Bệnh viện trở thành con nợ vì bất đồng cách tính giá bảo hiểm: Sẽ sớm có quy định tháo gỡ khó khăn

VietTimes -- Ông Lê Văn Khảm – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) đã trả lời VietTimes xung quanh thực trạng nhiều bệnh viện đang trở thành con nợ, vì chưa được Bảo hiểm xã hội thanh toán giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế.
Các vụ trưởng, phó vụ trưởng phụ trách những vấn đề liên quan trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo chiều 4/6.
Các vụ trưởng, phó vụ trưởng phụ trách những vấn đề liên quan trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo chiều 4/6.

Trước đó, như VietTimes đã thông tin, nhiều bệnh viện vừa mới bắt đầu chuyển mình, thực hiện tự chủ tài chính ở mức độ 2 về các mặt: nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tự chủ chi thường xuyên, chưa tự chủ về chi đầu tư, thì đã vướng cục nợ hàng chục tỷ đồng từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) do những bất đồng trong cơ chế chính sách và tính giá dịch vụ bảo hiểm y tế (BHYT).

Chia sẻ với VietTimes trong buổi họp báo thông tin về 5 năm thực hiện đổi mới phong cách thái độ hướng đến sự hài lòng của người bệnh; bệnh viện xanh-sạch-đẹp; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đổi mới cơ chế tài chính-BHYT do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội chiều 4/6, Vụ trưởng Lê Văn Khảm, cho biết: BHXH Việt Nam hiện đề nghị chưa thanh toán khoảng 3.000 tỷ đồng, do định mức chi chưa sát với cơ cấu giá thành, giá thu dịch dịch vụ y tế. Bộ Y tế đã báo cáo tình hình với Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu BHXH Việt Nam thanh toán cho các bệnh viện theo nguyên tắc: Số lượng dịch vụ chưa thanh toán nhân với giá thành. Đối với định mức chi chưa sát với giá thành, Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh.

Buổi họp cung cấp thông tin báo chí chiều 4/6 do Bộ Y tế tổ chức
Buổi họp cung cấp thông tin báo chí chiều 4/6 do Bộ Y tế tổ chức

Hiện nay, Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) đang soạn thảo các quy định cụ thể và trình các bên có liên quan thẩm định, trong thời gian sớm nhất sẽ ban hành quy định hướng dẫn Nghị quyết 30 của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện.

Bên cạnh đó, Vụ trưởng Lê Văn Khảm cũng thông tin, trong Luật BHXH đã quy định: Trong mọi trường hợp, khi cơ sở khám, chữa bệnh đề nghị thanh toán, cơ quan BHXH phải thanh toán tạm ứng 80% số đề nghị, còn lại sẽ thanh thanh toán sau (có thể vào kỳ quyết toán cuối năm đó). Do đó, trong lúc chờ đợi Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn, các bệnh viện vẫn sẽ được đảm bảo nguồn tài chính để hoạt động tốt.

Cũng trong buổi họp báo, ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính cho biết, đến năm 2020, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện xây dựng giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí; nhằm hoàn thành việc chuyển từ sử dụng Ngân sách nhà nước cho chi thường xuyên trực tiếp tại cơ sở khám, chữa bệnh, sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình này.

Hiện nay, giá dịch vụ y tế chỉ mới bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương (theo mức lương cơ sở là 1.390.000 đồng). Theo lộ trình, năm 2019, Bộ Y tế thực hiện tiếp 2 bước điều chỉnh: điều chỉnh giá theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng và tính đủ chi phí quản lý trong bệnh viện.

Bộ cũng sẽ ban hành Thông tư về xây dựng giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở y tế công lập, quy định phương pháp tính giá theo nguyên tắc được tính đủ chi phí và có tích lũy hợp lý để bệnh viện tái đầu tư; đổi mới phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo diện BHYT, thực hiện thanh toán theo định suất, theo trường hợp bệnh, nhóm bệnh đã chẩn đoán; đổi mới cơ chế tài chính cho y tế dự phòng và y tế cơ sở…