|
Lực lượng y tế Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân |
Bên cạnh việc đánh giá cao những nỗ lực của các ngành liên quan trong việc khoanh vùng, dập dịch COVID-19 trong những ngày qua, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các cơ quan liên quan không được chủ quan, lơi lỏng công tác phòng chống dịch.
Đặc biệt, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cũng yêu cầu CDC Đà Nẵng nghiên cứu phân tích làm rõ nguồn gene, chủng virus tại các ổ dịch ở Đà Nẵng, để đánh giá tình hình, khả năng lây nhiễm, góp phần cho công tác điều trị bệnh nhân. Trên cơ sở đó, cũng báo cáo để Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Trung ương có hướng dẫn cần thiết.
“Hiện với 4 mẫu đã phân tích gen, chủng lây nhiễm trên địa bàn là chủng biến thể của Anh. Trong khi đó các địa phương khác, đặc biệt ở Hà Nội, là chủng biến thể của Ấn Độ nên không thể quy kết những người từng đi Đà Nẵng về địa phương khác là lây nhiễm từ Đà Nẵng” - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói.
Được biết, hiện nay các ổ dịch tại Đà Nẵng đều ghi nhận sự lưu hành biến chủng virus được phát hiện tại Anh B.117. Trong khi đó các ổ dịch tại Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Nội đang ghi nhận sự lưu hành biến chủng virus được phát hiện tại Ấn Độ B.1.617.2. Tuy vậy, trong xã hội lại đang có dư luận cho rằng “Đà Nẵng là nguồn lây” “có yếu tố dịch tễ từ Đà Nẵng”, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư du lịch của TP.
Cũng theo Bí thư Đà Nẵng, liên quan đến vẫn đề chủng virus, cá nhân ông Quảng đã trao đổi với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và đề nghị CDC Đà Nẵng gửi tài liệu, liên hệ với Viện để làm rõ. "Tôi cũng đề nghị Viện đề nghị CDC Hà Nội phân tích mẫu gen một số trường hợp, như của bệnh nhân là giám đốc Công ty xây dựng ở Hà Nội từng đi Đà Nẵng về. Vấn đề này rất quan trọng, không thể coi Đà Nẵng là ổ dịch lây lan khi chưa có kết luận khoa học"- ông Quảng nói.
|
Ổ dịch COVID-19 tại Khu công nghiệp An Đồn Đà Nẵng đã cơ bản được khống chế |
Theo báo cáo của ngành y tế, trong ngày hôm qua (14/5), Đà Nẵng đã thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho 22.314 người, nâng tổng số xét nghiệm từ ngày 3/5 đến nay lến đến 97.736 mẫu.
Theo chỉ đạo của lãnh đạo TP, bên cạnh việc ưu tiên xét nghiệm các khu cách ly, khu vực có người nhiễm bệnh, CDC Đà Nẵng đã tăng cường lực lượng tổ chức xét nghiệm cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như các lái xe taxi, grab, tiểu thương tại các chợ, người giao hàng (shiper)… bằng phương thức gộp nhóm, cải tiến các công đoạn, cho kết quả nhanh và chính xác, góp phần rút ngắn thời gian xét nghiệm, phục vụ kịp thời cho yêu cầu điều tra, truy vết, khoanh vùng cách ly.