Như VietTimes đã đưa tin, với khối tài sản ròng 9,7 tỉ USD, ông Michael Kim - nhà đồng sáng lập công ty đầu tư MBK Partners - đã soán ngôi nhà sáng lập Kakao Kim Beom-su để trở thành tỉ phú giàu nhất Hàn Quốc.
Sinh ra trong một gia đình khá giả, ông Michael Kim dành phần lớn tuổi thơ tại Hàn Quốc trước khi được cha gửi sang Mỹ vào năm 12 tuổi.
"Khi ấy, tôi không nói được chút tiếng Anh nào. Cha tôi muốn con mình được đào tạo trong nền giáo dục tốt và cởi mở hơn", vị doanh nhân sinh năm 1963 nhớ lại.
Được mệnh danh là ‘bố già của các tập đoàn đầu tư tư nhân ở châu Á’, song ít ai biết, ông Kim từng có ý định trở thành một phóng viên trước khi bén duyên với lĩnh vực đầu tư.
Ông Kim đã theo học và tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh tại trường Haverford College ở Pennsylvania. Nhưng sau đó, theo nguyện vọng của cha, ông đã chuyển hướng sang một lĩnh vực thực tế hơn và lấy bằng MBA tại trường Kinh doanh Havard vào năm 1990.
Ông Kim bắt đầu sự nghiệp với việc đầu quân cho Goldman Sachs, công tác tại bộ phận M&A, ban đầu là ở New York, sau đó được cử tới làm việc tại chi nhánh của ngân hàng đầu tư này ở Hồng Kông.
Ở tuổi 31, ông Michael Kim quay trở lại Hàn Quốc và đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành của Salomon Smith Barney Asia. Tại đây, ông đã dẫn dắt thương vụ phát hành trái phiếu chính phủ trị giá 4 tỉ USD vào năm 1998 giúp Hàn Quốc tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Tới năm 1999, ở tuổi 36, ông đầu quân cho tập đoàn đầu tư tư nhân danh tiếng Carlyle Group, phụ trách khu vực Châu Á.
Ở tuổi 37, ông Kim thể hiện khả năng nắm bắt cơ hội trong khủng hoảng bằng việc thúc đẩy thương vụ mua lại KorAm Bank – ngân hàng cho vay lớn thứ 6 Hàn Quốc tính theo tổng tài sản ở thời điểm đó.
Sau 13 tháng đàm phán căng thẳng, ông Kim và các đối tác (trong đó có Corsair - thành viên của JPMorgan) đã mua lại thành công 37% cổ phần của KorAm. Sau đó 4 năm, KorAm được bán lại cho Citigroup với giá 2,7 tỉ USD, cao gấp đôi so với số vốn đầu tư mà Kim và các đối tác bỏ ra.
Ông Michael Kim - nhà đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn MBK Partners (Ảnh: Internet) |
Hành trình xây dựng 'đế chế' tỉ đô MBK Partners
Trong một bài viết được tờ Financial Times đăng tải vào tháng 8/2022, ông Michael Kim cho biết cuộc nói chuyện với bà Ho Chinh (Hà Tinh) - phu nhân của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, cựu giám đốc điều hành Temasek Holdings - đã truyền cảm hứng để ông 'ra riêng', thành lập công ty đầu tư tư nhân của riêng mình.
“Bà Ho Ching, người mà tôi vô cùng ngưỡng mộ, đã khuyến khích tôi thành lập một công ty châu Á, do người châu Á sở hữu và điều hành. Nhưng thay vì Singapore, tôi quyết định chọn Seoul (Hàn Quốc) là nơi bắt đầu”, ông Kim chia sẻ.
Năm 2005, ông Kim quyết định thành lập MBK Partners. Cụm từ 'MBK' được lấy 'cảm hứng' từ các chữ cái đầu của trong tên đầy đủ của ông Kim: Michael ByungJu Kim.
Cùng với 5 đồng nghiệp cũ của mình, ông Kim đã huy động thành công 1,6 tỉ USD cho quỹ đầu tiên của MBK Partners từ Temasek Holdings và Canada’s Public Sector Pension Investment Board (CPSPIB).
Quỹ thứ hai của MBK Partners, được thành lập ngay sau cuộc Đại suy thoái năm 2008, đã huy động được gần gấp 3 lần số vốn đầu tư, một phần nhờ vào thương vụ mua lại Universal Studios Japan trị giá 1,4 tỉ USD vào năm 2009 với Goldman Sachs.
