Bị hại trong vụ án Trịnh Văn Quyết được đền bù bao nhiêu tiền cho 1 cổ phiếu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo tính toán của HĐXX, các bị cáo sẽ phải đền bù hơn 7.200 đồng cho mỗi cổ phiếu bán cho bị hại, nhân với khối lượng cổ phiếu bị hại đang sở hữu.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết. Ảnh: VietNamNet
Bị cáo Trịnh Văn Quyết. Ảnh: VietNamNet

Trịnh Văn Quyết phải bồi thường bao nhiêu?

Chiều 5/8, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết 21 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Thao túng thị trường chứng khoán".

Bản án xác định, ông Quyết đã chỉ đạo cấp dưới nâng khống vốn điều lệ của Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros (Công ty Faros) để niêm yết 430 triệu cổ phiếu theo vốn điều lệ 4.300 tỷ đồng, từ đó chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của hơn 25.000 nhà đầu tư.

Ngoài ra, ông Quyết cùng một số bị cáo còn thực hiện thao túng 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, thu lợi bất chính hơn 700 tỷ đồng.

Theo hội đồng xét xử, do không biết cổ phiếu ROS bị nâng khống giá trị, 25.000 nhà đầu tư đã bỏ tiền mua, họ được xác định là bị hại.

Đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HĐXX buộc ông Quyết phải bồi thường hơn 2 tỷ đồng cho người bị hại. Ở tội Thao túng thị trường chứng khoán, HĐXX buộc cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC phải khắc phục tổng số hơn 1.864 tỷ đồng.

Về nguyên tắc thì phải yêu cầu các bị cáo bồi thường cho những nhà đầu tư bỏ tiền ra mua cổ phiếu ban đầu bị nâng khống. Tuy nhiên, HĐXX lý giải, thực tế nhiều nhà đầu tư sau khi mua đã bán đi, có người mua đi bán lại nhiều lần khiến cổ phiếu bị trộn lẫn nên rất khó có căn cứ xác định.

Tại thời điểm các bị cáo bán cổ phiếu nâng khống, có nhà đầu tư mua giá cao, nhưng cũng có người mua giá thấp. Việc giao dịch kéo dài trong nhiều năm, đến nay không xác định được chính xác việc mua bán cho từng lần khớp lệnh.

Chưa kể, việc mua bán cổ phiếu được xác lập từ hàng triệu tài khoản trên thị trường chứng khoán, không thể xác định nhà đầu tư đã mua bán cổ phiếu với ai, ở thời điểm nào.

Đồng thời, ngoài giá trị gốc niêm yết, giá của cổ phiếu còn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố thị trường và tâm lý nhà đầu tư, cùng các yếu tố chủ quan và khách quan khác…

Bị hại được đền bù hơn 7.200 đồng cho mỗi cổ phiếu

Từng những căn cứ trên, để đảm bảo công bằng, HĐXX buộc các bị cáo bồi thường cho các nhà đầu tư dựa trên số tiền đã nâng khống của mỗi cổ phiếu đã bán ra thị trường nhân với số cổ phiếu họ còn nắm giữ.

d9dabe27575cf202ab4d.jpg
Toàn cảnh phiên tòa.

Theo tính toán của hội đồng xét xử, tại thời điểm phát hành 430 triệu cổ phiếu ROS, số tiền mỗi cổ phiếu (giá niêm yết 10.000 đồng) bị nâng khống hơn 7.200 đồng. Các bị cáo sẽ phải đền bù hơn 7.200 đồng cho mỗi cổ phiếu bán cho bị hại, nhân với khối lượng cổ phiếu bị hại đang sở hữu.

Sau khi phát hành 430 triệu cổ phiếu, Công ty Faros có thêm 2 lần nâng vốn với tổng số hơn 5.600 tỷ đồng, dưới hình thức phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức. Các lần tăng vốn này đều là hệ quả từ việc nâng vốn khống trước đó, nên các bị cáo cũng phải bồi thường cho cả những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu ở giai đoạn sau.

Tuy nhiên, hội đồng xét xử xác định, 2 lần tăng vốn nêu trên không bị xác định là nâng khống, do đó số vốn thực của Công ty Faros tăng lên hơn 2.500 tỷ đồng, số vốn khống là hơn 3.100 tỷ đồng.

Chia theo mỗi cổ phiếu đã phát hành (10.000 đồng), hội đồng xét xử tính toán giá trị bị nâng khống là hơn 5.400 đồng/cổ phiếu.

Trong 133 bị hại đang nắm giữ cổ phiếu ROS trong lần bán ra ban đầu có 85 người có đơn gửi tòa án xác nhận đã nhận đủ tiền bồi thường từ gia đình bị cáo Quyết. Các bị cáo phải tiếp tục bồi thường cho những bị hại còn lại theo phương án giá nêu trên.

Tòa Hà Nội cho phép các bị hại đã bán hết cổ phiếu ROS đã chuyển phần giá trị bị nâng khống cho người mua tiếp theo và các bị hại khác chưa có yêu cầu bồi thường có quyền đề nghị xem xét bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong vụ án dân sự khác.