Vào ngày Bộ quốc phòng Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố: “Trung Quốc sẽ thiết lập một vùng nhận diện phòng không khác vào thời điểm thích hợp sau khi chuẩn bị xong”.
Kể từ đó, các tuyên bố chính thức của cả Bộ Ngoại giao lẫn Bộ quốc phòng Trung Quốc đều không loại trừ khả năng thiết lập ADIZ trên Biển Đông, luôn khẳng định rằng việc thiết lập vùng nhận diện phòng không là quyền của Trung Quốc như một quốc gia có chủ quyền (ở Biển Đông. Trên thực tế Trung Quốc là nước nhảy vào, dùng vũ lực xâm chiếm các thực thể địa lý ở khu vực).
Thêm vào đó, các nguồn thông tin thân cận với quân đội Trung Quốc thi thoảng lại bắn tin với các nhà báo nước ngoài rằng Trung Quốc đã lên kế hoạch và sẵn sàng xây dựng ADIZ trên Biển Đông. Vào đầu năm 2016, Đại tá hải quân Liang Fang, một nhà chiến lược nổi tiếng ở Đại học Quốc phòng quốc gia Trung Quốc đã công khai thúc giục quân đội Trung Quốc tuyên bố vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông. Tất cả những tuyên bố trên có thể là những nỗ lực có chủ ý nhằm lừa gạt các đối thủ của Trung Quốc, nhưng khả năng Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên Biển Đông là hoàn toàn có thật.
Liệu Trung Quốc có thiết lập ADIZ ở Biển Đông?
Nếu có, khi nào nước này sẽ triển khai, với phạm vi và quy mô ra sao? Những câu hỏi này được đưa ra vô số lần kể từ tháng 11/2013. ADIZ trên Biển Đông lại một lần nữa trở thành vấn đề nóng sau bài bình luận của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc về phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực về Biển Đông.
Nếu coi ADIZ trên Biển Đông là chú chó vẫn chưa sủa, thì sẽ có ba trường hợp như sau:
Trường hợp đầu tiên là cuối cùng chú chó cũng phải sủa. Hầu hết các nhà quan sát đều tin rằng tuyên bố vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông đối với Trung Quốc chỉ là vấn đề thời gian. Hai lí do chính để ủng hộ quan điểm này là: thứ nhất, những tuyên bố chính thức của Trung Quốc đều cho thấy nước này đã lên kế hoạch cho ADIZ trên Biển Đông và sẽ thực hiện vào thời điểm chín muồi; thứ hai, các thiết bị mà Trung Quốc xây dựng các hòn đảo còn đang tranh chấp ở Biển Đông quá lớn so với nhu cầu của cộng đồng khu vực.
Một số thiết bị này bao gồm bốn đường băng dài 3.000m ở Đảo Phú Lâm, đá Subi, đá Chữ thập và đá Vành Khăn cùng trạm radar cao tần trên đá Châu Viên. Trung Quốc đã triển khai tên lửa phòng không tầm xa trên đảo Phú Lâm, có thể bắn xa tới 200km. Trong con mắt của nhiều chuyên gia, phần lớn các cơ sở hạ tầng và hệ thống vũ khí này là để hỗ trợ cho vùng nhận diện phòng không trong tương lai.
Nhưng trường hợp thứ hai là ADIZ trên Biển Đông cũng có thể là chú chó không bao giờ sủa. Kể cả khi Trung Quốc đã có kế hoạch sẵn sàng triển khai thì thời cơ sẽ chẳng bao giờ là chín muồi để nước này đưa ra tuyên bố chính thức. Ít nhất có 4 luận điểm có thể hỗ trợ cho khả năng này.
Thứ nhất, theo David Welch, “Trung Quốc có thể rút kinh nghiệm từ chính ADIZ trên biển Hoa Đông vì đây là việc làm chẳng bõ công. Việc tuyên bố ADIZ trên Biển Đông sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia Trung Quốc, an toàn hàng không và niềm tin quốc tế vào những phán quyết của Bắc Kinh. Rất có khả năng nước này sẽ kích thích các bên tuyên bố chủ quyền khác tự tuyên bố vùng ADIZ của riêng mình”. Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại nghi ngờ liệu Trung Quốc có thực sự rút được bài học kinh nghiệm theo cách đó hay không. Nhìn lại vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông, Zhu Feng cho rằng lợi ích mà nó mang lại lớn hơn rủi ro.
Thứ hai, vùng nhận diện phòng không có thể hủy hoại sự mơ hồ trong các tuyên bố của Trung Quốc trên Biển Đông. Tính mơ hồ được cho là phục vụ rất tốt cho lợi ích của Trung Quốc, do đó Trung Quốc sẽ phải nghĩ thật kỹ trước khi tuyên bố thiết lập ADIZ trên Biển Đông.
