Thông tin được các chuyên gia trong lĩnh vực y tế chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến "Đẩy mạnh triển khai thanh toán điện từ không dùng tiền mặt trong ngành y tế" do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội sáng nay, 20/9.
Người dân giữ thói quen tiêu tiền mặt
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đã được thực hiện từ năm 2013. Người dân có thể sử dụng thẻ ATM để thanh toán viện phí và thực hiện các giao dịch khác thông qua máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng, để thanh toán hóa đơn dịch vụ (gọi tắt là máy POS) hoặc chuyển khoản.
Song, sau 6 năm thực hiện, việc thanh toán bằng thẻ hiện chỉ mới triển khai được tại Khoa Khám bệnh theo yêu cầu và Khoa Khám bệnh dịch vụ. Còn lại, phần lớn người bệnh vẫn thanh toán viện phí bằng tiền mặt.
Theo đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, người bệnh giữ thói quen tiêu tiền mặt vì đa số có thu nhập từ thấp đến trung bình, nhiều người làm nông nghiệp, hoặc sống tại khu vực miền núi, ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ ngân hàng và mơ hồ với khái niệm thẻ, tài khoản.
Tình trạng người dân không mặn mà với thanh toán bằng thẻ cũng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng. Từ cách đây 1 tháng, Bệnh viện đã áp dụng thanh toán qua điện thoại di động bằng mã vạch ma trận (QR code).
Tuy nhiên người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt, chưa thực sự quan tâm tới việc áp dụng công nghệ nhằm thanh toán dễ dàng, tiết kiệm thời gian hơn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại hoạt động trong khuôn khổ hội nghị ngày 20/9
|
“Có tới 50% người dân Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ thanh toán điện tử. Người dân khi sử dụng các dịch vụ y tế cũng chưa mặn mà với việc dùng thẻ thanh toán viện phí” – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ tại hội nghị.
Theo Bộ trưởng, việc người dân phải xếp hàng đóng tiền mặt tại bệnh viện gây ra nhiều phiền toái: bệnh viện phải bố trí cán bộ chỉ làm công tác thu tiền và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh; số lượng người thanh toán quá đông và dồn dập, khiến các cán bộ bị quá tải…
Ít bệnh viện kết nối với ngân hàng
Theo báo cáo của Vietcombank, trong số bệnh viện đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, hầu hết chỉ triển khai thử nghiệm tại một số khoa, nên chỉ phục vụ được một số lượng nhỏ khách hàng đến khám, chữa bệnh. Đối với một số hình thức thanh toán trực tuyến, có kết nối dữ liệu bệnh nhân, hồ sơ thanh toán, các bệnh viện chưa đáp ứng điều kiện kết nối.
Bên cạnh đó, chưa có tài liệu liên quan đến quy định chuẩn thông tin thanh toán y tế, chuẩn kết nối giữa hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) với ngân hàng hoặc với các trung gian thanh toán. Do đó, số lượng các bệnh viện kết nối với ngân hàng chiếm một tỷ lệ quá nhỏ so với số lượng bệnh viện trên toàn quốc.
Chính Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng lưu ý: “Các cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, ví dụ khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, các cung ứng dịch vụ y tế dự phòng và các dịch vụ khác gồm cấp phép trực tiếp và online, hoặc các dịch vụ tự công bố chất lượng sản phẩm, thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp và người dân chưa mặn mà với việc dùng thẻ. Người cung cấp dịch vụ là các bệnh viện chưa thấy được sự cần thiết của việc thanh toán viện phí qua thẻ”.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thăm khu vực làm thẻ thanh toán viện phí
|
Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy lý giải, việc kết nối phần mềm thanh toán với hệ thống chương trình còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thời gian giải quyết sự cố nạp tiền, rút tiền và hoàn tiền vào thẻ chưa nhanh chóng kịp thời, gây phản ứng ngược với mục tiêu giảm thủ tục, giảm thời gian chờ đợi.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng, vướng mắc không chỉ xuất phát từ thói quen của người dân, mà còn đến từ mức phí giao dịch của ngân hàng cao, tới 0,8%.
“Phí này Bệnh viện phải gánh mà không thu được của người bệnh, nên phần nào ảnh hưởng tới công tác triển khai của Bệnh viện” – đại diện Bệnh viện cho biết.
Tiếp tục đẩy mạnh thanh toán điện tử không dùng tiền mặt
Đứng trước những khó khăn phát sinh trong ứng dụng thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, Bộ Y tế đã có những hướng dẫn tới các đơn vị.
Theo PGS. TS. Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), bệnh viện phải xây dựng kế hoạch, xác định các công việc cần triển khai, thời gian dự kiến triển khai, nguồn lực triển khai, xem xét các yếu tố tác động (tích cực, tiêu cực) trước khi triển khai thực hiện các giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; quán triệt các văn bản của Chính phủ về việc triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt và các lợi ích đạt được tới các cán bộ công nhân viên; xây dựng quy trình nghiệp vụ khám, chữa bệnh áp dụng giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và phổ biến cho các khoa phòng, bộ phận liên quan trong bệnh viện, để không gây ảnh hưởng hoặc có xáo trộn không tích cực.
Hội nghị trực tuyến "Đẩy mạnh triển khai thanh toán điện từ không dùng tiền mặt trong ngành y tế" do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội sáng 20/9.
|
Các bệnh viện cũng cần đẩy mạnh truyền thông về thanh toán toán viện phí không dùng tiền mặt tới bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trên các phương tiện truyền thông tại bệnh viện, gồm: xây dựng các tài liệu hướng dẫn thanh toán viện phí tại bệnh viện; phát các tờ rơi hướng dẫn cách thức, quy trình thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại bệnh viện; đăng tải tài liệu lên website bệnh viện...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị quán triệt trong toàn ngành về ý nghĩa và lợi ích của phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đơn vị và vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện áp dụng phương thức thanh toán mới; các đơn vị trong toàn ngành phải có kế hoạch hành động, bố trí nguồn lực và các điều kiện để thực hiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với điều kiện của đơn vị; xây dựng và hoàn thiện phần mềm hệ thống thông tin bệnh viện để kết nối với ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán chi phí; các cơ sở khám, chữa bệnh chủ động triển khai nhiều hình thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt.
Trong trường hợp người dân không có thẻ, không có tài khoản ngân hàng, các cơ sở y tế phải phối hợp với ngân hàng có giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt thuận tiện, phù hợp với điều kiện, lối sống của người dân.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ sở y tế triển khai các phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt tại đơn vị, đáp ứng yêu cầu thanh toán điện tử không dùng tiền mặt của người dân trước ngày 31/12/2019.