Đến năm 2013, MBK Partners củng cố vị thế của mình bằng thương vụ thâu tóm ING Insurance Korea với giá 1,6 tỉ USD. 4 năm sau, ING được IPO với định giá khoảng 2,4 tỉ USD, trở thành công ty đầu tiên thuộc sở hữu hoàn toàn của một công ty đầu tư tư nhân niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc.
"Tôi luôn nghĩ rằng, thành công mà mình có được là do tài năng, làm việc chăm chỉ, nhưng một phần cũng là nhờ may mắn. Nhận thức được điều đó rất quan trọng để luôn tỉnh táo và khiêm tốn" - Michael Kim.
Năm 2015, MBK Partners đã vượt qua Kohlberg Kravis Roberts (KKR) và Carlyle để thâu tóm công ty con Homeplus của Tesco với giá 6,1 tỉ USD.
Với khả năng "nhảy số" trong mọi tình huống, ông Kim đã có những hành động nhanh và quyết đoán, đặc biệt là trong thời điểm cả thế giới lao đao vì Covid-19. Ông đã quyết định đóng quỹ đầu tư thứ 5, cũng là quỹ lớn nhất của MBK Partners vào tháng 5/2020. Hành động này đã giúp ông thu hồi được 6,5 tỉ USD chỉ trong vòng 6 tháng.
Với nguồn vốn này, ông lại dùng để hỗ trợ các công ty tư nhân khác ở châu Á đang loay hoay tìm cách sống sót sau 2 năm “chết lâm sàng”.
Vào đầu năm 2022, MBK đã hoàn tất bán 12,5% cổ phần cho Dyal Capital có trụ sở tại New York với giá khoảng 1 tỉ USD. Thương vụ này đã định giá công ty ở mức 10 tỉ USD – tương đương với TPG Group, công ty đầu tư tư nhân lớn thứ 5 của Mỹ.
Tính đến nay, sau 18 năm thành lập, MBK đang quản lý hơn 26 tỉ USD vốn tài sản trên khắp Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, thực hiện 68 khoản đầu tư và phân phối 13,8 tỉ USD cho các nhà đầu tư của mình, biến tập đoàn này thành công ty đầu tư tư nhân hàng đầu châu Á.
'Dấu chân' của MBK Partners tại Việt Nam
Hệ thống rạp chiếu phim CGV (Ảnh: Internet) |
Vị tỉ phú giàu nhất Hàn Quốc đã sớm để mắt tới Việt Nam - quốc gia giàu tiềm năng tăng trưởng bậc nhất Đông Nam Á.
Tháng 9/2019, MBK đã đàm phán với CJ CGV - thành viên của Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) - liên quan tới việc mua lại 25-30% cổ phần của các công ty con của CJ CGV tại Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia.
CJ CGV là đơn vị vận hành hệ thống rạp chiếu phim lớn tại Việt Nam với 78 cụm rạp.
Đến tháng 11/2019, trong một diễn biến liên quan, CGI Holdings Ltd – thành viên của CJ CGV – cho biết đã đồng ý bán 28,6% cổ phần công ty với giá 286 triệu USD cho liên doanh gồm MBK Partners và ngân hàng đầu tư Mirae Asset Daewoo.
Đây được cho là một kế hoạch nằm trong chiến lược kiểm soát các hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia của MBK Partners.
Vị tỉ phú thích làm từ thiện
Ngoài các hoạt động đầu tư, ông Michael Kim cũng là một tỉ phú có nhiều hoạt động từ thiện.
Năm 2007, ông từng đóng góp tài chính để thành lập Quỹ học bổng MBK cung cấp các hỗ trợ tài chính cho sinh viên nghèo học giỏi với tổng số 155 sinh viên đã được cấp học bổng toàn phần cho đến thời điểm hiện tại.
Vào tháng 8/2021, tỉ phú của xứ sở kim chi đã quyên góp số tiền khủng trị giá 26 triệu USD cho chính quyền thủ đô Seoul.
Số tiền khổng lồ này được sử dụng cho dự án xây dựng công trình thư viện công cộng tọa lạc ở quận Seodaemun, dự kiến khởi công vào tháng 6/2023 và khánh thành đưa vào sử dụng vào tháng 10/2025.
Ông Michael Kim từng được Forbes vinh danh trong danh sách các 'anh hùng từ thiện' hàng đầu châu Á năm 2021 (Asia's 2021 Heroes Of Philanthropy). Trong số 15 nhân vật được tạp chí này đề cập, bên cạnh ông Michael Kim, còn có Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng./.
Nguồn tham khảo: Forbes India, Financial Times, The Investor, Pulse