Thứ ba, một vài đối thủ của Trung Quốc đang nắm những quân bài có thể ngăn Trung Quốc không tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Quân bài hiệu quả nhất chính là việc Việt Nam tuyên bố thiết lập ADIZ trên quần đảo Hoàng Sa. Lập ADIZ có thể tái thiết lập một dạng thức quản lý của Việt Nam đối với quần đảo này. Trung Quốc cũng có thể bị ngăn chặn bởi nguy cơ Việt Nam thực hiện các hành động pháp lí chống lại Trung Quốc hoặc Việt Nam và Philippines cho phép quân đội Mỹ qua lại các khu vực chiến lược trên Biển Đông như vịnh Cam Ranh và Đà Nẵng ở Việt Nam hoặc vịnh Ulugan, vịnh Subic và tỉnh Zambales ở Philippines.
Thứ tư, Trung Quốc có thể sử dụng giả thuyết về việc thiết lập ADIZ trên Biển Đông như biện pháp ngăn chặn những thách thức tiềm ẩn từ các bên yêu sách khác. Nếu ADIZ thực sự mang lại hiệu quả khi nó chưa cần ra đời, sẽ tốt hơn nếu Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ như vậy.
Trường hợp cuối cùng, ADIZ trên Biển Đông có thể trở thành chú chó sủa dưới vỏ bọc của một loài khác. Việc ngụy trang này có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Trung Quốc có thể sẽ thiết lập một hoặc vài dạng khu vực miễn trừ mà không cần gọi là ADIZ.
Thay vào đó, nó có thể gần giống hoặc thực tế chính là ADIZ tuy không tuyên bố nhưng vẫn thực thi. Theo thẩm phán Philippines Antonio Carpio, Trung Quốc đã thực thi có hiệu quả một khu vực gần giống như ADIZ ở Biển Đông bằng việc cảnh cáo các máy bay của Philippines bay qua quần đảo Trường Sa thông qua radio “hãy tránh xa khu vực này ra”. Những cảnh cáo tương tự cũng được chuyển tới các máy bay quân sự và dân sự từ các quốc gia khác, bao gồm Mỹ và Úc. Gần đây, vùng gần giống ADIZ của Trung Quốc có vẻ như đã trải rộng hơn 20 hải lý tính từ bờ biển của một số thực thể nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc.
Tại sao Trung Quốc cần thiết lập ADIZ?
Câu hỏi liệu Trung Quốc có thiết lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông hay không chỉ có thể trả lời được đầy đủ nếu hiểu được tại sao Trung Quốc cần ADIZ trong vùng biển này.
Tuy nhiên ích lợi của ADIZ lại là một trong những vấn đề được thảo luật ít nhất. Xu hướng chung là giả định đơn giản rằng ADIZ chính như cái tên gọi của nó, là một không phận quân sự hay một công cụ quân sự để kiểm soát lãnh thổ. Nhưng lợi ích mà ADIZ mang lại còn vượt ra ngoài lĩnh vực quân sự và ADIZ không cần phải thực thi một cách có hiệu quả mới có thể mang lại lợi ích cho quốc gia tuyên bố thiết lập. Cùng với các công cụ chính sách khác, ADIZ có thể thực hiện các chức năng chính trị, ngoại giao và pháp lí.
Vùng nhận diện phòng không có thể thực hiện một hay nhiều chức năng trong sáu chức năng của nó. Hai trong số đó (cơ chế cảnh báo sớm và khu vực miễn trừ) yêu cầu thực thi một cách có hiệu quả, trong khi ba chức năng còn lại (đánh dấu chủ quyền, con bài mặc cả và công cụ phát tín hiệu) lại dựa nhiều hơn vào tuyên bố chính thức. Chức năng cuối cùng là răn đe lại chỉ có thể hoạt động khi không đưa ra tuyên bố gì liên quan đến ADIZ.
Thứ nhất, ADIZ là một cơ chế cảnh báo sớm. Đây là mục đích ban đầu mà Mỹ đã lập vùng nhận diện phòng không đầu tiên trong Chiến tranh lạnh. Mỹ làm như vậy để giảm nguy cơ tấn công bất ngờ trên không từ Liên Xô. Trung Quốc hiện nay có thể lo lắng về các hoạt động gián điệp của Mỹ hơn là một cuộc tấn công bất ngờ từ Mỹ hoặc các nước láng giềng trên Biển Đông. Nếu Trung Quốc muốn giảm các hoạt động trinh sát của Mỹ dọc bờ biển, khả năng thực thi ADIZ sẽ quan trọng hơn là một tuyên bố chính thức, vì Mỹ đã tuyên bố nước này sẽ không công nhận hay chấp nhận vùng nhận diện phòng không của Trung Quốc.
