Biệt đội gián điệp Đức Quốc xã của Mỹ

Vụ phanh phui đường dây gián điệp Nga cuối tháng 1 vừa qua đưa các cơ quan an ninh và tình báo Mỹ lên tình trạng báo động cao. Thực tế, Mỹ cũng đang không ngừng thực hiện hàng loạt chương trình do thám và tuyển mộ gián điệp mới nhằm “tấn công” Nga. 
Nhà báo Eric Lichtblau và cuốn sách “The Nazis next door”.
Nhà báo Eric Lichtblau và cuốn sách “The Nazis next door”.

Chuyện đấu tranh trên mặt trận tình báo của Nga - Mỹ diễn ra từ rất lâu và thương xuyên, hai bên đều sử dụng tất cả những thủ đoạn để thu thập tin tức. Thậm chí, thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ còn từng sử dụng 1.000 phần tử Đức Quốc xã để giúp thu thập tin tức tình báo của Liên Xô.

Hồ sơ giải mật của Mỹ mới được công bố đầu tháng 2 cho biết, Mỹ từng sử dụng 1.000 phần tử Đức Quốc xã như gián điệp hoặc nguồn cung cấp thông tin sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc. Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc tuyển mộ, lựa chọn từng đối tượng vào các vị trí hoặc vai đóng phù hợp.

Thông tin từ tờ Washington Post cho hay, vào thời kỳ cao trào của Chiến tranh lạnh trong những năm 1950, một số quan chức cấp cao của CIA và Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) gồm J.Edgar Hoover và Allen Dulles đã đề xuất về việc lợi dụng lòng căm thù Nga của các phần tử Đức Quốc xã để khống chế và buộc chúng làm gián điệp cho Mỹ.

Ngay sau khi kế hoạch được thông qua, CIA đã thuê cựu sĩ quan Đức Quốc xã Otto von Bolschwing làm trưởng nhóm do thám châu Âu. Otto von Bolschwing là người từng lên kế hoạch khủng bố người Do Thái và có tiếng nói trong số các phần tử Đức Quốc xã.

Tên này sau đó đã tập hợp cho CIA 16 phần tử Đức Quốc xã, trong đó có Aleksandras Lileikis, người có liên quan đến các vụ thảm sát hàng chục ngàn người Do Thái ở Lithuania. Những tên này được hứa tha tội và được bảo lãnh để đưa cả gia đình sang Mỹ vào những năm 1970.

Dựa vào 17 phần tử nói trên, CIA đã thiết lập một mạng lưới tình báo rộng lớn ở Đông Âu là đầu mối chính, cung cấp thông tin trực tiếp cho các nhân viên CIA. Làm việc cho 17 phần tử này là 1.000 phần tử Đức Quốc xã khác.

Trong suốt những năm 1950 và 1960, các điệp viên Đức Quốc xã đã thực hiện cho tình báo Mỹ nhiều điệp vụ cực kỳ nguy hiểm và bí mật.

Chẳng hạn, tại bang Maryland, quân đội Mỹ huấn luyện cho các sĩ quan Đức Quốc xã kỹ thuật chiến tranh du kích để đối phó với một cuộc tấn công của Nga.

Tại bang Connecticut, CIA giao cho một lính Đức nghiên cứu bí ẩn trong những con tem đến từ Liên Xô (cũ).

Tại Đức, các sĩ quan Đức Quốc xã xâm nhập vùng do Liên Xô kiểm soát để lắp dây cáp nghe lén lưu thông của tàu hỏa và giám sát địa hình… Phải đến cuối những năm 1970, hoạt động tình báo của các phần tử Đức Quốc xã trong CIA mới chấm dứt.

Theo giáo sư Richard Breitman, thuộc Trường Đại học American, những phần tử Đức Quốc xã bị CIA sử dụng phần lớn đã chết. Gần 20% trong số 1.000 tên đó đã được đưa sang Mỹ định cư. Một số khác thậm chí còn được CIA can thiệp để khỏi bị điều tra hoặc hầu tòa.

Như đối với trường hợp Otto von Bolschwing, khi điệp viên Eichmann bị tình báo Israel bắt tại Argentina, CIA đã che chở cho hắn khỏi sự truy đuổi của Mossad và giấu nhẹm cả mối quan hệ của tên này với Eichmann. Mãi đến năm 1981, do nhiều sức ép trong và ngoài nước, CIA mới để lộ danh tính của Otto von Bolschwing và tên này sau đó đã bị tước quốc tịch Mỹ.

Hay như Aleksandras Lileikis, khi được CIA tuyển làm tình báo viên ở Đông Đức, tên này đã thoát khỏi cuộc điều tra với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh…

Chưa hết, các tài liệu này còn cho thấy, khi đồng ý sử dụng các phần tử Đức Quốc xã, J Edgar Hoover còn thuyết phục được chính phủ Mỹ chi trả hàng trăm triệu USD (lấy tiền từ trợ cấp an sinh xã hội) cho những kẻ này và buộc báo chí nước này phải im lặng trước các thông tin có được.

Riêng đối với nhà báo cánh tả Charles Allen, vào năm 1968, khi ông viết những bài báo tố cáo tình trạng CIA sử dụng các phần tử Đức Quốc xã cho mục đích gián điệp, CIA đã phối hợp với FBI để giăng bẫy và buộc tội ông này đe dọa an ninh quốc gia.

Charles Allen sau đó đã bị bắt và bị cấm hành nghề. Sau đó, loạt bài phóng sự điều tra của hãng AP xung quanh việc Mỹ chi tiền cho các nghi phạm chiến tranh thế giới thứ 2 cũng bị can thiệp để không xuất bản.

Khi đó, các phóng viên của hãng AP đã phát hiện CIA bỏ túi hàng trăm triệu USD khi lấy số tiền trợ cấp cho các phần tử Đức Quốc xã sau khi chúng tự nguyện từ bỏ quyền công dân Mỹ hoặc sang quốc gia khác sinh sống.

Cũng theo nguồn tin từ tờ Washington Post, trước khi hồ sơ giải mật được công bố, nhà báo Eric Lichtblau thuộc tờ The Times đã cho xuất bản cuốn sách mang tên “The Nazis next door” (tạm dịch là “Đức Quốc xã ở bên cửa”).

Cuốn sách được hoàn thành dựa trên những tài liệu mà Eric Lichtblau thu thập được về việc CIA tuyển chọn các điệp viên là phần tử Đức Quốc xã. Ngoài ra, cuốn sách cũng bao gồm các lời kể, bài trả lời phỏng vấn của một số nhân vật này, từ đó phơi bày những thủ đoạn móc nối và hoạt động của CIA dưới thời Chiến tranh lạnh.

Theo: CAND