Bị tịch thu 4,8 tỉ NDT vì chuyển tiền bất hợp pháp, Xiaomi Ấn Độ mất 10 năm lợi nhuận

VietTimes – Ngày 13/6, Cục Thực thi Pháp luật Ấn Độ (ED) đã ban hành văn bản cho biết đã chính thức thông báo tới Xiaomi Ấn Độ, các quan chức điều hành công ty và ba ngân hàng về việc chuyển tiền bất hợp pháp 55,51 tỉ rupee (4,8 tỉ NDT).

Xiaomi Ấn Độ bị tịch thu 4,8 tỷ NDT, hầu như toàn bộ lợi nhuận 10 năm kinh doanh (Ảnh: Tengyue).
Xiaomi Ấn Độ bị tịch thu 4,8 tỷ NDT, hầu như toàn bộ lợi nhuận 10 năm kinh doanh (Ảnh: Tengyue).

Hiện tại, Chi nhánh Xiaomi Ấn Độ (Xiaomi Technology India Private Limited), Giám đốc tài chính Xiaomi Ấn Độ Sameer B. S. Rao, cựu Tổng Giám đốc điều hành Manu Kumar Jain và ba ngân hàng liên quan là Citibank, HSBC và Deutsche Bank cũng đã nhận được các thông báo liên quan.

Trước sự việc này, những người có liên quan của Công ty Xiaomi đã trả lời câu hỏi của giới truyền thông, nói rằng thái độ của họ đối với vụ việc này vẫn giống như trước đây. Trước đây, đáp lại thông tin tòa án bác đơn kháng cáo, Xiaomi tuyên bố: "Chúng tôi đang nghiên cứu vụ việc và chờ phán quyết bằng văn bản. Chúng tôi muốn khẳng định lại rằng hoạt động kinh doanh của chúng tôi ở Ấn Độ phù hợp với pháp luật và quy định có liên quan của Ấn Độ".

Van ban cua ED.jpg
Văn bản của Cục Thực thi Pháp luật Ấn Độ (Ảnh: Sohu).

Vào tháng 5/2022, do cáo buộc chuyển tiền bất hợp pháp, Cục Thực thi Pháp luật Ấn Độ đã đóng băng 4,8 tỉ nhân dân tệ (680 triệu USD) trong tài khoản ngân hàng của Xiaomi liên quan đến vụ việc. Xiaomi sau đó đã đệ đơn khiếu nại nhưng bị một tòa án địa phương ở Ấn Độ bác bỏ vào tháng 4/2023. Cho đến nay, Cục Thực thi Pháp luật Ấn Độ vẫn chưa đề cập đến kết quả xử lý số tiền bị đóng băng.

Tuy nhiên, nay với văn bản thông báo này, có nghĩa là số tiền bị đóng băng này đã chính thức bị tịch thu theo Mục 37A của Đạo luật quản lý ngoại hối (FEMA). Cơ quan phán quyết còn gửi thông báo nguyên nhân tới ba ngân hàng Citi Bank, HSBC và Deutsche Bank, cáo buộc họ vi phạm các Khoản 4 và 5 Điều 10 Luật Quản lý ngoại hối Ấn Độ, vi phạm chỉ thị RBI, cho phép chuyển ngoại tệ ra nước ngoài dưới danh nghĩa trả phí bản quyền cho Tập đoàn Qualcomm (Mỹ) mà không tiến hành điều tra theo chức trách và chưa đạt được bất kỳ thỏa thuận hợp tác kỹ thuật tiềm năng nào từ các công ty.

Được biết, mấu chốt của tranh chấp giữa hai bên nằm ở việc xác định tiền bản quyền.

Cục Thực thi Pháp luật Ấn Độ cho rằng Xiaomi Ấn Độ đã chuyển số tiền đó cho ba thực thể ở nước ngoài, trong đó bao gồm Tập đoàn Xiaomi dưới danh nghĩa trả tiền bản quyền. Động thái của Xiaomi Ấn Độ bị nghi ngờ vi phạm "Đạo luật quản lý ngoại hối" (FEMA) của Ấn Độ và chuyển tiền bất hợp pháp cho các thực thể nước ngoài, vì vậy khoản tiền liên quan đã bị tịch thu.

Thong ke cho thay Xiaomi sut giam.jpg
Thống kê cho thấy thị phần của Xiaomi ở Ấn Độ đã tụt xuống thứ tư.

