BCCI vs Nam Long: “Chậm mà chắc” hay “đánh nhanh thắng lớn”?

Cách biệt nhau về khởi điểm, khác nhau về chiến lược kinh doanh nhưng cả Nam Long và BCCI đang có tham vọng trở thành doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam.
BCCI và Nam Long đều tập trung phát triển nhà ở cho người thu nhập trung bình khá.
BCCI và Nam Long đều tập trung phát triển nhà ở cho người thu nhập trung bình khá.

Cách biệt nhau về khởi điểm
CTCP Đầu tư Nam Long – Nam Long được thành lập vào năm 1992 trước CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh – BCCI 3 năm. Nam Long thuộc thế hệ những doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tiên trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam. Năm 1996 Nam Long xác lập định hướng trở thành công ty đầu tư phát triển đô thị mới đầu tiên Việt Nam.

Từ năm 1997, Nam Long bắt đầu tích lũy quỹ đất bằng việc triển khai tiến hành đền bù/nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, xin giao thuê các khu đất chưa có quy hoạch chi tiết, chưa có cơ sở hạ tầng đô thị.

Đến nay, Nam Long hiện đang sở hữu quỹ đất với tổng diện tích hơn 567 ha, chủ yếu tập trung trong các khu đô thị và dân cư trọng điểm của Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Long An, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu….

 Nguồn: Số liệu Báo cáo tài chính hợp nhất

Trong khi đó, BCCI là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng. Đây được xem là một khởi điểm thuận lợi và ưu việt của BCCI so với nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động khác. Đặc biệt, cứ điểm là huyện Bình Chánh đã mang đến lợi thế cho BCCI gia tăng quỹ đất sạch để phát triển các chương trình nhà ở cho người thu nhập trung bình khá.

Tại thời điểm năm 2008, chỉ tính riêng các dự án BCCI đang đầu tư quỹ đất đã lên đến 8.243.628m² bao gồm cả 2.570.000m² đất khu công nghiệp Phong Phú và Lê Minh Xuân mở rộng.

Cùng chung một tầm nhìn – trở thành doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam
Mặc dù xuất phát điểm là khác nhau, nhưng 2 doanh nghiệp đang sở hữu quỹ đất sạch tương  đối cân bằng nhau, thuộc loại lớn ở Tp. Hồ Chí Minh dù quỹ đất của BCCI có “nhĩn” hơn Nam Long ở Tp. Hồ Chí Minh.

Những năm 2007 -2008 được xem là bước ngoặt quan trọng của BCCI và Nam Long khi có sự tham gia của các quỹ đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp và bước đầu ghi dấu ấn với những dự án nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình khá. Năm 2008 Nam Long đón nhận quỹ đầu tư ASPL – Malaysia; BCCI đón nhận đầu tư Vina Capital, Dragon Capital và Temasek (Singapore).

Hiện, cả Nam Long và BCCI đều có cổ đông là tổ chức tài chính/đầu tư nước ngoài lớn tham gia Hội đồng quản trị.

 Nguồn: Số liệu Báo cáo tài chính hợp nhất 

Về nhân sự, đến ngày 31/12/2014 Nam Long có 131 cán bộ, nhân viên, nếu tính cả Tập đoàn Nam Long có 489 nhân viên; BCCI có 142 cán bộ, nhân viên.

BCCI hoạch định mình trở thành doanh nghiệp hàng đầu về đầu tư – kinh doanh bất động sản tại Việt Nam. Còn Nam Long hoạch định đến năm 2020 sẽ đứng trong Top 3 Nhà phát triển đô thị hàng đầu Việt Nam.

Ai sẽ về đích trước?
Trong giai đoạn 2008 – 2014, ngoại trừ năm 2008 doanh thu thuần của BCCI lớn hơn Nam Long, trong 5 năm còn lại Nam Long luôn có mức doanh thu lớn hơn BCCI, và từ năm 2012 dù cho thị trường bất động sản khó khăn Nam Long vẫn duy trì được tăng trưởng doanh thu.

  Nguồn: Số liệu Báo cáo tài chính hợp nhất

Về lợi nhuận, mặc dù BCCI hầu như có mức lợi nhuận trước thuế cao hơn Nam Long nhờ việc chuyển nhượng dự án ở những năm thị trường bất động sản khó khăn và nguồn thu ổn định từ khu công nghiệp. Nhưng nếu chỉ xét về lĩnh vực kinh doanh nhà/đất ở, Nam Long có lợi thế hơn hẳn trong phát triển dự án và bán hàng.

 Nguồn: Số liệu Báo cáo tài chính hợp nhất 

Từ năm 2014 thị trường bất động sản Tp. Hồ Chí Minh dần hồi phục, Nam Long tỏ ra vượt trội hơn BCCI trong kết quả và kế hoạch kinh doanh ở những năm tới. Phải chăng BCCI đang “quá thận trọng” như ý kiến của cổ đông là đại diện của Dragon Capital! Hay vì một lý do khác?

Tại thời điểm cuối năm 2009, tổng tài sản của BCCI là 3.024,6 tỷ đồng; Nam Long là 2.330 tỷ đồng. Sau 5 năm, tổng tài sản của Nam Long tăng 68,6% đạt mức 3.929 tỷ đồng; BCCI là 3.237 tỷ đồng, tăng 7%.

Xét về chất lượng tài sản, hàng tồn kho là các khoản đầu tư vào các dự án bất động sản đang chiếm gần 2/3 tổng tài sản của cả Nam Long và BCCI. Nam Long đang sở hữu tiền mặt lớn hơn BCCI cả về lượng và tỷ trọng tương đối so với tổng tài sản.

  Nguồn: Số liệu Báo cáo tài chính hợp nhất

Đây được xem là mấu chốt để thành công trong tương lại. Bởi như chính Hội đồng quản trị BCCI đã chia sẻ với cổ đồng rằng: “Hàng tồn kho của BCCI tại thời điểm cuối năm 2014 hơn 2.100 tỷ đồng, điều này đồng nghĩa để phát triển công ty cần lượng tiền lớn.” Đây cũng chính là lý do BCCI đã thay đổi kế hoạch cổ tức trả bằng CP thay vì trả bằng tiền để có tiền phục vụ đầu tư.

Còn quá sớm để đưa ra dự đoán về tương lai của Nam Long và BCCI nhưng rõ rằng nếu “BCCI chậm”, BCCI sẽ “lỡ mất cơ hội” phát triển trong thời gian tới. Trong khi Nam Long đang rất tự tin với chiến lược phát triển tương lai cũng như khả năng thành công của dòng sản phẩm nhà ở Ehome được Nam Long mạnh danh là “xuyên thủng thị trường”!

Theo Bizlive