|
Chiến đấu cơ Su-27 của quân đội Trung Quốc |
Biển Đông: Trung Quốc treo “gươm Damocles”, Việt Nam nắm quân bài ADIZ
(tiếp theo kỳ trước)
Khi nào Trung Quốc lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông?
Quyết định tuyên bố ADIZ của Trung Quốc chỉ được đưa ra khi nước này tính toán kỹ càng chi phí- lợi ích. Nếu Trung Quốc có kế hoạch tuyên bố ADIZ trên Biển Đông, nước này sẽ chỉ tuyên bố khi lợi ích dự kiến lớn hơn chi phí dự kiến. Lợi ích chủ yếu thu được từ những tiện ích mà ADIZ mang lại, còn chi phí lại phần lớn phụ thuộc vào phản ứng quốc tế. Các trường hợp như cuộc khủng hoảng Triều Tiên khiến Mỹ phải phụ thuộc vào sự ủng hộ của Trung Quốc hay phán quyết của tòa án quốc tế về tranh chấp trên Biển Đông cũng ảnh hưởng đến việc phân tích chi phí-lợi ích. Những sự kiện quốc tế này, hoặc có thể trói chặt tay các đối thủ của Trung Quốc, hoặc cho phép các nước này quyết đoán hơn trên Biển Đông. Những sự kiện đó cũng có thể thay đổi các giá trị quân sự, chính trị, pháp lý và ngoại giao mà Trung Quốc có thể rút ra từ việc thiết lập ADIZ Biển Đông.
Trong khi lợi ích được cho là đã ít nhiều rõ ràng với Trung Quốc thì chi phí vẫn là một vấn đề còn nhiều điều không chắc chắn. Rất khó để biết nước khác sẽ phản ứng như thế nào và Trung Quốc cũng có thể hiểu sai các tín hiệu từ các nước khác. Với những người quan sát từ bên ngoài, việc dự đoán về khả năng và thời điểm Trung Quốc tuyên bố vùng ADIZ trên Biển Đông là một việc chắc chắn sẽ thất bại. Tuy nhiên, vẫn có thể xác định được một vài nhân tố sẽ có ảnh hưởng đến quyết định của Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc muốn sử dụng vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông cho mục đích quân sự (cơ chế cảnh báo sớm và khu vực chống tiếp cận), việc thực thi một cách có hiệu quả là yêu cầu quan trọng. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết và việc triển khai những thiết bị cần thiết là dấu hiệu quan trọng để xác định thời điểm Trung Quốc tuyên bố ADIZ. Trung Quốc cũng có thể chính thức tuyên bố ADIZ khi nước này đã sẵn sàng thực thi. Nhưng nếu các tình huống không thuận lợi, nước này có thể sẽ thiết lập cơ chế cảnh báo sớm và khu vực loại trừ dưới những cái tên khác thay vì ADIZ, hoặc Trung Quốc cũng có thể thực thi chúng mà không công bố trên thực tế.
Nếu Trung Quốc sử dụng vùng nhận diện phòng không như công cụ để ‘đánh dấu chủ quyền’ (để đăng ký chủ quyền trên Biển Đông trái phép và giành lấy sự công nhận hay sự phục tùng quốc tế), một quân bài mặc cả hoặc một công cụ phát tín hiệu, việc tuyên bố ADIZ sẽ quan trọng hơn việc thực thi nó. Lợi ích của ADIZ trong những khía cạnh này có nhiều tiềm năng nhưng nguy hiểm đi liền với việc tuyên bố cũng rất lớn. Những mối nguy hiểm này lớn hơn nguy hiểm từ việc tuyên bố ADIZ trên Biển Hoa Đông. Vì tranh chấp trên Biển Đông liên quan đến nhiều bên, việc tuyên bố ADIZ trên Biển Đông sẽ khiến nhiều nước chống lại Trung Quốc.
