Bệnh nhân có diễn biến bệnh nặng, tưởng khó qua khỏi
Thông tin về trường hợp của bệnh nhân 1536, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho biết: Bệnh nhân từng có diễn biến rất nặng, thậm chí nặng hơn bệnh nhân 91- phi công người Anh. Bệnh nhân đã được hội chẩn quốc gia tới 7 lần.
GS.TS. Nguyễn Gia Bình - Tổ trưởng hội chẩn bệnh nhân mắc COVID-19 nặng– đã thường xuyên hội chẩn, thảo luận nhóm trên điện thoại về tình trạng của bệnh nhân 1536. Mặc dù Tiểu ban điều trị đã hỗ trợ bệnh viện huy động tất cả các loại thuốc hiếm, các xét nghiệp chuyên biệt, các trang thiết bị hiện đại và những chăm sóc đặc biệt nhất,… nhưng có thời điểm bệnh nhân bị suy thận tiến triển, vô niệu, tiên lượng tử vong cao.
Khu vực cách ly bệnh nhân COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)n |
Trong hôm nay, bệnh nhân đã được chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy với các bác sĩ có chuyên môn cao nhất, theo nguyện vọng của gia đình. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn tiếp tục phải điều trị để giảm thiểu biến chứng của các bệnh lý nền và phục hồi thể trạng.
Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, không chỉ bệnh nhân người Việt Nam hay người nước ngoài, bất cứ bệnh nhân COVID-19 nào có những diễn biến nặng đều được Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, Tổ Hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng theo dõi sát và tư vấn chuyên môn kịp thời.
Đến nay, qua Trung tâm quản lý và điều hành hỗ chợ chẩn đoán và điều trị COVID-19 đã tổ chức hàng trăm buổi hội chẩn bệnh nhân COVID-19 rất nặng, trong đó có những bệnh nhân thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội được cứu sống như bệnh nhân 19, bệnh nhân 91.
Về TP. Hồ Chí Minh điều trị theo nguyện vọng của gia đình
Trước đó, ngày 13/1, bệnh nhân 1536, nữ, 79 tuổi, nhập cảnh từ Mỹ về Việt Nam. Ngày 14/1, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với virus SARS-CoV-2.
Ngày 15/1, bệnh nhân vào Bệnh viện Phổi Đà Nẵng với chẩn đoán viêm phổi do SARS-CoV 2 cùng các bệnh lý đi kèm là tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, suy tim, nhiễm trùng đường tiểu do nấm candida; bội nhiễm phổi. Thể trạng gầy, suy kiệt.
Ngày 19/1, bệnh nhân bắt đầu bị suy hô hấp và đến ngày 21/1 phải thở máy, lọc máu, can thiệp ECMO.
Ngày 6/2, bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng trong tình trạng rất nặng, 2 đáy phổi đông đặc, phù nhẹ toàn thân, tiên lượng tử vong cao.
Trưa ngày 30 Tết tức ngày 11/2, các chuyên gia đã tiến hành hội chẩn và đánh giá bệnh nhân có diễn biến nặng giống bệnh nhân 91- phi công người Anh.
Ngày 24/2, Hội đồng chuyên môn nhận định, bệnh nhân vẫn diễn biến rất nặng, thậm chí nặng hơn bệnh nhân 91.
Tại buổi hội chẩn quốc gia vào ngày 17/3, bệnh nhân 1536 đã có sự phục hồi nhất định dù bị yếu cơ do nằm lâu, còn huyết khối. Vì thế, gia đình bệnh nhân muốn chuyển người bệnh về TP. Hồ Chí Minh để chăm sóc.
Chuyên gia hội chẩn cho bệnh nhân 1536 (Ảnh - BYT) |
Trong thư gửi Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, con của bệnh nhân 1536 đã bày tỏ: “Qua thời gian điều trị, mặc dù mẹ tôi mắc COVID-19 rất nặng với nhiều bệnh nền nhưng được sự chữa chạy tận tình, hết lòng với tinh thần trách nhiệm cao của các bác sĩ trong cả nước và bệnh viện Phổi Đà Nẵng, mẹ tôi đã qua cơn nguy kịch và đã có kết quả xét nghiệm nhiều lần âm tính với virus SARS-CoV-2. Tự đáy lòng, gia đình tôi vô cùng biết ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao tích cực của lãnh đạo ngành y tế cả nước và sự tận tâm của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng đã điều trị cho mẹ tôi. Do hoàn cảnh gia đình tôi quá neo đơn, khó có thể chăm sóc cho mẹ tôi lâu dài ở Bệnh viện Phổi Đà Nẵng nên gia đình mong muốn được đưa mẹ tôi về TP. Hồ Chí Minh để thuận tiện cho việc chăm sóc”.
Sau khi nhận được nguyện vọng của gia đình bệnh nhân1536, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh đã đề nghị Sở Y tế Đà Nẵng chỉ đạo Bệnh viện Phổi Đà Nẵng công bố khỏi bệnh COVID-19 cho bệnh nhân 1536 và tiếp tục điều trị bệnh nền cho người bệnh ở Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh.
Hôm qua, ngày 27/3, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã công bố khỏi COVID-19 cho bệnh nhân 1536 - một trong những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng nhất Việt Nam tính đến thời điểm này.