Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận một trường hợp bị ung thư da do nhiễm độc Asen (thạch tín) mạn tính. Bệnh nhân là ông N.Đ.T, 64 tuổi, có thói quen sử dụng nước giếng khoan và uống thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị vảy nến.
Theo bệnh nhân, ông có thói quen sử dụng nước giếng khoan thường xuyên trong sinh hoạt và sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh vảy nến. Loại thuốc mà bệnh nhân sử dụng nhiều năm là thuốc đông y dạng viên, đựng trong gói nilon, không có nhãn hiệu và được quảng cáo có tác dụng trị dứt điểm bệnh vảy nến.
Các bác sĩ đánh giá bệnh nhân có các dấu hiệu của nhiễm độc Asen mạn tính, rất có thể nguyên nhân xuất phát từ thói quen sử dụng nước giếng khoan có nồng độ Asen cao và uống thuốc không rõ nguồn gốc trong nhiều năm của bệnh nhân. Asen tích tụ trong cơ thể, dẫn đến tổn thương da và phát triển thành ung thư.
Asen có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua đường hô hấp, tiêu hóa hoặc hấp thụ qua da thông qua sử dụng nguồn nước ngầm có nhiễm Asen, một số loại dược phẩm và sản xuất công nghiệp. Trong tự nhiên, nồng độ Asen trong nước ngầm, nước giếng khoan người dân hay dùng cao hơn nhiều so với nguồn nước đến từ sông hồ.
Mặc dù nhiễm độc Asen mạn tính là một tình trạng nghiêm trọng nhưng nếu phát hiện sớm vẫn có thể điều trị được. Chính vì thế, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần chú ý khi thấy những biểu hiện như:
Thay đổi sắc tố da: Da có thể trở nên sẫm màu hơn hoặc xuất hiện các mảng da sẫm màu. Những thay đổi này thường xảy ra ở những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như mặt, bàn tay và cánh tay.
Dày sừng lòng bàn tay và lòng bàn chân: Da ở lòng bàn tay và lòng bàn chân có thể trở nên dày và cứng. Nó cũng có thể xuất hiện các vết nứt hoặc mụn cóc.
Tổn thương da: Da có thể phát triển các tổn thương, chẳng hạn như ban đỏ, viêm loét, sạm da, rụng lông, tóc
Tê bì tay chân: Asen có thể làm tổn thương dây thần kinh, dẫn đến tê bì và ngứa ran ở tay và chân.
Yếu cơ: Asen cũng có thể làm suy yếu cơ bắp.
Đau bụng, tiêu chảy: Asen có thể kích thích hệ tiêu hóa, dẫn đến đau bụng, tiêu chảy và buồn nôn.
Vì thế, để tránh nhiễm độc, BSCKII. Nguyễn Minh Thu – Phó trưởng Khoa Điều trị bệnh da nam giới và BS. Nguyễn Thị Ngọc Anh – Phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Da liễu Trung ương - khuyến cáo người dân, nếu mắc các bệnh lý mạn tính như: vảy nến, hen phế quản, pemphigus… tuyệt đối không tự ý dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, vì có thể trong đó có chứa Asen.
Ngoài ra, nó có thể là thành phần trong các sản phẩm trang điểm như phấn mắt, bút kẻ lông mày hoặc son môi... Vì vậy khi lựa chọn các sản phẩm làm đẹp, người dân cần chú ý kĩ tới nguồn gốc và nơi sản xuất.
Để bảo vệ sức khỏe, hãy sử dụng nguồn nước sạch, lựa chọn thuốc men có nguồn gốc rõ ràng, không tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, và khám sức khỏe định kỳ.
Asen là một kim loại độc hại, không màu, không mùi và không vị. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Asen vào nhóm chất gây ung thư loại 1.
Asen có thể xâm nhập vào cơ thể, tích tụ trong các cơ quan như gan, thận, phổi và da qua nhiều con đường như sử dụng nước ngầm, nước giếng khoan có nồng độ Asen cao, ăn thực phẩm được trồng hoặc tưới bằng nước bị nhiễm Asen, hít phải bụi hoặc khói có chứa Asen.