Mặc dù đã tỉnh táo và có sự phục hồi tốt, chị H. vẫn phải điều trị tại khu vực cách ly của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Đôi khi, thấm mệt vì tập phục hồi chức năng tại giường, chị H. phải nhờ bác sĩ hoặc máy móc hỗ trợ.
Dù việc phục hồi của chị H. đã nằm trong dự tính, song, các bác sĩ của Bệnh viện vẫn cảm thấy vui mừng. Bởi trước khi mổ, tiên lượng của chị H. phức tạp: Chị có bệnh tim bẩm sinh nhưng vì phát hiện muộn nên bệnh trở nặng. Còn ca phẫu thuật đòi hỏi nhiều thủ thuật, thời gian phẫu thuật kéo dài tới 12 tiếng, thời gian hậu phẫu dài hơn bình thường; các bác sĩ chưa bao giờ vừa phẫu thuật chữa bệnh tim, vừa ghép phổi cho bệnh nhân.
Vì vậy, theo bác sĩ Phùng Duy Hồng Sơn – quyền Trưởng Khoa Ngoại Tim mạch Lồng ngực của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - trước khi phẫu thuật các bác sĩ đã phải đánh giá rất kỹ lưỡng nhằm đảm bảo rằng tim có thể phục hồi sau khi phẫu thuật, bệnh nhân có đủ sức khỏe để chịu đựng ca phẫu thuật lớn kéo dài.
Chị H. chưa thể đi lại, tiếp tục được điều trị ở khu vực cách ly (Ảnh: Quang Hùng)
|
“Song, nhờ có thuận lợi về kinh nghiệm phẫu thuật, có máy móc hỗ trợ phẫu thuật tim hiện đại nên chúng tôi không gặp quá nhiều khó khăn khi phẫu thuật cho bệnh nhân này” – bác sĩ Phùng Duy Hồng Sơn cho biết.
Bác sĩ Phạm Tiến Quân – quyền Trưởng Khoa Hồi sức tim mạch của Bệnh viện, chị H. đang phục hồi tốt. Mặc dù đôi khi phải sử dụng tới máy hỗ trợ để tập phục hồi chức năng nhưng tần suất không nhiều. Bác sĩ Phạm Tiến Quân đánh giá, trong tháng tới, chị H. có thể hồi phục hoàn toàn, không cần sử dụng tới máy hỗ trợ.
“Chúng tôi mong muốn bệnh nhân được ra viện trước Tết Nguyên đán, được trở về nhà đoàn tụ với gia đình, ăn Tết vui vẻ” – bác sĩ Phạm Tiến Quân bày tỏ.