|
Cấp cứu bệnh nhân nhiễm biến chủng Lambda ở Bogota, Colombia (Ảnh: FT). |
Biến thể virus Lambda là gì?
Biến thể Lambda của SARS-CoV-2, còn được gọi là C.37, được phát hiện lần đầu tiên ở Peru vào tháng 12/2020. Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi giữa tháng 6/2021 cho thấy kể từ tháng 4 đến nay, 81% các trường hợp COVID-19 được phát hiện ở Peru có liên quan đến biến thể Lambda. Tờ Financial Times của Anh đưa tin, khi biến thể virus Lambda mới được phát hiện, biến thể virus này chỉ chiếm 1/200 mẫu lây nhiễm COVID-19 ở Lima, thủ đô của Peru.
Hiện tại, các trường hợp biến thể Lambda đã được tìm thấy ở 31 quốc gia trên thế giới, trong đó có sáu quốc gia Nam Mỹ khác như Chile và Argentina... Mỹ, Mexico, Vương quốc Anh, Tây Ban Nha và Đức.
Tổ chức Y tế Thế giới ngày 14/6, đã liệt kê Lambda là một “variant of interest” (biến thể virus đáng quan tâm) tuyên bố rằng cần nghiên cứu và đánh giá thêm để xác định liệu Lambda sẽ phát triển thành một "variant of concern" (biến thể gây lo ngại) hay không?
|
SARS-CoV-2 dưới ống kính hiển vi (Ảnh: AFP). |
“Variant of interest” so với “variant of concern”
Kể từ khi bùng phát dịch bệnh COVID-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019, với sự gia tăng số lượng người nhiễm và sự lan truyền của dịch, SARS-CoV-2 đã liên tục biến đổi. Nhiều biến thể virus không gây hại nhiều hơn cho con người, nhưng cũng có một số biến thể vi rút sẽ làm gia tăng đáng kể khả năng lây truyền và khả năng gây bệnh, hoặc làm giảm hiệu quả của các biện pháp điều trị y tế công cộng hoặc các loại vaccine COVID-19 hiện có.
Các biến thể vi rút đáp ứng ba điều kiện nêu trên sẽ được liệt kê là “variant of concern” (biến thể virus gây lo ngại). Hiện có 4 loại vi rút được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào danh sách “variant of concern”, trong đó có biến thể Delta có khả năng lây truyền cao xuất hiện ở Ấn Độ và đã lây lan sang hơn 90 quốc gia và khu vực trên thế giới.
Nếu các biến thể virus chỉ gây ra sự lây truyền trong cộng đồng hoặc lây lan ở nhiều quốc gia và khu vực, chúng được phân loại là “Variant of interest” (biến thể virus đáng chú ý). WHO hiện liệt kê bốn biến thể của SARS-CoV-2, bao gồm cả Lambda, là “Variant of interest”. Loại biến thể này có thể phát triển thành một “variant of concern” (biến thể virus gây lo ngại) hoặc có thể không.
Có phải Lambda lây nhiễm mạnh hơn không?
Theo WHO, một số đột biến có trong Lambda có thể “có khả năng làm tăng khả năng lây truyền hoặc có thể làm tăng khả năng chống lại các kháng thể trung hòa”. Kháng thể trung hòa là kháng thể được sinh ra để bảo vệ tế bào khỏi sự xâm nhập của một số kháng nguyên hoặc nguồn lây nhiễm.
Tiến sĩ Amesh A. Adalja, một học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế của Đại học Johns Hopkins, nói với VOA rằng "protein đột biến của biến thể virus Lambda có một số đột biến mới, có thể sẽ tăng cường khả năng lan truyền của nó".
Các nhà nghiên cứu cho rằng protein đột biến của Lambda xuất hiện nhiều đột biến bất thường, bao gồm một đột biến được gọi là L452Q. Loại này tương tự như đột biến L452R xảy ra trên biến thể Delta, được cho là có khả năng tăng cường sự lây lan của chủng virus này. Một đột biến khác trên Lambda được gọi là F490S được cho là nguyên nhân làm suy giảm khả năng trung hòa của các kháng thể vật chủ.
Tuy nhiên, liệu chủng đột biến Lambda này có khả năng lây nhiễm mạnh hơn hay có khả năng gây bệnh cao hơn hay không thì còn cần phải nghiên cứu và xác minh thêm.
Jairo Mendez-Rico, nhà virus học của WHO, nói với giới truyền thông: "Hiện nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy biến thể virus Lambda có khả năng tấn công mạnh hơn. Nó có thể cho thấy tỷ lệ lây nhiễm cao hơn, nhưng so với các biến thể virus Gamma hoặc Delta thì chúng tôi chưa có đủ dữ liệu đáng tin cậy”.
|
Tiêm vaccine là cách tốt nhất để ngăn chặn lan truyền SARS-CoV-2 (Ảnh: WHO). |
Các loại vaccine hiện có có hiệu quả đối với biến chủng Lambda không?
Hiện nay chưa có đủ nghiên cứu để chỉ ra liệu các loại vaccine hiện có có hiệu quả chống lại biến thể Lambda hay không.
Các nhà nghiên cứu Chile trong một bài báo chưa được các đồng nghiệp khác đánh giá, nói rằng đột biến tạo ra bởi protein đột biến Lambda có khả năng “immune escape” (thoát miễn dịch) cao hơn đối với các kháng thể trung hòa được tạo ra bởi vaccine Sinovac của Trung Quốc. Tuy nhiên, bài báo được xuất bản trên MedRxiv đã không khảo sát hiệu quả của các loại vaccine khác đối với biến chủng Lambda.
Một bài báo chưa được đánh giá khác của các nhà nghiên cứu tại Trường Y Đại học New York được công bố trên BioRxiv cho thấy rằng các vaccine axit ribonucleic (mRNA) của Pfizer và Moderna vẫn có hiệu quả chống lại biến chủng Lambda. Bài báo nói rằng mặc dù Lambda "cho thấy khả năng đề kháng một phần" đối với các kháng thể do vaccine tạo ra, nhưng sự kháng thuốc này "không có khả năng làm mất đi đáng kể khả năng bảo vệ (cơ thể) khỏi bị lây nhiễm".
|
Các nhà khoa học Anh đã phát hiện những đột biến bất thường ở biến chủng Lambda (Ảnh: Yahoo). |
Liệu có cần phải lo lắng về Lambda?
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hiện vẫn chưa liệt kê Lambda là một “Variant of interest” (biến thể virus đáng chú ý) của SARS-CoV-2, nhưng cơ quan này chỉ ra rằng virus đang tiếp tục đột biến và CDC đang thông qua giải trình tự, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và điều tra dịch tễ học để theo dõi và giám sát các biến thể của virrus và các chủng đột biến xuất hiện ở Mỹ.
Hiện nay, biến thể virus Delta vẫn là chủng vi rút lưu hành chính và gây ra nhiều lo ngại hơn. Tại Mỹ, cứ bốn trường hợp mới được xác nhận mới nhiễm COVID-19 thì có một trường hợp bị nhiễm biến thể Delta.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng, sự xuất hiện và lây lan của biến thể virus Lambda đã càng làm nổi bật tầm quan trọng của việc tiêm phòng vaccine.
Tiến sĩ Amesh A. Adalja ở Đại học Johns Hopkins cho biết: "Các loại vaccine chính đang được sử dụng hiện nay dường như vẫn có hiệu quả. Mặc dù vẫn chưa rõ liệu Lambda có nguy hiểm hơn hay không, nhưng sự phát triển của biến chủng này nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng".
(Theo VOA)