Bloomberg: Mỹ chặn G7 lên án Nga về cuộc tấn công ở Sumy

Moscow cho biết cuộc tấn công bằng tên lửa nhắm vào các sĩ quan quân sự cấp cao của Ukraine và nước ngoài.
Lính cứu hỏa dập tắt một đám cháy sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào Sumy, Ukraine vào ngày 13/4. Ảnh: Getty.

Theo các nguồn tin được Bloomberg trích dẫn, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 15/5 đã từ chối ủng hộ tuyên bố của G7 lên án cuộc tấn công bằng tên lửa gần đây của Nga nhằm vào thành phố Sumy của Ukraine.

Hôm đầu tuần này, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận đã phóng 2 tên lửa Iskander-M vào ngày hôm trước đó, nhắm vào một cuộc tụ họp của các nhân viên chỉ huy Ukraine và phương Tây, khiến ít nhất 60 quân nhân cấp cao thiệt mạng.

Tuy nhiên, chính quyền Ukraine tuyên bố rằng các tên lửa của Nga đã tấn công một buổi lễ trao giải thưởng quân sự, khiến 35 thường dân thiệt mạng và 129 người khác bị thương. Sau cuộc tấn công, Ukraine và một số bên ủng hộ nước này đã cáo buộc Nga cố tình nhắm vào thường dân và phá hoại các cuộc đàm phán hòa bình.

Theo Bloomberg, G7, do Canada chủ trì trong năm nay, đã soạn thảo một tuyên bố chung lên án cuộc tấn công vào Sumy nhưng chưa công bố do thiếu sự hỗ trợ của Mỹ. Trong bản dự thảo tuyên bố mà Bloomberg dẫn lại, nhóm này cho biết vụ tấn công là bằng chứng cho thấy Nga quyết tâm tiếp tục các hành động thù địch.

Bloomberg đưa tin rằng nhóm của ông Trump đã nói với G7 rằng họ không thể ký tuyên bố vì họ đang "làm việc để bảo vệ không gian đàm phán hòa bình".

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1, ông Trump đã thúc đẩy đưa cả Moscow và Kiev vào bàn đàm phán và đã nối lại các cuộc tiếp xúc trực tiếp với Nga để tạo điều kiện cho một thỏa thuận hòa bình.

Trong suốt cuộc xung đột ở Ukraine, Moscow vẫn khẳng định rằng họ không bao giờ nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov gần đây đã nhấn mạnh rằng Nga chỉ tấn công các mục tiêu quân sự.

Các quan chức Nga cũng tuyên bố rằng Moscow vẫn cởi mở với một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine nhưng nhấn mạnh rằng bất kỳ giải pháp nào cũng phải giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của nó.

Moscow đã yêu cầu Kiev phi quân sự hóa, phi phát xít hóa, từ bỏ tham vọng NATO của mình và tuân thủ lập trường trung lập, đồng thời công nhận "thực tế trên thực địa" về lãnh thổ.