|
Đó là thông tin được Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà trả lời cổ đông tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông của ngân hàng diễn ra ngày 17-4 tại TPHCM.
Theo báo cáo của ngân hàng, dư nợ tín dụng của BIDV đến 31-12-2014 là 463.567 tỉ đồng và nợ xấu là 2,03% tổng dư nợ, giảm so với một năm trước đó (năm 2013 là 2,37%).
“Năm 2013 chúng tôi là một trong những ngân hàng có mức nợ xấu cao nhất (khối quốc doanh), nhưng chúng tôi công khai minh bạch, đến cuối năm 2014 chúng tôi cũng không vay liên ngân hàng để cải thiện số liệu. Chúng tôi xếp nợ theo chuẩn mực quốc tế”, ông Trần Bắc Hà nói. Năm 2015 BIDV phấn đấu nợ xấu ở mức 2,5%.
Cũng trả lời câu hỏi của cổ đông, Tổng giám đốc ngân hàng ông Phan Đức Tú cho biết, quỹ trích lập dự phòng đến tháng 12-2014 của ngân hàng là 8.497 tỉ đồng. “Năm nay chúng tôi tiếp tục trích lập dự phòng 8.100 tỉ đồng và là con số rất cao đặc biệt trong tình hình đảm bảo lợi nhuận đặt ra là 15.000 tỉ đồng”, theo lời ông Tú.
Hết quí 1, ông Tú cho biết tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của BIDV là 4,3%. Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 16% và tỷ lệ này sẽ được điều chỉnh thích hợp sau khi MHB sáp nhập vào BIDV.
Liên quan đến việc sáp nhập MHB vào BIDV, ông Trần Bắc Hà cho biết hai bên chính thức công bố sáp nhập hoàn tất dự kiến vào ngày 25-5 tới. Khi đó BIDV sẽ cộng thêm các chỉ số tài chính của MHB.
“Nếu tiến độ bình thường tôi chọn 25-5-2015 làm ngày chính thức sáp nhập và đó là điều tôi muốn làm nhanh, gọn. Sau sáp nhập chúng tôi sẽ điều chỉnh lại phương án kinh doanh, tổng tài sản, vốn điều lệ, tổng tăng trưởng tín dụng của ngân hàng sau sáp nhập dự kiến 13%”, ông Bắc Hà nói.
So với BIDV, quy mô của MHB khá nhỏ. Tổng tài sản của BIDV là 650.000 tỉ đồng, còn MHB khoảng 40.000 tỉ đồng. MHB ở thời điểm 31-12-2014 có tỷ lệ nợ xấu 2,71% (năm 2013 là 2,65%) tương đương 812 tỷ đồng. Tuy nhiên tỷ lệ dự phòng của MHB tương đối thấp so với bình quân ngành, tại 31-12-2013 tỷ lệ này chỉ là 44%, và 31-12-2014 là 42%.
Trả lời câu hỏi của cổ đông “Nếu không có tiền ngân sách thì VAMC có xử lý nợ được không?”, ông Trần Bắc Hà cho rằng “cách làm của Việt Nam chắc là được nhưng phải có lực của nhà nước. Trên thế giới này bất cứ quốc gia nào khi xử lý nợ phải hiểu đấy là khoản nợ của nền kinh tế chứ không phải của ngân hàng. Chúng ta kiên trì làm theo cách sáng tạo của Việt Nam song cần phải đạt hiệu quả”.
Theo TBKTSG