Bệnh nhân ở Mê Linh có thể lây nhiễm từ BV Bạch Mai hay cộng đồng?

VietTimes -- Hà Nội vừa công bố phát hiện 1 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 ở huyện Mê Linh đã đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3. Thông tin này đang khiến người dân hoang mang vì nếu liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai thì đây là bệnh nhân có thời gian ủ bệnh dài nhất từ trước tới nay, 23 ngày. Mong muốn làm rõ vấn đề này hơn, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với TS.BS. Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Trường Đại học Sydney.

Bác sĩ thăm hỏi tình hình sức khỏe bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Minh Thúy
Bác sĩ thăm hỏi tình hình sức khỏe bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Minh Thúy

+Bệnh nhân 243 mắc COVID-19 ở Hà Nội đã đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3. Liệu có phải bệnh nhân này liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai không, bởi thời gian người này đến đó tới 23 ngày, quá mốc 14 ngày có thể lây bệnh COVID-19 mà thế giới công bố, thưa bà?

TS.BS. Nguyễn Thu Anh: Việc điều tra nguồn lây của bệnh nhân 243 cần thận trọng và khách quan. Từ ngày 12/3 đến nay, bệnh nhân đã đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, nên nếu chỉ cho rằng bệnh nhân bị lây nhiễm ở Bệnh viện Bạch Mai là chưa thuyết phục.

Hơn nữa, nhân 243 vào khám tại Bệnh viện Bạch Mai một lần duy nhất vào ngày 12/3 tại Khoa Miễn dịch Dị ứng. Cũng ngày này, bệnh nhân 197 cùng vợ tới Bệnh viện Bạch Mai khám tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới. Có lẽ, xác suất để 2 người này gặp và lây bệnh cho nhau thấp hơn xác xuất mà bệnh nhân 243 lây từ cộng đồng.

Đến thời điểm hiện tại, rất nhiều nhân viên, bệnh nhân, người nhà chăm sóc người thân tại Bệnh viện Bạch Mai mắc COVID-19 nhưng chưa phát hiện ra bác sĩ nào bị mắc bệnh, chỉ có 2 nữ điều dưỡng nhiễm virus SARS-CoV-2 (bệnh nhân 86, 87 đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2).

Do đó, rất có thể đã ổ dịch ở ngoài cộng đồng mà chúng ta chưa biết. Nếu chúng ta chỉ tập trung đi tìm ca bệnh liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai thì có thể bỏ sót các ổ dịch khác.

TS.BS. Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Trường Đại học Sydney. Ảnh: NVCC
TS.BS. Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Trường Đại học Sydney. Ảnh: NVCC

+ Có thông tin cho rằng bệnh nhân 243 có thời gian ủ bệnh lên tới 24 ngày. Vậy virus SARS-CoV-2 có thể ủ bệnh dài hơn 14 ngày mà không có triệu chứng không, thưa bà?

TS.BS. Nguyễn Thu Anh: Y văn trên thế giới có đề cập đến vấn đề ủ bệnh của bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó thời gian ủ bệnh thường từ 5-6 ngày và có thể kéo dài tới 14 ngày.

Một số nước trên thế giới đã báo cáo 2 ca bệnh có thời gian ủ bệnh kéo dài tới 19 hoặc 24 ngày, tuy nhiên đây là những trường hợp rất hiếm. Ngoài ra, việc xác định chính xác thời gian ủ bệnh là rất khó, vì thường chúng ta không biết chính xác thời điểm nhiễm virus và thời điểm xuất hiện triệu chứng đầu tiên, nhất là ở người có triệu chứng nhẹ, nên thông tin người bệnh kê khai có thể bị sai sót.

+ Bệnh nhân 243 mới phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 có thể có nguồn lây từ đâu thưa bà?

TS.BS. Nguyễn Thu Anh: Bệnh nhân 243 có thể bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 qua việc tiếp xúc với người bệnh trong quá trình đi lại, tiếp xúc. Vì thế, phải điều tra lịch sử đi lại, gặp gỡ của trường hợp này thì mới có thể xác định chính xác người này bị lây nhiễm ở đâu.

Theo thông báo của Bộ Y tế, thì đến nay các mẫu xét nghiệm của cán bộ y tế tại Bệnh viện Bạch Mai đều cho kết quả âm tính. Vì vậy, nếu chỉ tập trung vào Khoa Miễn dịch Dị ứng ở Bệnh viện Bạch Mai, thì có thể không tìm ra được ổ dịch.

Nhìn ở một góc độ khác, chúng ta chưa xác định được bệnh nhân 237 người Thụy Điển mắc COVID-19 bị ung thư máu có nguồn lây ở đâu, bệnh nhân người Hàn Quốc ở Bình Dương cũng chưa xác định được nguồn lây. Vì vậy, cần chuẩn bị cho kịch bản lây nhiễm âm thầm tại cộng đồng.

