Ông Bùi Ngọc Huyên bên cạnh chiếc xe ô tô mang thương hiệu VG của Vinaxuki (Ảnh: Internet)
|
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã CK: BID) vừa thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là khoản nợ của CTCP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki (Vinaxuki) và Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên (Vinaxuki Thái Nguyên).
Theo đó, BIDV cho biết tổng dư nợ gốc và lãi tính đến hết ngày 15/9/2019 đã hơn 1.265,11 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ trên bao gồm: (i) Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội, tổng diện tích đất là 138.814,7m2; (ii) Máy móc thiết bị tại Nhà máy Vinaxuki Mê Linh; (iii) Quyền khai thác mỏ quặng Antimon và dây chuyền tuyển quặng tại Thôn 15, xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông; (iv) Tài sản gắn liền với đất của Nhà máy Vinaxuki Thái Nguyên tại Khu B-KCN Nam Phổ Yên, Thái Nguyên.
BIDV cho biết mức giá khởi điểm bằng tổng dư nợ gốc và lãi vay tính đến thời điểm nhà băng này thông báo cho công ty dịch vụ đấu giá triển khai phiên đấu giá đầu tiên. Tổ chức đấu giá phải hoạt động tối thiểu 3 năm, có 3 đấu giá viên, 3 chi nhánh (có trụ sở chính đặt tại Hà Nội hoặc Tp. HCM).
Được biết, nhà máy Vinaxuki Mê Linh khởi công từ năm 2004 và khánh thành vào tháng 5/2005, với công suất 20.000 xe/năm.
Chỉ sau 3 năm nhà máy đi vào hoạt động, Vinaxuki đã thu hồi xong vốn, trả nợ cho các ngân hàng và trở thành một trong những đại gia của ngành ô tô Việt Nam. Thậm chí, theo chia sẻ của vị Chủ tịch Bùi Ngọc Huyên, Vinaxuki từng được nhà đầu tư nước ngoài săn đón, muốn rót vốn đầu tư.
Năm 2009, Vinaxuki tìm đến nguồn vốn ngân hàng để đầu tư làm xe con. Các sản phẩm xe ô tô 4 chỗ mang thương hiệu VG, với tỷ lệ nội địa hóa lên tới 50%.
Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế sau đó không lâu khiến các sản phẩm ô tô của thương hiệu này rơi vào tình trạng ế ẩm, không có người mua. Vinaxuki dần rơi vào vòng xoáy nợ nần.
Năm 2017, nhà máy tại Thanh Hóa của Vinaxuki đã được ngân hàng thu hồi, rao bán để siết nợ./.