Hạn chế nhà đầu tư
Trở lại thời điểm phiên đấu giá đầu tiên của Vinamotor diễn ra vào hồi tháng 3/2014, với 51% cổ phần sở hữu Nhà nước tại Vinamotor, tương đương 51 triệu cổ phiếu đã thất bại khi chỉ bán thành công 3,1% cổ phần (trên 2 triệu cổ phiếu) với giá 10.000 đồng/cổ phần.
Tuy nhiên, tại phiên đấu giá lần 2 diễn ra vào ngày 11/1/2016 đã thành công vang dội khi toàn bộ toàn bộ tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vinamotor là 97,7% cổ phần (tương đương 85,58 triệu cổ phần) đã được chào bán với giá 14.612 đồng/cổ phần. Tổng giá trị thu về 1.250 tỷ đồng.
Được biết, nhà đầu tư mua cổ phần Vinamotor phải thỏa mãn 6 điều kiện: Là tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; Hoạt động trong cùng ngành hoặc ngành liên quan/hỗ trợ với ngành nghề hoạt động chính của Vinamotor; Đăng ký mua 100% số lượng cổ phần mà Nhà nước chào bán; Đặt cọc 10% giá trị giá tham chiếu hay 125 tỷ đồng trước khi đăng ký tham gia phiên đấu giá; Vốn điều lệ của tổ chức muốn mua 97,7% cổ phần tại Vinamotor lần này phải ít nhất là 926 tỷ đồng mà không có bất kỳ lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán tính đến ngày 30/6/2015; Cam kết nắm giữ số cổ phiếu này trong 5 năm.
Trong 6 tháng đầu năm nay, đã có ít nhất 4 tổ chức trong nước: TMT, SAM, Vinamco và Công ty cổ phần Phát triển TN bày tỏ mong muốn mua số cổ phần này.
Tuy nhiên, TMT, một doanh nghiệp sản xuất ô tô đã không đáp ứng yêu cầu về vốn điều lệ khi chỉ có 308 tỷ đồng.
Còn SAM (CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom) đã thông báo công ty rút khỏi phiên đấu giá. Nguyên nhân, SAM là nhà sản xuất cáp và bất động sản, không liên quan đến Vinamotor, do đó không đủ điều kiện tham gia đấu giá.
Đối với Vinamco có vốn điều lệ là 2.000 tỷ đồng, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực liên quan đến phân phối và dịch vụ ô tô, trong đó, thu nhập chính của công ty đến từ showroom Honda tại Tây Hồ, Hà Nội với diện tích 6.000m2.
Trong khi đó Công ty cổ phần Phát triển TN có vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng có địa chỉ tại quận Tây Hồ, Hà Nội, nếu so sánh với Vinamotor thì không bằng.
Chưa biết Vinamotor có là "món hời"?
Ngoài lĩnh vực chính là sản xuất và lắp ráp xe bus 23-52 chỗ và xe tải có trọng tải nhỏ dưới 10 tấn với thương hiệu Vinamotor và Transinco, Vinamotor còn kinh doanh ngoài ngành vào các công ty lữ hành và khách sạn. Tuy nhiên, mảng này đã ảnh hưởng đến lợi nhuận năm 2014 khi doanh thu hợp nhất và lợi nhuận sau thuế chỉ tương ứng là 823 tỷ đồng và 50 tỷ đồng.
Theo các hãng xe quốc tế, đầu tư vào dòng xe tải và xe bus có tỷ suất thấp, trong khi Vinamotor chú trọng vào các dòng xe này. Bên cạnh đó, Vinamotor lại có nhiều công ty con và đầu tư lĩnh vực ngoài ngành khiến thời gian tới Vinamotor sẽ phải mất nhiều công sức trong vài năm để tái cơ cấu, bán tài sản ngoài ngành để tái đầu tư vốn vào ngành kinh doanh chính.
Theo ước tính của CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC), doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Vinamotor sẽ vượt kế hoạch cả năm, doanh thu tăng 4,6%, tương ứng thu về 871 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng mạnh 42%, tương đương 72 tỷ đồng so với năm 2014.
Điều này dựa trên cơ sở 9 tháng đầu năm nay khi doanh thu của công ty đã đạt 633 tỷ đồng, hoàn thành 72% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 70 tỷ đồng, hoàn thành tới 97% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Sự phát triển của Vinamotor trong 5 năm gần đây
Tuy nhiên, thời gian tới có thuận lợi cho Vinamotor hay không? Theo HSC, tác động từ năm 2016 sẽ chưa có nhiều thuận lợi, theo HSC thì đây sẽ là năm khó tăng trưởng mạnh vì công ty đã đạt được sự tăng trưởng nhanh kể từ 6 tháng cuối năm 2014.
Hiện chưa rõ liệu Vinamotor có niêm yết hay không và thời gian niêm yết là khi nào. Đây sẽ là điều hạn chế khi đầu tư vào cổ phiếu Vinamotor.
Theo Bizlive