Bệnh nhân mắc COVID-19 ở Đông Anh ho, sốt nhưng không khai báo y tế khiến 3 người nhiễm SARS-CoV-2

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mặc dù bị ho, sốt nhưng bệnh nhân mắc COVID-19 ở Đông Anh vẫn đi làm bình thường, không khai báo y tế, thậm chí còn giấu giếm lịch trình đi lại ở những nơi có nguy cơ, khiến 3 người nhiễm SARS-CoV-2
UBND TP. Hà Nội họp trực tuyến với các quận, huyện về công tác phòng, chống dịch COVID-19 (Ảnh - Phú Khánh)
UBND TP. Hà Nội họp trực tuyến với các quận, huyện về công tác phòng, chống dịch COVID-19 (Ảnh - Phú Khánh)

Đây là thông tin được lãnh đạo huyện Đông Anh đưa ra tại cuộc họp trực tuyến của UBND TP. Hà Nội với các quận, huyện về công tác phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra vào sáng nay, ngày 6/7.

Nguy cơ xuất hiện ca mắc COVID-19 cộng đồng ở mức cao

Tại cuộc họp, ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội - nhận định: “Tình hình dịch bệnh ở Hà Nội đang được kiểm soát. Tuy nhiên, nguy cơ có ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng ở mức cao vì Hà Nội đã ghi nhận thêm 2 ổ dịch mới. Ổ dịch ở Đông Anh có nguy cơ cao do những ca mắc mới làm việc ở khu công nghiệp, tiếp xúc nhiều người. Thành phố cũng đã ghi nhận ca mắc mới do tiếp xúc với ca bệnh ở địa phương khác”.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP. Hà Nội, trong ngày 5/7, Hà Nội đã phát hiện 10 ca mắc COVID-19 mới ở Đông Anh (4 ca), Mỹ Đức (5 ca) và Hoàng Mai (1 ca). Từ ca bệnh đầu tiên, Đông Anh đã rà soát được 61 trường hợp F1(3 người dương tính, 46 người âm tính lần 1, 12 trường hợp đang được lấy mẫu). Số người liên quan trong khu vực ổ dịch là 1.804 trường hợp đã được lấy mẫu, 1.789 mẫu âm tính lần 1. Huyện Mỹ Đức đã truy vết được 81 trường hợp F1 và đang xét nghiệm. Số người liên quan là 28 người và đã lấy mẫu được 16 trường hợp.

Nhân viên y tế làm việc trong phòng xét nghiệm (Ảnh - BYT)

Nhân viên y tế làm việc trong phòng xét nghiệm (Ảnh - BYT)

Đáng chú ý ca bệnh ở Hoàng Mai sống ở Tân Mai, Vĩnh Hưng, Hoàng Mai là F1 tiếp xúc với 4 bệnh nhân dương tính ở Thanh Hóa (lái xe taxi chở 4 bệnh nhân Thanh Hóa dương tính trên chuyến bay VN286 ngày 3/7 từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội). Trường hợp này được phát hiện qua công tác giám sát chủ động.

Tại cuộc họp, lãnh đạo huyện Đông Anh đã thông tin chi tiết về trường hợp bệnh nhân H.V.H., sống ở Mai Châu, Đại Mạch, Đông Anh đã vi phạm quy định khai báo y tế. Bệnh nhân H. đã tiếp xúc với ca bệnh dương tính ở Bắc Giang trong ngày 26 và ngày 27/6 nhưng không khai báo y tế.

Từ ngày 28 đến ngày 3/7, bệnh nhân vẫn đi làm. Ngày 1/7, bệnh nhân ho, sốt nên y tế cơ quan đã yêu cầu bệnh nhân về nghỉ và khai báo ở trạm y tế xã nhưng bệnh nhân không thực hiện. Thậm chí, bệnh nhân còn dấu việc đi, đến, ở vùng có nguy cơ cao khiến công tác phòng dịch gặp khó khăn. Từ ca bệnh này đã lây sang 3 trường hợp F1 trong đó có 1 công nhân nên đã làm ảnh hưởng tới 2.000 công nhân khác.