Trong khi ADIZ trên biển Hoa Đông khiến cả thế giới kinh ngạc thì ADIZ trên Biển Đông sẽ không như vậy. Điều đó có nghĩa là các đối thủ của Trung Quốc không chỉ có thời gian suy nghĩ về cách phản ứng hiệu quả nhất mà còn có thể gây áp lực lên Trung Quốc để ngăn chặn ADIZ trên Biển Đông. Tuy nhiên những rủi ro này có thể tạm thời giảm xuống khi các đối thủ của Trung Quốc cần nước này hợp tác trong vấn đề khác được ưu tiên hơn. Trong một vài tình huống, ADIZ cũng có thể trở thành con bài mặc cả hoặc một dấu hiệu chứng tỏ sự quyết tâm của Trung Quốc. Những thời điểm đó sẽ là cơ hội tốt nhất để Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên Biển Đông.
Phạm vi và quy mô của ADIZ Biển Đông
Nếu Trung Quốc thiết lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông, phạm vi lớn nhất có thể là nằm trong cái gọi là « đường chín đoạn ». Nếu lớn hơn sẽ kích động thêm rất nhiều sự phản đối trong khi lợi ích mang lại lại không đáng kể hơn là bao. Tỷ lệ chi phí-lợi ích của ADIZ sẽ tùy thuộc vào phạm vi của tuyên bố. Về cơ bản, Trung Quốc có sáu sự lựa chọn cho phạm vi của ADIZ trên Biển Đông.
Phạm vi vùng nhận diện phòng không nhỏ nhất sẽ bao phủ quần đảo Hoàng Sa và có thể thêm một phần hoặc toàn bộ đảo Hải Nam. Với kích thước như vậy, ADIZ sẽ gặp ít sự phản đối nhất. Trung Quốc sẽ chỉ phải đối mặt với sự phản đối từ Mỹ và Việt Nam (Việt Nam mới thực sự là quốc gia có chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa), nhưng sẽ tránh được những sự đáp trả mạnh mẽ từ các nước khác.
Kịch bản thứ hai là Trung Quốc tuyên bố vùng nhận diện phòng không dọc theo bờ biển ở Biển Đông của nước này, tức là không chỉ bao gồm quần đảo Hoàng Sa mà còn cả quần đảo Pratas (còn gọi là Đông Sa) cách Hong Kong 180 hải lý về phía đông nam. Đông Sa hiện do Đài Loan quản lý, do đó việc tuyên bố ADIZ bao gồm cả quần đảo này sẽ không chỉ làm tăng số đối thủ mà còn vô tình tạo cơ hội cho Đài Loan tăng vị thế trên trường quốc tế.
Kịch bản thứ ba là ADIZ sẽ trải rộng từ bờ biển phía Nam Trung Quốc, bao gồm quần đảo Đông Sa, quần đảo Hoàng Sa và bãi cạn Scarborough, cách bờ biển Philippines 100 hải lý. Vùng nhận diện phòng không này chắc chắn sẽ gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ, Việt Nam, Đài Loan và Philippines.
Kịch bản thứ tư là ADIZ sẽ chỉ bao gồm quần đảo Hoàng Sa và bãi cạn Scarborough. Điều này có thể tránh khiêu khích Đài Loan nhưng vẫn khiến các nước Mỹ, Việt Nam và Philippines phản đối.
Sự lựa chọn thứ năm là một vùng nhận diện phòng không bao gồm tất cả những vùng biển mà Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông: quần đảo Đông Sa, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, bãi cạn Scarborough và các vùng biển xung quanh các quần đảo này. Với phạm vi như vậy, ADIZ sẽ gặp phải sự phản đối của nhiều đối thủ nhất nhưng đồng thời cũng mang lại lợi ích nhiều nhất so với các sự lựa chọn khác. Trung Quốc có thể loại quần đảo Đông Sa ra khỏi ADIZ, nhưng kể cả với kích thước nhỏ nhất cũng không tránh được sự phản đối của Đài Loan vì Đài Bắc vẫn liên quan đến đảo Ba Bình trên quần đảo Trường Sa.
