Trải qua 4 tiếng, ca phẫu thuật tách hai bé song sinh dính liền nhau phần gan đã thành công, hai bé được tách ra an toàn. Hiện, hai bé được đưa vào phòng hậu phẫu để theo dõi tình hình hình sức khỏe.
Ê kíp bác sĩ BV Nhi đồng 1 thực hiện ca mổ tách hai em bé song sinh dính liền gan. Ảnh: Thùy Dương
|
Trước đó, khi mang thai, chị N.T.H.H. (40 tuổi, ngụ Quảng Nam) đã đi chẩn đoán, xét nghiệm, hội chẩn liên viện giữa Bệnh viện (BV) Từ Dũ và BV Nhi đồng 1 (TP.HCM). Các bác sĩ cho biết sản phụ mang song thai, dính nhau phần gan.
Ngày 13/8, khi thai nhi được 36 tuần tuổi, ê kíp bác sĩ BV Từ Dũ đã tiến hành mổ đẻ cho sản phụ, rồi đưa hai bé về BV Nhi đồng 1 để nuôi dưỡng và phẫu thuật tách rời.
Qua tiến trình theo dõi về hình ảnh trong thời gian mang thai cũng như kiểm tra khi em bé chào đời, thì BV Nhi đồng 1 thấy tương đồng với những gì đã thấy trong thời gian mang thai. Hai em bé dính nhau phần gan trái, hai gan dính lại với nhau. Đồng thời, một tĩnh mạnh rất lớn của em bé bên trái đi qua gan của bé bên phải. Ngoài ra, những phần khác của em bé như: Tiêu hóa, tim mạch đều riêng biệt.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh,Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh và bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 thông tin về ca phẫu thuật tách hai bé song sinh
|
Khi tiến hành phẫu thuật, hai bé được 1,5 tháng tuổi, cân nặng 7.9kg, so với lúc sinh chỉ 4kg. Tuy các bé còn nhỏ tháng nhưng ê kíp bác sĩ BV Nhi đồng 1 vẫn tiến hành phẫu thuật, vì nếu thực hiện muộn hơn sẽ nguy hiểm đến tính mạng của hai bé. Việc phẫu thuật kịp thời cũng tránh ảnh hưởng tâm lý của gia đình. Điều quan trọng nhất là BV Nhi đồng 1 có đầy đủ trang thiết bị y tế để thực hiện ca phẫu thuật tách hai em bé song sinh dính liền gan.
Chia sẻ về khó khăn của ca mổ, bác sĩ Đào Trung Hiếu - Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 - cho biết đây là ca phẫu thuật tách em bé nhỏ tháng tuổi nhất. Gan các bé rất dễ vỡ nên vấn đề cắt ra không đơn giản. Bên cạnh đó, xử lý tĩnh mạch trong gan đòi hỏi phải cực kỳ cẩn thận, cắt gan thật tốt bằng những phương tiện cầm máu và kỹ thuật hiện đại, kiểm soát khống chế mạch máu thông nối hai bên. Vì ở trẻ nhỏ, mất khoảng 80 – 100 cc sẽ tác động huyết học nguy hiểm.
Bên cạnh đó, sau khi mổ, hai bé sẽ bị thiếu da nên ê kíp phải phủ da khéo léo, đảm bảo vùng da bụng được bình thường như bao đứa trẻ khác.