Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (PPP) đang xin cơ chế đặc thù cho các dự án đoạn Ninh Bình - Nghi Sơn và đường cao tốc đoạn Dầu Giây - Phan Thiết.
Cụ thể, với dự án đoạn Ninh Bình - Nghi Sơn, Ban PPP mong muốn Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng dự phòng ngân sách trong đầu tư công trung hạn hoặc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép ứng trước vốn Trái phiếu Chính phủ làm cơ sở phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và triển khai ngay. Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ hoàn trả dự phòng ngân sách từ nguồn vốn TPCP. Nếu phương án này được thông quan, dự án có thể khởi công dự án vào khoảng cuối năm 2017, đầu năm 2018.
Đối với đường cao tốc đoạn Dầu Giây - Phan Thiết, Ban PPP hi vọng Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chấp thuận các cơ chế để thực hiện dự án, gồm: Áp dụng hình thức cấp phát khoản vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới, chấp thuận bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh tỷ giá và bảo lãnh trách nhiệm của Chính phủ.
Trong khi đó, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, trong đó đưa ra lộ trình hoàn thành giai đoạn I của dự án vào năm 2022 với tổng chiều dài gần 600km.
Dự án đường cao tốc Bắc - Nam là dự án tầm vĩ mô, được cả Quốc hội và Chính phủ quan tâm. Dự án này dự tính sẽ tiêu tốn khoàng 230.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước nên Bộ Tài chính đã từng muốn lùi thời gian thực hiện dự án này.
Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, dự án phát triển đường cao tốc Bắc Nam sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước nên không thể trì hoãn việc triển khai. Về vấn đề vốn đầu tư, Bộ GTVT đã đề xuất phương án đầu tư theo quy mô phân kỳ.
Cụ thể, tổng mức đầu tư giai đoạn I của dự án (2017 - 2022) khoảng 88.530 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 41.414 tỷ đồng, chiếm 46,8% và nguồn vốn huy động từ các nhà đầu tư (vốn BOT) khoảng 47.116 tỷ đồng.
Giai đoạn II (2023 - 2025), tổng nhu cầu vốn khoảng 114.612 tỷ đồng, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ 34.340 tỷ đồng (chiếm 30%) và nguồn vốn huy động từ các nhà đầu tư khoảng 80.272 tỷ đồng. “Nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước nằm trong nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 được sử dụng để hỗ trợ GPMB các đoạn tuyến cao tốc theo quy mô quy hoạch, phần còn lại để hỗ trợ công tác khảo sát, lập dự án đầu tư và hỗ trợ đầu tư xây lắp nhằm đảm bảo tính khả thi của phương án tài chính các dự án BOT”, ông Sơn cho hay.