Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng cho biết, Bộ Công thương đề xuất mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe có dung tích xi lanh trên 3 lít tăng từ 60% lên 70%, không quy định chi tiết, dung tích xi lanh cụ thể 4 lít hay 5 lít để áp dụng mức thuế khác nhau.
"Chúng tôi chỉ cho rằng đối với các dòng xe trên 3.0 thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tăng 70%, không phải 200%, thậm chí dòng xe dưới 2.0 còn cần được hỗ trợ về thuế tiêu thụ đặc biệt", ông Thành khẳng định.
Ông Thành cho biết, việc điều chỉnh thuế căn cứ vào hạ tầng, với một số dòng xe đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt do đây là một trong những dòng xe đang được nhà nước khuyến khích để nội địa hóa dần dần, giúp doanh nghiệp có thể sản xuất để cung cấp cho thị trường trong nước.
Tuy nhiên, ông Thành cũng lưu ý, việc ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho dòng xe trên sẽ dẫn đến tăng tiêu dùng trong khi phải đáp ứng hạ tầng do đó cần phải cân đối lại.
Đối với dòng xe sang, xe xa xỉ ông Thành nêu quan điểm, việc tăng thuế nhằm hạn chế dòng xe này nhập khẩu vào Việt Nam với lý do liên quan đến các tiêu chuẩn kỹ thuật, xả thải, xe có dung tích lớn xả thải ra môi trường cao.
Đồng thời, làm tăng nhập siêu, kéo theo một số hệ lụy liên quan đến dòng xe được đánh giá là xe sang.
Song quan trọng hơn là do thị phần của dòng xe này không lớn nên ảnh hưởng không quá nhiều bởi các chính sách thuế.
"Chính sách thuế đối với mặt hàng ô tô có 2 mặt, được cái nọ sẽ mất cái kia. Tuy nhiên, chúng ta ngầm định tăng trưởng cần có sự hỗ trợ và ở đây là thuế", ông Thành phân tích.
Ngoài ra, nhận định về số liệu tăng trưởng của xe nhập khẩu nguyên chiếc, xe sang tăng qua các cùng kỳ với đánh giá cho rằng Việt Nam giàu ông Thành cho biết, thực tế Việt Nam đang trong đánh giá ở mức độ trung bình với 69-70% dân số là nông dân.
"Việc nhập xe sang, xe nguyên chiếc lớn đối với Việt Nam mang tính tiềm ẩn yếu tố thích hàng ngoại. Việt Nam chưa thực dụng do đôi khi coi ô tô là tài sản thay vì phương tiện", ông Thành kết luận.
Theo Bizlive