Một vài tuần tới, có thể sẽ xuất hiện nhiều ca bệnh nặng hơn tới khám tại cơ sở y tế, và ngành y tế cần khẩn trương chuẩn bị cho kịch bản này.

TS.BS. Nguyễn Thu Anh (áo vàng) tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: NVCC
TS.BS. Nguyễn Thu Anh (áo vàng) tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: NVCC

+ Xin bà cho biết, làm thế nào để xác định chính xác nguồn lây của virus SARS-CoV-2?

TS.BS. Nguyễn Thu Anh: Ở Mỹ có sử dụng phương pháp giải trình tự gen để ước tính ngày nào bắt đầu có ca bệnh đầu tiên và quá trình lây nhiễm như thế nào. Tuy nhiên, rất khó để xác định chính xác.

Ở Việt Nam hiện nay không thể thực hiện giải trình tự gen với số lượng bệnh nhân lớn. Do đó, để xác định chính xác nguồn lây của một số bệnh nhân mắc COVID-19 còn gặp nhiều khó khăn. 

+ Nếu một người được test nhanh cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 thì làm thế nào để xét nghiệm khẳng định virus? Nếu âm tính thì sao thưa bà?

TS.BS. Nguyễn Thu Anh: Hiện nay có 2 loại xét nghiệm chính là: Xét nghiệm tìm virus trực tiếp (RT – PCR) và xét nghiệm tìm kháng thể (hiện đang được gọi là xét nghiệm nhanh).

Theo quy định của Bộ Y tế, để khẳng định một người có nhiễm SARS-CoV-2 hay không phải sử dụng xét nghiệm RT – PCR. Xét nghiệm RT – PCR là xét nghiệm đi tìm chất liệu di truyền (RNA) của virus để chẩn đoán liệu một người có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 không.

Virus SARS-CoV-2 được nuôi cấy, phân lập thành công tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Ảnh: Minh Thúy
Virus SARS-CoV-2 được nuôi cấy, phân lập thành công tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Ảnh: Minh Thúy

Xét nghiệm kháng thể (đang được gọi là test nhanh) là xét nghiệm tìm kháng thể kháng virus SARS-CoV-2. Xét nghiệm này có thể bổ trợ cho quá trình chẩn đoán bệnh, đồng thời giúp đánh giá mức độ miễn dịch trong cộng đồng, khả năng đáp ứng với vaccine thử nghiệm, và thời gian kháng thể tồn tại trong cơ thể người.

Khi mới nhiễm virus, xét nghiệm RT-PCR có khả năng dương tính cao hơn so với xét nghiệm kháng thể do lượng kháng thể trong cơ thể còn thấp. Khi khỏi bệnh, xét nghiệm RT-PCR sẽ âm tính do cơ thể không còn virus, còn xét nghiệm kháng thể có thể dương tính.

Trong triển khai thực tế, bất cứ xét nghiệm nào cũng có thể cho kết quả âm tính hoặc dương tính giả. Đối với xét nghiệm RT – PCR, kết quả âm tính giả xảy ra khi lấy mẫu không đúng quy trình, hoặc người bệnh có lượng virus quá nhỏ, chưa phát hiện được.

Do đó, phải tiến hành xét nghiệm ít nhất 2 lần, cách nhau từ 2-3 ngày mới có thể khẳng định một người nhiễm virus hay không.

Đối với xét nghiệm kháng thể, khi tìm kháng thể toàn bộ (total antibodies) thì độ nhậy sẽ cao hơn nếu chỉ tìm kháng thể IgM hoặc IgG. Do đó cần lựa chọn xét nghiệm kháng thể phù hợp với mục đích xét nghiệm.

Tôi cho rằng cả hai loại xét nghiệm đều cần thiết, nhưng có mục đích khác nhau nên chúng ta phải sử dụng đúng mục đích.

+ Cảm ơn bà!

Thông tin thêm về bệnh nhân 243 mắc COVID-19, BS CKII. Khổng Minh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hà Nội - cho biết, hiện các đơn vị đang tăng cường điều tra lịch sử đi lại, nguồn lây nhiễm của bệnh nhân này. 

Thông tin bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3, sau 23 ngày thì phát hiên dương tính với virus SARS-CoV-2 mới chỉ là thông tin ban đầu để các đơn vị tiếp tục điều tra, làm rõ.

Ông Tuấn cũng khẳng định thực tế có một số trường hợp mắc COVID-19 không thể điều tra được nguồn lây nhiễm chính xác ở đâu.

Điển hình là trường hợp của bệnh nhân 237 người Thụy Điển mắc bệnh ung thư máu đã đến nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người.