Đáp lại những cáo buộc của Cục Thực thi Pháp luật Ấn Độ, Xiaomi Ấn Độ trước đó đã trả lời: "Là một thương hiệu nỗ lực vì Ấn Độ, mọi hoạt động kinh doanh của chúng tôi đều tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp và quy định của địa phương. Chúng tôi tin rằng tiền bản quyền và hóa đơn trả cho ngân hàng là hợp pháp và đúng đắn. Các khoản tiền bản quyền này do Xiaomi Ấn Độ trả là cho công nghệ được cấp phép và tài sản trí tuệ được sử dụng trong phiên bản sản phẩm ở Ấn Độ. Đối với Xiaomi Ấn Độ, việc trả các khoản tiền bản quyền đó là một hành vi kinh doanh hợp pháp. Tất nhiên, chúng tôi sẽ duy trì hợp tác chặt chẽ với chính phủ để làm sáng tỏ mọi hiểu lầm".

Trong khi vướng vào tranh chấp với Cục Thực thi Pháp luật Ấn Độ, hoạt động kinh doanh điện thoại di động của Xiaomi tại Ấn Độ cũng gặp phải sóng gió. Theo dữ liệu của Canalys, trong quý đầu tiên của năm 2023, Samsung đã đứng đầu nhãn điện thoại tại thị trường Ấn Độ với số lượng bán được 6,3 triệu chiếc, chiếm 20% thị phần và duy trì vị trí dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh Ấn Độ trong quý thứ hai liên tiếp; OPPO vượt qua Vivo và Xiaomi với 5,5 triệu máy bán được, đứng thứ hai. Xiaomi tụt xuống vị trí thứ tư, với 5 triệu chiếc bán được và thị phần khoảng 16%, giảm tới 44% so với Quý I năm trước và là mức giảm lớn nhất từ ​​​​trước đến nay của thương hiệu này.

Nguyên nhân sụt giảm được cho là do nhu cầu suy giảm trong phân khúc điện thoại giá dưới 10.000 rupee (INR), sự phụ thuộc quá mức của Xiaomi vào các kênh trực tuyến và tổ hợp sản phẩm hỗn loạn.

Ông Lô Vĩ Băng (Lu Weibing), Chủ tịch của Tập đoàn Xiaomi, trong một cuộc trả lời phỏng vấn trước đó đã nói: kinh doanh ở thị trường Ấn Độ đối mặt với những thách thức lớn và tồn tại tác động về tiền vốn. Hiện tại, các hoạt động ở Ấn Độ vẫn bình thường. "Trong tương lai, Xiaomi sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh ở Ấn Độ. Xiaomi tin tưởng vào sự công bằng của tư pháp Ấn Độ , cũng tin tưởng vào tính hợp pháp và hợp quy của hoạt động kinh doanh ở Ấn Độ".

Điện thoại Xiaomi từng giữ vị trí thống trị ở Ấn Độ trong nhiều năm, nhưng 2 năm trở lại đây, các thương hiệu điện thoại Trung Quốc mà Xiaomi là đại diện đã liên tục “đụng đầu vào tường” tại thị trường Ấn Độ. Phía Trung Quốc cho rằng chính phủ Ấn Độ nhiều lần "kiếm chuyện", đóng băng tài sản hoặc “hẹn gặp nói chuyện” giám đốc điều hành. Hầu như những điều này cả Xiaomi, OPPO, Vivo đều đã trải qua.

Vào năm 2014, chỉ trong vòng một tháng sau khi Xiaomi đặt chân vào Ấn Độ, hãng đã bán được 120.000 chiếc điện thoại di động thông qua hình thức bán hàng trực tuyến. Năm 2017, Xiaomi trở thành thương hiệu điện thoại thông minh lớn nhất Ấn Độ và liên tiếp dẫn đầu thị trường Ấn Độ cho đến gần đây. Trong gần mười năm qua, Xiaomi đã vất vả kiếm được ở Ấn Độ từ 300 đến 500 triệu NDT mỗi năm và chỉ kiếm được 5 tỉ tệ trong mười năm. Kết quả là vào tháng 1 năm ngoái, Ấn Độ đã cáo buộc Xiaomi trốn thuế và phạt Xiaomi 558 triệu nhân dân tệ; năm nay lại tịch thu thêm 4,8 tỉ tệ. Truyền thông Trung Quốc khôi hài: “Có thể nói Xiaomi Ấn Độ đã quay trở về thời kỳ trước giải phóng chỉ sau một đêm”.