"Bỏ án tử hình với người tội tham nhũng là phù hợp xu thế quốc tế"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chuyên gia cho rằng bỏ tử hình với người phạm tội tham nhũng và thay bằng án tù chung thân không xem xét giảm án là phù hợp với xu thế, mang tính răn đe mạnh mẽ.

Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi (do Bộ Công an chủ trì xây dựng) đề xuất bỏ hình phạt tử hình, thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án với 8 tội danh gồm: tội gián điệp, tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh, tội vận chuyển trái phép chất ma tuý, tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.

Việc thay đổi hình phạt theo cơ quan soạn thảo vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội.

Tôn trọng quyền sống

Trao đổi với VietTimes, ông Trương Việt Toàn, nguyên Phó Chánh tòa hình sự TAND TP Hà Nội, đồng tình với chủ trương bãi bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh, nhất là tội tham ô tài sản và nhận hối lộ.

Theo ông Toàn, việc loại bỏ án tử hình với những tội danh này là bước đi phù hợp trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tư pháp.

"Nhiều quốc gia trên thế giới hiện chỉ áp dụng tử hình cho một vài tội danh đặc biệt nghiêm trọng. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang duy trì án tử hình cho khá nhiều tội danh, chưa hoàn toàn tương thích với chuẩn mực quốc tế", ông Toàn nói.

Nguyên Phó chánh tòa hình sự TAND TP Hà Nội cho biết dù pháp luật hiện hành vẫn quy định hình phạt tử hình cho tội tham ô và nhận hối lộ, song trên thực tế việc tuyên án tử hình là rất hạn chế. Nguyên nhân là phần lớn bị cáo đã chủ động khắc phục hậu quả – một yếu tố quan trọng để được miễn hình phạt cao nhất.

"Hầu hết các bị cáo khi ra tòa đều đã khắc phục toàn bộ hoặc trên 2/3 giá trị tài sản chiếm đoạt, nên rất ít trường hợp bị áp dụng án tử hình", ông phân tích.

TRương Việt Toàn.jpg
Ông Trương Việt Toàn, nguyên Phó Chánh tòa hình sự TAND TP Hà Nội.

Ông Toàn cho rằng đề xuất bỏ tử hình và thay bằng án tù chung thân không xem xét giảm án là phù hợp và mang tính răn đe mạnh mẽ.

"Không được giảm án, đồng nghĩa với việc bị cáo phải chấp hành án tù suốt đời, đó đã là hình phạt vô cùng nghiêm khắc, tác động lớn đến tâm lý của người phạm tội", ông Toàn nhấn mạnh.

Nguyên Phó Chánh tòa hình sự TAND TP Hà Nội cũng bác bỏ lo ngại việc bỏ án tử hình sẽ làm giảm hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Theo ông, trong thực tế, ý thức khắc phục hậu quả thường đã có từ giai đoạn điều tra, truy tố, chứ không phải vì sợ án tử mà các bị cáo mới khắc phục.

"Quan điểm cá nhân tôi là ủng hộ chủ trương bỏ án tử hình đối với một số tội danh, trong đó có các tội tham nhũng. Đây là bước đi phù hợp với xu hướng nhân đạo, tôn trọng quyền sống – một giá trị cốt lõi trong tiến trình hội nhập quốc tế", ông Toàn khẳng định.

Anh 1.jpg
Phạm 3 tội Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Đưa hối lộ trong vụ Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan bị tuyên tử hình. Ảnh: Vietnamnet.

"Thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả hơn án tử hình"

Đồng quan điểm, luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng Luật sư Giang Thanh, cho rằng đề xuất của Bộ Công an về việc bỏ hình phạt tử hình với 8 tội danh – trong đó có các tội tham ô tài sản và nhận hối lộ – là hoàn toàn phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và thực tiễn thi hành pháp luật.

Dẫn Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (ban hành năm 2005) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 Khóa X (năm 2006), luật sư Giang Hồng Thanh cho biết chủ trương hạn chế áp dụng hình phạt tử hình đã được xác lập từ gần 20 năm trước. Các nghị quyết này cũng nhấn mạnh quan điểm khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho những người phạm tội tham nhũng nếu chủ động khai báo, hợp tác và khắc phục hậu quả, nộp lại tài sản.

Theo luật sư Thanh, tước đoạt mạng sống của một người phạm tội tham nhũng, dù ở mức độ nghiêm trọng, không mang lại lợi ích thiết thực bằng việc thu hồi tài sản về cho Nhà nước. Việc tập trung thu hồi tài sản chiếm đoạt có ý nghĩa lớn hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng. Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, năm 2023, số tiền thu hồi từ các vụ án tham nhũng vượt 20.000 tỷ đồng, con số này năm 2024 tiếp tục tăng lên hơn 22.000 tỷ đồng.

ls-thanh-8900-7298-2.jpg
LS Giang Hồng Thanh tham gia tranh tụng tại tòa.

Về tính chất tội phạm, luật sư Giang Hồng Thanh nhận định, tội tham ô và nhận hối lộ thường không xâm phạm đến tính mạng, nhân phẩm con người hay an ninh quốc gia – là những khách thể pháp lý cần ưu tiên bảo vệ. Người phạm tội phần lớn là cán bộ từng có nhiều đóng góp, không phải những đối tượng mất hết nhân tính hay không còn khả năng cải tạo.

"Tôi cho rằng việc loại bỏ án tử hình đối với các tội danh tham ô tài sản, nhận hối lộ không giảm đi tính răn đe, trừng phạt đối với người phạm tội. Trên thực tế, rất hiếm trường hợp án tử hình đối với tội tham ô hay nhận hối lộ được thi hành", luật sư Thanh nói.

Vị luật sư cũng cho rằng áp dụng án tù chung thân không giảm án là hình phạt đủ nghiêm khắc. Giam giữ suốt đời, không có cơ hội khoan hồng, đó là một mức hình phạt rất nặng nề, đủ để răn đe và giáo dục.

Bên cạnh đó, ông luật sư Thanh nhấn mạnh để chống tham nhũng hiệu quả, không thể chỉ dựa vào hình phạt.

“Cải thiện đời sống, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho cán bộ, công chức, những người dễ trở thành chủ thể phạm tội, mới khiến họ không muốn làm sai để vụ lợi cá nhân", luật sư nói.