Thứ hai, ADIZ là một khu vực loại trừ. ADIZ có thể cung cấp cơ sở pháp lí cho việc từ chối tiếp cận các máy bay nước ngoài qua lại trong khu vực xác định. ADIZ của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông thậm chí còn yêu cầu các máy bay quá cảnh không phận quốc tế và không thuộc không phận Trung Quốc cũng phải tự khai báo kế hoạch bay.
Thứ ba, ADIZ là công cụ đánh dấu chủ quyền. Cho dù ADIZ không phải là tuyên bố lãnh thổ, nó có thể được sử dụng để thực hiện một số hành vi thuộc quyền chủ quyền và quản lí trên không phận lãnh thổ. Việc các máy bay nước ngoài chấp nhận hay phục tùng vùng ADIZ có thể được coi là công nhận việc thực thi chủ quyền lãnh thổ của nước tuyên bố ADIZ.
Trong khi vùng nhận diện phòng không có thể được thực thi để thực hiện chức năng là một công cụ cảnh báo sớm hoặc một khu vực loại trừ, nó cũng không cần quá nhiều hành động thực thi như để thực hiện chức năng công cụ đánh dấu chủ quyền. Một vài hành động đơn giản cũng đã có thể coi là thực thi chủ quyền và cũng không biện pháp nào được yêu cầu thực thi để được các nước khác công nhận.
Thứ tư, ADIZ là công cụ mặc cả. ADIZ có thể giúp các quốc gia tăng cường vị thế trong ván cờ với các nước khác. Ví dụ, ADIZ của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông đã củng cố vị thế của Trung Quốc so với Nhật Bản trong tranh chấp trên quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Nó cung cấp cơ sở pháp lí cho Trung Quốc trong việc cho máy bay chiến đấu đối phó máy bay của Nhật Bản trong khu vực và mở rộng vùng tranh chấp từ vùng biển lân cận đảo đến không phận trên lãnh thổ. ADIZ trên Biển Hoa Đông cũng giúp Trung Quốc tạo ra một nguyên trạng mới trong khu vực.
Thứ năm, ADIZ là một công cụ phát tín hiệu. ADIZ có thể được sử dụng để báo hiệu một thứ gì đó quan trọng về quốc gia tuyên bố ADIZ. Đối tượng của thông báo này có thể là công chúng trong nước hoặc quốc tế hoặc cả hai. Tuyên bố ADIZ trong khi phải đối diện với sự phản đối của các nước khác sẽ thể hiện sự quyết tâm. Nó cũng báo hiệu sự giận dữ và do đó gián tiếp đáp trả lại một sự kiện trước đó từng gây tổn thương đến nước tuyên bố vùng nhận dạng phòng không. Việc thực thi ADIZ có thể báo hiệu khả năng của quốc gia đó. Quyết tâm, sự giận dữ và khả năng có thể ngăn chặn các nước khác không làm tổn hại đến nước tuyên bố ADIZ.
Liệu ADIZ có thể được sử dụng để trấn an các nước khác về ý định hợp tác của nước tuyên bố? Một nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đã cố sử dụng vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông như một “công cụ để can thiệp chứ không xâm lược”. Tuy nhiên sự phản đối của quốc tế đối với ADIZ cả ở Biển Đông và biển Hoa Đông đã cho thấy chỉ có kẻ hề mới sử dụng ADIZ để báo hiệu sự hợp tác.
Thứ sáu, ADIZ là một công cụ răn đe. Không chỉ là dấu hiệu, ADIZ còn có thể ngăn chặn các nước khác không làm những điều mà nước tuyên bố ADIZ không muốn. Trong khi chức năng phát tín hiệu chỉ có thể thực hiện được khi ADIZ được tuyên bố thì chức năng ngăn cản sẽ không còn hiệu lực nếu như ADIZ được chính thức tuyên bố. Đối với một vùng nhận diện phòng không chỉ trong giả thuyết và vẫn chưa được tuyên bố hay thực thi và đóng vai trò là vật cản trở, nó cần được thiết kế theo cách gây bất lợi đến quốc gia bị cản trở. Cùng với những chức năng như vùng loại trừ, đánh dấu chủ quyền và tăng cường vị thế, ADIZ của Trung Quốc cũng có thể phục vụ như công cụ cản trở. Thực tế, Trung Quốc đã phát triển một kế hoạch nhất quán về ADIZ trên Biển Đông, và nói rằng thời điểm nước này tuyên bố vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông sẽ phụ thuộc vào mức độ đe dọa mà nước này phải đối mặt.
(còn tiếp)
* Bài viết trên National Interest của tác giả Alexander L.Vuving- giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á- Thái Bình Dương Daniel K.Inouye.