Biển Đông: Yêu sách của Trung Quốc không hề có căn cứ lịch sử

VietTimes -- Một nhà địa lí uy tín người Anh khẳng định những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và việc tạo lập khu vực duyên hải của nước này dựa trên những sự kiện của thế kỷ XX, từ cuộc khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn đến sự thất bại của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai, chứ không phải bắt nguồn từ lịch sử lâu đời của nhà nước phong kiến Trung Quốc.
Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép với đường băng, nhà chứa máy bay và các công trình quân sự

Trang Học viện Hải quân Mỹ ghi nhận khẳng định này dấy lên một số câu hỏi nóng từ phía công chúng. Trước câu hỏi cho rằng những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là hợp lệ vì họ luôn tuyên bố ngang nhiên rằng “những lãnh thổ này từ trong lịch sử đã là của chúng ta” - Bill Hayton, một học giả tại Chatham House ở London và là tác giả của cuốn “Biển Đông, cuộc cạnh tranh quyền lực ở châu Á” cho rằng “một trăm năm trước, người dân Trung Quốc chắc chắn sẽ không cảm thấy như vậy”. Với phần lớn lịch sử Trung Quốc, Biển Đông được coi là “địa phận của cướp biển”.

Phát biểu tuần trước tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ ở Washington D.C, ông Hayton bổ sung thêm, hiện nay “trẻ em Trung Quốc được dạy rằng Bãi ngầm James (Trung Quốc gọi là Tăng Mẫu) là phần lãnh thổ xa nhất về phía nam của Trung Quốc.” Bãi ngầm này nằm dưới nước và đang bị tranh chấp bởi ba nước cùng tuyên bố chủ quyền là Trung Quốc, Đài Loan và Malaysia. Bãi ngầm này nằm cách xa bờ biển Trung Quốc hơn 1000 dặm trong khi chỉ cách bờ biển Malaysia vỏn vẹn 50 dặm.

Trả lời câu hỏi liệu truyền thông có làm gia tăng căng thẳng về các tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông hay không, ông Hayton cho rằng: “Câu chuyện vốn bắt nguồn từ một tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc từ đầu thế kỷ XX liên quan tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản và Pháp đã biến thành vấn đề nước nào có ảnh hưởng mạnh nhất trong khu vực, Mỹ hay Trung Quốc”.

Trung Quốc đã triển khai tên lửa chống hạm YJ-62, chiến đấu cơ J-11B ra đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, quân sự hóa Biển Đông nhưng lại đổ lỗi cho Mỹ và nước khác leo thang căng thẳng

Ông Hayton cho rằng phán quyết gần đây của Tòa Trọng tài quốc tế đối với Trung Quốc nằm trong các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển cho rằng Trường Sa không phải là quần đảo. “Không hề có ghi chép nào về những gia đình Trung Quốc định cư trên quần đảo này.” Trong khi Công ước cho rằng “phải có người sinh sống được” thì mới gọi là đảo, do đó các thực thể địa lý ở Trường Sa không phải là đảo theo nghĩa này.

Ông Hayton bổ sung thêm rằng Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên ủng hộ mạnh mẽ Công ước này để ngăn chặn các nước không tự do tuyên bố chủ quyền như những gì nước này tuyên bố với bãi cạn Scarborough.

Ông Hayton cho biết lần đầu tiên cụm từ “đường chín đoạn” xuất hiện trong một tài liệu chính thức là năm 1946, bao gồm cả quần đảo Trường Sa trong một tấm bản đồ năm 1947. Thời điểm trên Trung Quốc đang bám vào Hiệp ước Đồng minh nói rằng “mọi phần lãnh thổ Nhật Bản chiếm của Trung Quốc sẽ phải hoàn trả lại”. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: “Biên giới của Trung Quốc nằm ở đâu?”

Học giả Hayton nêu rõ, cho dù Trung Quốc không có quá nhiều công việc ở Biển Đông và ngư dân nước này cũng không liên tục lui tới các rặng san hô và bãi ngầm, Trung Quốc bắt đầu vẽ các tấm “bản đồ tủi nhục quốc gia” trong giai đoạn những thập kỷ đầu thế kỷ XX. Những tấm bản đồ này nhận vơ rằng các thực thể trên biển do Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines tuyên bố chủ quyền đều nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Cái gọi là “đường chín đoạn” đã bị chuyển dịch vài lần nhằm mục đích khiến cho vùng lãnh thổ này có vẻ tiếp giáp phần lãnh thổ thuộc kiểm soát của Trung Quốc.

Theo ông Hayton, các quan chức triều đình Trung Quốc đầu thế kỷ XX đã đưa ra những tuyên bố đầu tiên này là nhằm thể hiện quan điểm nước này sẵn sàng đương đầu với nước ngoài. Chính quyền phong kiến nhà Thanh lúc bấy giờ cố gắng giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ của mình, thường là những đảo gần đất liền và củng cố sự ủng hộ của người dân trong nước.

Sau đó, giới chức nước Trung Quốc sau này tiếp tục thực hiện những bước đi nói trên bằng cách “cắm cờ” trên quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và thể hiện với Nhật Bản và bất kỳ nước nào không tôn trọng cái gọi là “chủ quyền và tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc”.