Bị "cấm cửa" tàu sân bay, Mỹ vẫn mời Trung Quốc tập trận RIMPAC

Tư lệnh hạm đội 7 của Mỹ có cuộc họp báo ngày 6/5, tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ông thông báo Bắc Kinh đã nhận lời mời tham dự cuộc tập trận đa quốc gia RIMPAC do Mỹ chủ trì.
Phó đô đốc Joseph P. Aucoin, tư lệnh Hạm đội 7 (trái) trên chiến hạm USS Blue Ridge tại Thượng Hải ngày 6/5

Theo AFP, phó đô đốc Joseph Aucoin, tư lệnh hạm đội 7, khẳng định với báo giới Trung Quốc là Hải quân Trung Quốc sẽ tham gia cuộc tập trận, lớn nhất do Mỹ tổ chức, trong mùa hè này. Cuộc họp báo của tư lệnh Mỹ diễn ra sau khi chiến hạm chỉ huy USS Blue Ridge cập cảng Thượng Hải. Như vậy, chỉ vài ngày sau khi từ chối cho một tàu sân bay Mỹ ghé qua Hong Kong, chính quyền Trung Quốc đã tiếp đón tàu chỉ huy hạm đội 7 ngay tại Thượng Hải.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc thường xuyên được mời tham gia cuộc tập trận RIMPAC, tuy nhiên, hồi tháng 3 vừa qua, chính quyền Mỹ dự định «xem xét lại» khả năng tham gia của Bắc Kinh, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng trong các yêu sách chủ quyền tại Biển Đông. Hồi tháng 4/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố Trung Quốc vẫn là khách mời.

Về việc Trung Quốc tiếp tục được mời, tư lệnh Hạm đội 7 giải thích đây là một cách để các bên hiểu nhau hơn, có thể phối hợp với nhau chặt chẽ hơn, để hỗ trợ nhau, đặc biệt trong các trợ giúp nhân đạo và cứu nạn trong trường hợp thảm họa xảy ra.

Từ cuối năm 2015 đến nay, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự tại Biển Đông, Mỹ bắt đầu tiến hành các cuộc tuần tra để «bảo vệ tự do hàng hải» trong khu vực 12 hải lý của nhiều đảo tranh chấp tại vùng Trường Sa và Hoàng Sa, trong đó có các đảo mà Trung Quốc đang kiểm soát. Điều được Việt Nam và nhiều nước láng giềng Đông Nam Á hoan nghênh, nhưng bị Bắc Kinh phản đối.

Các động thái gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông khiến nhiều nước láng giềng lo ngại. Theo Reuter, ngày 6/5 Singapore và Úc đã ký kết một thỏa thuận hợp tác quốc phòng. Singapore dự kiến chi 1,7 tỉ USD để mở rộng các căn cứ huấn luyện quân sự tại Úc, trong thời hạn 25 năm. Việc mở rộng hai căn cứ cho phép quốc gia Đông Nam Á này có tới 14.000 binh sĩ, được luân phiên huấn luyện tại Úc, thay vì 6.000 như hiện nay. Với thỏa thuận này, Singapour là quốc gia bên ngoài thứ hai sau Mỹ, đầu tư vào cơ sở hạ tầng quân sự tại Úc. Hai bên cũng dự kiến tăng cường hợp tác về tình báo và chia sẻ thông tin.