Sẽ cổ phần hóa thêm 2 bệnh viện GTVT
Chỉ ít ngày sau khi chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT Trung ương, ông Đỗ Quang Hiển, Tổng giám đốc Tập đoàn T&T, người được biết đến nhiều hơn với cái tên “bầu Hiển”, lại xin tham gia trở thành cổ đông chiến lược tại các bệnh viện còn lại hiện do Cục Y tế (Bộ GTVT) quản lý.
Theo đó, 2 bệnh viện tiếp theo của ngành GTVT lọt vào mắt xanh của bầu Hiển là Bệnh viện GTVT Vinh và Bệnh viện GTVT Đà Nẵng.
“Chúng tôi muốn trở thành cổ đông chiến lược tại hai bệnh viện này nhằm hình thành một hệ thống bệnh viện các tuyến hoàn chỉnh, trong đó Bệnh viện GTVT Trung ương là hạt nhân”, bầu Hiển cho biết.
T&T muốn được tham gia ngay từ khi xây dựng phương án cổ phần hóa các bệnh viện trên nhằm lựa chọn được phương án tối ưu nhất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong trường hợp được lựa chọn, nhà đầu tư này cam kết đảm bảo năng lực tài chính để nâng cấp cơ sở vật chất; duy trì và phát triển đội ngũ y, bác sỹ; cung cấp thuốc chữa bệnh giá rẻ, chất lượng tốt từ một công ty con trong tập đoàn là Công ty TNHH Dược phẩm T&T.
Được biết, Bệnh viện GTVT Vinh là một trong những cơ sở khám chữa bệnh lớn ở khu vực Bắc Trung Bộ. Bệnh viện đa khoa cấp II này được thành lập năm 1993, hiện có 11 khoa, 5 phòng chức năng, với cơ sở vật chất khá hiện đại, đáp ứng năng lực khám chữa cho khoảng 80.000 lượt bệnh nhân/năm.
Mặc dù ít tên tuổi hơn, nhưng Bệnh viện GTVT Đà Nẵng (tiền thân là Bệnh viện Đường sắt) cũng là cơ sở khám chữa bệnh lớn ở quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, 2 bệnh viện trên, cùng với bệnh viện GTVT TP.HCM, Bệnh viện Nam Thăng Long đang được bộ chủ quản lên phương án cổ phần hóa trong thời gian tới trong lộ trình sắp xếp tái cơ cấu một loạt cơ sở y tế, đào tạo công lập do Bộ GTVT quản lý.
T&T có cơ hội lớn
Hiện 51,43% cổ phần của Bệnh viện GTVT Trung ương (vốn điều lệ 168 tỷ đồng) do Tập đoàn T&T của bầu Hiển sở hữu; 30% cổ phần do Nhà nước nắm giữ; phần còn lại thuộc về một số cổ đông nhỏ lẻ và cán bộ - công nhân viên Bệnh viện.
Vào cuối tháng 10/2015, hơn 4,95 triệu cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần) của Bệnh viện GTVT Trung ương được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần. Có 33 tổ chức, cá nhân đã tham giá đấu giá, với tổng khối lượng đặt mua 11.703.100 cổ phần, gấp 2,37 lần số cổ phần mang ra đấu giá.
Mức giá đặt mua cao nhất 26.000 đồng/cổ phần và giá đặt mua thấp nhất 17.200 đồng/cổ phần. Có 2 nhà đầu tư đã trúng thầu với mức giá đấu thành công trung bình 23.597 đồng/cổ phần. Như vậy, tổng giá trị cổ phần bán được hơn 116,8 tỷ đồng.
Bệnh viện GTVT Trung ương là bệnh viện công lập đầu tiên được thí điểm cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt, Nhà nước nắm giữ 30% vốn điều lệ, tương ứng 5,04 triệu cổ phần; 10,52% vốn điều lệ bán ưu đãi cho người lao động; 29,48% vốn điều lệ, tương ứng 4,952 triệu cổ phần được bán đấu giá công khai ra công chúng. Trước đó, hơn 5,04 triệu cổ phần tương ứng 30% vốn điều lệ đã được bán cho nhà đầu tư chiến lược là CTCP Tập đoàn T&T.
Ngay sau khi hoàn tất quá trình thâu tóm, bầu Hiển đã giữ đúng cam kết trước cổ phần hóa khi mời đối tác Elizabeth (Singapore) tư vấn cho Bệnh viện GTVT tái cấu trúc thành bệnh viện đa khoa hàng đầu trong nước và khu vực.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù phương án cổ phần hóa 2 bệnh viện này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng ngay cả khi Nhà nước thoái toàn bộ vốn, thì kinh phí để hoàn tất thương vụ M&A chắc chắn không phải là rào cản lớn đối với T&T.
Theo ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT), kinh nghiệm từ việc cổ phần hóa thành công Bệnh viện GTVT Trung ương sẽ giúp Bộ GTVT rút ngắn đáng kể tiến trình xã hội hóa 2 bệnh viện khu vực miền Trung này.
Theo Đầu tư