Những tác phẩm Public Art ít ỏi
Public Art “Mật Mật Mật”, hay “Những phân mảnh của niềm tin”, của nghệ sĩ Ly Hoàng Ly vừa được Trường song ngữ quốc tế EMASI Nam Long sưu tập và đưa vào trưng bày tại khu vực sân chơi.
Tác phẩm Public Art “Mật Mật Mật” là một phần trong dự án nghệ thuật của Ly Hoàng Ly, được hoàn thành trước, đã trưng bày một lần không gian lưu trú nghệ thuật A-Farm (TP.HCM) năm 2018. Triển lãm hay nói chính xác hơn là cuộc hội tụ nghệ thuật đương đại mà trong đó cả nghệ sĩ và công chúng đều tìm đến để cùng nhau hít thở không khí nghệ thuật, mang lại thêm nhiều cảm xúc cho các loại hình nghệ thuật đương đại.
Ly Hoàng Ly giải thích: “Trong tiếng Việt, chữ mật có ba nghĩa: mật ong hay ngọt ngào; mật là chất dịch trong cơ thể người, có vị đắng; và mật là bảo mật, tối mật. Tôi muốn xới tung các ngõ ngách của Mật và dùng các phân mảnh về hình và ý niệm của chúng để cấu trúc chúng thành một hình dạng thể thức qua điêu khắc, phim và tranh vẽ, hòng tạo nên một thế giới thị giác tương ứng với cái xã hội mà chúng ta đang sống, hưởng thụ và tiêu hóa chúng, tương tác với sự vận hành có quy tắc cũng như bất quy tắc của xã hội”.
Nằm trong dự án nghệ thuật cùng tên, đi cùng với tác phẩm “Mật Mật Mật”, ngoài Public Art còn có phim, triển lãm, tranh, sách, tượng… sẽ ra mắt trong thời gian tới.
Dự án được thực hiện với sự hợp tác hỗ trợ về phần hóa học của nhà hóa học, tiến sĩ Đào Thanh Hải, Đại học Princeton, Hoa Kỳ
|
“Riêng tác phẩm điêu khắc công cộng được thực hiện với cố vấn kết cấu từ kiến trúc sư Hồ Đình Chiêu, Công ty The Five & Partners”, Ly Hoàng Ly chia sẻ.
|
“Sống” cùng Public Art
Không phải là tác phẩm điêu khắc tĩnh, với Public Art, người thưởng thức có thể tương tác với tác phẩm, chẳng hạn như trèo lên “Thuyền nhà thuyền”, nằm dài ra để hưởng thụ, hoặc đu lên “Mật Mật Mật” và cảm nhận sự “sống” cùng tác phẩm.
Nghệ thuật công cộng vẫn còn quá mới mẻ tại Việt Nam. Để có thể sáng tạo nên những tác phẩm Public Art, đòi hỏi nghệ sĩ đầu tư quá lớn cả về ý tưởng, chất liệu, tính tương tác với người thưởng thức khi đưa tác phẩm vào thực tế. Và không nhiều người hiểu được tại sao Ly Hoàng Ly luôn theo đuổi những tác phẩm có kích cỡ “khủng” và hình thù độc đáo, như “Thuyền nhà thuyền” và “Mật Mật Mật”.
Nhưng đối với nghệ sĩ, như lần trưng bày ở A Farm, chỉ cần người tham dự triển lãm tới đứng cạnh, vịn vào tác phẩm, lay thử để thẩm định độ cân bằng, ngạc nhiên vì độ cao của tác phẩm, trầm trồ cho biết đứng cạnh “Mật Mật Mật” cứ như đứng dưới một tán cây xanh, hoặc chỉ cần cảm nhận tác phẩm theo cách của những đứa trẻ con thôi đã khiến Ly Hoàng Ly cười ngất ngây vì sung sướng.
“Có người hiểu, chia sẻ, thưởng thức tác phẩm với mình là niềm vui lớn. Cảm hứng sáng tạo Public Art đến với tôi từ thành phố Chicago, nơi tôi từng theo học. Nơi đây, nghệ thuật không phải chỉ dành cho những người có khả năng sưu tập, mà còn dành cho cộng đồng. Đó là tiêu chí của thành phố Chicago, một thành phố hàng đầu về Public Art” - Ly Hoàng Ly chia sẻ.
Sau khi trưng bày ở A Farrm, “Mật Mật Mật” được vợ chồng ông Nguyễn Tuyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống trường EMASI và bà Nguyễn Quỳnh - thành viên Hội đồng quản trị hệ thống trường EMASI, đồng thời cũng là người khởi xướng không gian lưu trú nghệ thuật A Farm quyết định sưu tầm tác phẩm, đưa về trưng bày tại không gian sân trường EMASI Nam Long.
"Mật Mật Mật" đang trưng bày tại không gian sân trường EMASI Nam Long
|
Nhà thơ Hoàng Hưng đến chúc mừng con gái - nghệ sĩ Ly Hoàng Ly, nhân dịp giới thiệu "Mật Mật Mật" tại A Farm hồi năm 2018
|
“Tâm nguyện của tôi là Public Art được đặt trong không gian ngoài trời và người hưởng thụ chính là đối tượng học sinh” – Ly Hoàng Ly xúc động nói.
Khán giả - người hưởng thụ nghệ thuật với “Mật Mật Mật” nay là những học sinh trường EMASI, sẽ tham gia sáng tạo tác phẩm theo cách riêng của mình. Mỗi học sinh có thể quay tác phẩm và mỗi vòng quay sẽ có độ mạnh yếu, hình hài nghệ thuật khác nhau.