Kịch bản cuối cùng của Trung Quốc là tuyên bố vùng nhận diện phòng không trên quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough, không bao gồm quần đảo Hoàng Sa. Tất cả các bên yêu sách trên Biển Đông đều liên quan tới quần đảo Trường Sa, do đó với vùng ADIZ này, Trung Quốc sẽ gặp phải sự phản đối của nhiều nước nhất. Tuy nhiên, nó có thể giúp giảm thiểu các nguy cơ bằng việc tránh vùng nhận diện phòng không mà Việt Nam có thể tuyên bố trên quần đảo Hoàng Sa. ADIZ của Việt Nam bao gồm quần đảo Hoàng Sa có thể coi như sự đánh dấu chủ quyền cho phép Việt Nam thực hiện một số dạng thức thể hiện quyền chủ quyền và quản lí trên khu vực mà Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng nhưng vẫn khăng khăng một mực không thừa nhận đang có tranh chấp.
‘Lằn ranh đỏ’ hay ‘lằn ranh cam’?
Nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ sẽ đây cũng không phải là ADIZ đầu tiên trên Biển Đông. Trong chiến tranh lạnh, Philippines đã thiết lập vùng nhận diện phòng không vào năm 1953 và ADIZ của chính quyền Sài Gòn cũng tồn tại cho đến tận khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975. Tuy nhiên, ADIZ của Philippines không hề hoạt động, trong khi ADIZ của chính quyền Sài Gòn không tồn tại.
Ngược lại, ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông lại được coi là rất nguy hiểm và không thể chấp nhận được. Nhà ngoại giao quốc phòng hàng đầu Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn rằng “ADIZ thậm chí còn nguy hiểm hơn cả «đường chín đoạn” vì nó có thể đi kèm với nhiều luật lệ hơn đường chín đoạn. Tướng Vịnh cho rằng ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông là điều không thể chấp nhận được với Việt Nam.
Ngoại trưởng Philippines Alberto del Rosario cũng có lời phát biểu tương tự như thế nhưng thẳng thắn hơn trong cuộc họp bào chung với người đồng cấp cuả Anh hồi tháng 1/2016: “Cho dù vùng nhận diện phòng không của Trung Quốc trên Biển Đông được thực hiện trên thực tế hay chỉ là một tuyên bố chính thức thì đều không thể chấp nhận được với chúng tôi”.
Cũng trong buổi họp báo đó, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cũng tuyên bố: “Tự do hàng hải và hàng không là vấn đề không thể thương lượng. Đó là lằn ranh đỏ đối với chúng tôi.” Lập trường chính thức của Mỹ là “Thiết lập ADIZ trên Biển Đông là hành động khiêu khích và gây mất ổn định khu vực.” Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã liên tục kêu gọi Trung Quốc không tuyên bố vùng nhận diện phòng không tại đây. Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cũng kêu gọi Trung Quốc không thiết lập ADIZ trên Biển Đông. Vào tháng 6/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Feng Shih-kuan đã nói với các nhà lập pháp rằng: “Chúng ta sẽ không công nhận bất kỳ ADIZ nào của Trung Quốc.”
Trong khi một vài nước chắc chắn sẽ thách thức ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông bằng cách này hay cách khác, thì vẫn không rõ liệu ADIZ có phải là “lằn ranh đỏ”, nếu vượt qua sẽ gây nên sự phản công dữ dội hay không. Tuy nhiên các phản ứng quốc tế đối với ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông chắc chắn sẽ đáng sợ hơn trên biển Hoa Đông. Có thể coi phản ứng của các nước đối với ADIZ trên Biển Hoa Đông chỉ là thẻ vàng. Nhưng ADIZ trên Biển Đông cũng chưa đạt tới mức “lằn ranh đỏ”, do đó có thể gọi nó là “lằn ranh cam”. Ở mức này, lằn ranh cam đại diện cho một bước ngoặt giữa một bên là có thể chấp nhận được và một bên là không, nhưng phản ứng với những điều không thể chấp nhận được có thể rất đáng sợ.
* Bài viết trên National Interest của tác giả Alexander L.Vuving- giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á- Thái Bình Dương Daniel K.Inouye.