|
Ảnh minh họa. Nguồn VGP |
Đó là thông tin thống kê được công bố trong cuộc làm việc với Bộ Công thương về công tác cải cách hành chính (CCHC) lĩnh vực hiện đại hóa hành chính năm 2017 của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, Thành viên Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ, vừa diễn ra gần đây.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, ngay từ năm 2008, Bộ đã triển khai thử nghiệm một số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, đến năm 2010, cũng là Bộ đầu tiên triển khai DVCTT mức độ 4 về khai báo hóa chất. Đến nay, Bộ đã và đang triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng các nội dung kế hoạch đã đề ra, có 305 TTHC cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương đã được triển khai DVCTT mức độ 2 trở lên; trong đó có 11 nhóm DVCTT mức độ 4; 45 nhóm dịch vụ công mứC độ 3 (tương ứng với 157 DVCTT) đều được tích hợp trên Cổng DVCTT.
Số hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết theo hình thức trực tuyến mức độ 3 chiếm 94%; tiếp nhận và giải quyết theo hình thức trực tuyến mức độ 4 chiếm 6%. Đối với Thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tiếp nhận/xử lý hơn 600.000 bộ hồ sơ điện tử/năm; Thủ tục Cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép, tiếp nhận/xử lý 9.000 bộ hồ sơ/năm; Thủ tục Đăng ký, thông báo website thương mại điện tử tiếp nhận/xử lý 4.000 bộ hồ sơ/năm.
Về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, đến nay 100% các đơn vị thuộc Bộ đã thực hiện quản lý và xử lý văn bản đi và đến trên Hệ thống xử lý văn bản điện tử (iMOIT). Hệ thống iMOIT đã kết nối liên thông và thường xuyên trao đổi dữ liệu với hệ thống quản lý văn bản điện tử của Văn phòng Chính phủ và công khai tiến độ xử lý hồ sơ công việc của Bộ Công thương trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. 100% cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức thuộc Bộ được cấp thư điện tử nội bộ với hơn 2.400 tài khoản và hơn 5.000 email đi/đến trong mỗi ngày.
Đối với việc ứng dụng Chữ ký số, hiện đã có hơn 150 DVCTT của Bộ Công thương đã triển khai tích hợp chữ ký số công cộng. Hiện, Bộ đã được cấp hơn 80 chữ ký số chuyên dùng (trong đó cấp cho 13 tổ chức và 67 chữ ký số cấp cho cá nhân là lãnh đạo cấp vụ trở lên).
Việc phát triển hạ tầng kỹ thuật, hiện tổng số máy chủ của tất cả các đơn vị thuộc Bộ quản lý 102 máy, Bộ sử dụng đường truyền Leased line (kênh thuê riêng) 1.358 Mbps, FTTH (cáp quang) 264 Mbps, ADSL và SDSL 148 Mbps…
Cũng theo báo cáo, Bộ Công thương đang triển khai cơ chế một cửa quốc gia, xây dựng và nâng cấp hệ thống CNTT phục vụ cơ chế một cửa quốc gia theo hướng tập trung và liên thông nhằm tiết kiệm, đảm bảo hiệu quả đầu tư. Theo kế hoạch, Bộ Công thương sẽ hoàn thành việc nâng cấp 3 DVCTT cấp độ 3 và kết nối với cơ chế một cửa quốc gia thành DVCTT cấp độ 4, dự kiến đến hết năm 2018, kết nối thêm 8 DVCTT của Bộ Công thương vào cơ chế một cửa quốc gia theo quyết định 1989/QĐ-BCT ngày 5/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc phê duyệt kế hoạch cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN của Bộ Công thương giai đoạn 2017-2020. Đồng thời, Bộ Công thương đang hoàn thiện và triển khai khung kiến trúc Chính phủ điện tử trong thời gian tới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Công thương còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc như: còn hơn 20 cơ sở dữ liệu chưa bao quát hết các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, còn phân tán ở nhiều đơn vị chuyên môn khác nhau; Bộ vẫn còn sử dụng nhiều máy tính hệ điều hành, phần mềm máy tính trước năm 2010 nên có độ rủi ro về an toàn an ninh thông tin; nhiều cổng/trang thông tin của Bộ hiện đang hoạt động trên nền tảng công nghệ cũ, có nhiều lỗ hổng về bảo mật, tin tặc có thể tấn công…
Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Bộ Công thương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh trân trọng cảm ơn sự phối hợp có hiệu quả giữa các đơn vị chức năng thuộc hai Bộ thời gian qua góp phần quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công thương nhằm giảm tối đa thủ tục hành chính rườm rà và thời gian giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách, hiện đại hóa hành chính. Thứ trưởng cũng đề nghị, trong thời gian tới, tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện của lãnh đạo Bộ TT&TT, các Cục, Vụ chức năng có liên quan thuộc Bộ TT&TT hỗ trợ Bộ Công thương hiện đại hóa hành chính, ứng dụng CNTT, đảm bảo an toàn an ninh thông tin… trong hoạt động của Bộ Công thương.
Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Đoàn kiểm tra, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đánh giá cao sự nỗ lực trong việc cải cách thủ tục hành chính – lĩnh vực hiện đại hóa hành chính, ứng dụng CNTT trong hoạt động của Bộ Công thương thời gian vừa qua. Theo đó, Bộ Công thương đã bám sát Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020…
Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đề nghị Bộ Công thương cần hoàn thiện đồng bộ hơn các quy chế về khai thác thư điện tử; gắn kết chặt chẽ hoạt động ứng dụng CNTT với cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu quả cao nhất; khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu và phần mềm của cơ quan nhà nước; cần chú trọng bảo đảm an toàn thông tin khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tăng cường số lượng các giao dịch dịch vụ công trực tuyến.
Về các đề xuất của Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng yêu cần các đơn vị chức năng thuộc Bộ tổng hợp để báo cáo với lãnh đạo Bộ TT&TT trong thời gian tới. Thứ trưởng cũng lưu ý, những vấn đề chưa phù hợp trong quá trình triển khai trong thực tiễn, các Bộ, ngành có liên quan tổng hợp và kiến nghị Chính phủ xem xét và giải quyết trong thời gian tới.