Để chủ động phòng dịch, huyện Đông Anh đang tiếp tục truy vết ca bệnh khẩn trương, không bỏ sót, phân loại các đối tượng có nguy cơ, đồng thời, lên phương án không để công nhân ăn nghỉ tại chỗ, đảm bảo đời sống cho công nhân, không để lây nhiễm chéo.

Chấn chỉnh hàng quán vi phạm, người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết

Kết luận phiên họp, ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội – cho biết: “Chỉ tính riêng trong ngày 5/7, Việt Nam đã ghi nhận trên 1.000 ca bệnh với 55 tỉnh, thành có dịch. Số ca mắc ở cộng đồng lớn, nhiều ca không rõ nguồn gốc. Hà Nội sau 8 ngày không ghi nhận ca mắc mới đã xuất hiện ổ dịch có nguy cơ bùng phát cao”.

Chính vì thế, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng khoanh vùng dập dịch, kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm phòng chống dịch khi thành phố đã nới lỏng một số loại hình kinh doanh, đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, hiện nay người dân vẫn còn chủ quan, lơ là, có nơi còn coi thường các quy định phòng chống dịch; không đảm bảo giãn cách, thực hiện thời điểm đóng cửa nhà hàng không thực hiện nghiêm túc. Sau 21h vẫn có nhà hàng bán hàng, trà đá vỉa hè vẫn hoạt động. Công tác kiểm tra xử lý ở một số địa bàn chưa quyết liệt, chủ động, chưa có giải pháp chấn chỉnh.

Ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội (Ảnh - Trung Nguyên)

Ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội (Ảnh - Trung Nguyên)

Do đó, ông Dũng nhắc nhở Sở Công Thương và các địa phương phải rà soát, chấn chỉnh ngay các biện pháp phòng dịch ở các trung tâm thương mại khi người đi, đến rất đông, không thực hiện khai báo y tế. “Như ở Trung tâm thương mại AEON khi tôi đi kiểm tra, rất đông, có cả người các tỉnh ngoài đến vui chơi cuối tuần nhưng không thực hiện khai báo y tế theo quy định. Dịch bệnh thì đang rất phức tạp, nguy cơ rất lớn, Sở Công Thương phải quyết liệt hơn nữa. Các văn bản, hướng dẫn thành phố đã có đầy đủ, các địa phương phải thực hiện nghiêm túc. Nhìn vào nguy cơ căng thẳng ở các tỉnh phía Nam. Hà Nội phải thực sự nghiêm túc thực hiện các giải pháp không để dịch bệnh lây lan” – ông Dũng nhấn mạnh.

Đáng chú ý, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh: “Cứ sau 7-10 ngày nỗ lực không có ca mới, thành phố lại phát sinh ca mắc mới. Các kết quả phòng dịch mới là bước đầu. Thành phố cũng đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch với mong muốn đời sống người dân tốt hơn. Người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, chỉ ra khỏi nhà khi có việc thực sự cần thiết; khai báo y tế đầy đủ khi đi về từ vùng có nguy cơ”.

Nhằm chống dịch hiệu quả, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các quận huyện, thị xã, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 ở các địa phương phải tập trung cao nhất; trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng dịch, hoạt động của các tổ COVID cộng đồng trong việc giám sát di biến động người dân bởi đây là thời điểm rất quan trọng khi diễn biến dịch bệnh khó lường, “phải nhìn tỉnh bạn mà lo lắng cho chúng ta”- ông Dũng nói.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát các khu cách ly tập trung, đảm bảo con số 40.000 chỗ với phương châm “4 tại chỗ”, các quận nội thành có khó khăn thì phối hợp với các đơn vị ngoại thành để xây dựng các khu cách ly tập trung. Các đơn vị phải thường trực 24/7, sẵn sàng bao vây, khoanh vùng, khi có ca mắc mới phải khẩn trương truy vết đến cùng. “Như huyện Mỹ Đức, các trường hợp F1 phải đưa đi cách ly từ đêm qua, chứ không phải sáng nay vẫn còn đề xuất. Phải khẩn trương nhất có thể. Việc lấy mẫu, trả kết quả phải thực hiện đúng theo công thức 4-6. 10h phải có kết quả” – ông Dũng nhấn mạnh.