BIDV báo lãi hơn 9.000 tỉ đồng, đạt 72% kế hoạch năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong năm 2021, BIDV đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng khoảng 9%; dư nợ tín dụng cuối kỳ tăng trưởng khoảng 12%, song vẫn bỏ ngỏ chỉ tiêu lợi nhuận.
Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú phát biểu tại hội nghị (Nguồn: BIDV)
Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú phát biểu tại hội nghị (Nguồn: BIDV)

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Triển khai nhiệm vụ công tác Đảng và kế hoạch kinh doanh năm 2021 của BIDV hôm 6/1, Chủ tịch Phan Đức Tú cho biết lợi nhuận trước thuế riêng của ngân hàng đạt 8.515 tỉ đồng và hợp nhất đạt 9.017 tỉ đồng.

Như vậy, theo tính toán của VietTimes, BIDV đã hoàn thành 72% kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2020. Kết quả kinh doanh hợp nhất trước thuế nêu trên cũng giảm 15,9% so với năm 2019.

Ông Phan Đức Tú cho hay BIDV đã chủ động giảm thu nhập hơn 6.400 tỉ đồng để thực hiện cơ cấu nợ, hạ lãi suất và miễn giãm lãi, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong năm 2020 theo định hướng, chỉ đạo của NHNN.

Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của BIDV đạt 1,49 triệu tỉ đồng, gấp 1,5 lần năm 2016, tăng trưởng bình quân 10,4%/năm giai đoạn 2016-2020. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,43 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 9% so với năm 2019.

Trong đó, dư nợ tín dụng đạt 1,19 triệu tỉ đồng, gấp 1,92 lần năm 2016, tăng trưởng 8,8% so với năm 2019. BIDV chiếm bình quân 13,5% thị phần tín dụng toàn ngành, đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng cũng như về quy mô dư nợ cho vay tổ chức kinh tế và dân cư.

Đến cuối năm ngoái, huy động vốn của BIDV đạt hơn 1,27 triệu tỉ đồng, gấp 2 lần năm 2016, tăng trưởng bình quân 12,5%/năm giai đoạn 2016-2020, chiếm bình quân gần 11% thị phần tiền gửi toàn ngành, lớn nhất trong số các ngân hàng TMCP.

Số lượng khách hàng cá nhân năm 2020 của đạt 11,6 triệu khách hàng, tăng trưởng 14%; trong đó số lượng khách hàng cá nhân sử dụng dịch vụ ngân hàng số năm 2020 đạt gần 4,4 triệu khách hàng, gấp 12,6 lần năm 2016. Khách hàng SME đạt khoảng 309.000 khách hàng, tăng trưởng 8% so với năm 2019.

Năm 2021, BIDV đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng khoảng 9%; dư nợ tín dụng cuối kỳ tăng trưởng khoảng 12%; huy động vốn cuối kỳ phù hợp với sử dụng vốn (tăng trưởng khoảng 12 – 14,8%) và tỷ lệ nợ xấu đảm bảo dưới 1,6%.

Không chỉ có BIDV, kết quả kinh doanh của nhóm “Big 4” trong năm 2020 dường như sẽ khá ảm đạm.

Như VietTimes từng đề cập, gần kề ngày làm việc cuối cùng của năm 2020, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank – Mã CK: CTG) mới chốt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 10.400 tỉ đồng. Biết rằng trong 9 tháng đầu năm 2020, VietinBank đã báo lãi trước thuế 10.364 tỉ đồng.

Do đó, việc VietinBank chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận ở mức 10.400 tỉ đồng ở thời điểm gần kề ngày chốt sổ phần nào cho thấy triển vọng lợi nhuận không thực khả quan của ngân hàng này trong quý cuối cùng của năm 2020.

Còn theo truyền thông trong nước, Vietcombank cũng chỉ báo lãi hơn 23.000 tỉ đông trong năm 2020. Đây là năm đầu tiên trong 5 năm trở lại đây lợi nhuận của nhà băng này không tăng trưởng.

Bên cạnh tác động của dịch Covid-19, báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) còn cho thấy thị phần của các “Big 4” đang giảm dần trong các năm gần đây, rơi dần về tay nhóm 4 ngân hàng khác là Techcombank, VPBank, MBBank và ACB./.